Các thiết bị mạng được sản xuất từ tập đoàn viễn thông Trung Quốc bị cáo buộc "là công cụ gián điệp" của Chính phủ Trung Quốc - Ảnh: Bloomberg |
"Cisco đã không còn mối quan hệ với ZTE", lời khẳng định chắc nịch trong email thông cáo báo chí gửi đi vào ngày 8-10 từ trụ sở Cisco tại San Jose, bang California, Mỹ.
Theo Reuters, Tập đoàn Cisco System (Mỹ), hiện là nhà sản xuất trang thiết bị mạng lớn nhất thế giới, đã cắt đứt mối quan hệ đối tác với tập đoàn viễn thông lớn thứ hai Trung Quốc ZTE vì những e ngại nguy cơ trừng phạt từ phía Chính phủ Mỹ. Trước đó, ZTE được phép bán lại các sản phẩm của Cisco như là một phần trong gói hợp tác giữa hai công ty.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Thông tin và truyền thông, tính đến cuối năm 2011 Việt Nam có 16 triệu thuê bao 3G. Theo thống kê của một công ty nghiên cứu thị trường, lượng người dùng 3G thông qua USB 3G chiếm hơn 50%. Như vậy tại Việt Nam hiện có hơn 8 triệu thuê bao sử dụng thiết bị USB 3G, trong đó Huawei và ZTE chiếm phần lớn. Hiện cả ba nhà mạng di động lớn của Việt Nam là MobiFone, Vinaphone và Viettel đều đang sử dụng nhiều thiết bị viễn thông của Huawei, ZTE từ việc xây dựng hạ tầng mạng đến thiết bị đầu cuối. (Theo báo Tuổi Trẻ số ra ngày 9-10-2012) |
Không chỉ có ZTE mà cả Huawei sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị cấm kinh doanh tại thị trường Mỹ. Huawei và ZTE là hai hãng sản xuất trang thiết bị mạng viễn thông lớn thứ hai và thứ năm thế giới.
Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ Mike Rogers đã thẳng thắn khuyên các hãng viễn thông Mỹ nên "tránh xa" hai tập đoàn này. Báo The Register của Anh ví von "chỉ nên mua sản phẩm từ Huawei và ZTE nếu muốn bị theo dõi".
Yếu tố "liên quan đến Chính phủ Trung Quốc" còn được Bloomberg đưa ra trong bài viết đăng tải vào hôm nay. Theo đó, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành (CEO) Huawei Ren Zhengfei được cho là có xuất thân từ lực lượng quân đội Trung Quốc là chi tiết thu hút sự chú ý đặc biệt từ các nhà lập pháp Hoa Kỳ.
Cùng ngày, Huawei và ZTE đưa ra thông cáo báo chí phản đối quyết định của Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ, cho rằng mình không liên quan đến Chính phủ Trung Quốc và phục vụ các hoạt động gián điệp, cáo buộc quyết định trên là một đòn chính trị, có thể áp đặt vào bất cứ công ty Trung Quốc nào hoạt động trên đất Mỹ. Trước đó, Huawei cũng đã gửi email đến toàn bộ nhân viên để trấn an trước "thông tin sai lệch". Hiện Huawei có 1.700 nhân viên tại Mỹ với doanh thu năm ngoái đạt 1,3 tỉ USD (theo Wall Street Journal).
Cuối tháng 5, Liên minh châu Âu (EU) tiến hành khởi kiện Huawei Technologies và ZTE Corp vì cạnh tranh không lành mạnh dưới sự hậu thuẫn từ Chính phủ Trung Quốc. Cáo buộc cho rằng với khoản trợ cấp khổng lồ từ Chính phủ Trung Quốc, Huawei và ZTE đã bán sản phẩm của mình tại thị trường châu Âu với giá còn thấp hơn cả chi phí sản xuất.
Các dòng smartphone Huawei và ZTE thường được tích hợp những tính năng không kém gì các dòng sản phẩm cao cấp từ những đối thủ lớn như Samsung, HTC, Apple... nhưng luôn có giá rẻ "bất ngờ" ở mức trung bình - Ảnh: Flickr |
Ông Karel De Gucht, cao ủy thương mại của EU, cho rằng Trung Quốc đã trợ cấp gần như tất cả mọi thứ để "bóp méo sự cạnh tranh" trên trường quốc tế.