CNTT tại Việt Nam vẫn tăng trưởng dù gặp khủng hoảng tài chính

Dù chịu ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu, ngành công nghiệp CNTT-TT của Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng khoảng 20%/năm. Doanh nghiệp CNTT của Pháp đưa ra nhận định: Việt Nam chắc chắn sẽ là thị trường rất tiềm năng trong thời gian tới.

Hội thảo “Thách thức và triển vọng phát triển công nghệ thông tin trong doanh nghiệp ở Việt Nam: cơ hội hợp tác thương mại Pháp - Việt” vừa được Bộ Thông tin - Truyền thông và Cơ quan Thương mại Pháp (Ubifrance) tổ chức  ngày 13/9.

Đây là một diễn đàn mở để các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam và Pháp trao đổi kinh nghiệm, giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội và thực hiện chiến lược đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT) do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010.

CNTT- TT là ngành kinh tế mũi nhọn của VN. (Ảnh minh họa)
 
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng khẳng định Chính phủ Việt Nam coi CNTT-TT vừa là một ngành kinh tế, vừa là động lực phát triển kinh tế xã hội. Các cơ quan nhà nước luôn quan tâm, ban hành và đảm bảo thực thi nhất quán các chính sách thúc đẩy CNTT-TT. Ông Hồng cho biết, mặc dù chịu ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu, ngành công nghiệp CNTT-TT của Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng khoảng 20%/năm. Năm 2010, doanh thu ngành CNTT-TT đạt trên 7,6 tỉ USD. Một số lĩnh vực có mức tăng trưởng cao như công nghiệp phần mềm, công nghiệp nội dung số

Theo kết quả nghiên cứu mới nhất của công ty tư vấn hàng đầu thế giới của Mỹ A.T.Kearney thì Việt Nam là một trong 10 quốc gia hấp dẫn về gia công phần mềm. Năm 2010, Việt Nam có 26,7 triệu người sử dụng internet, đạt khoảng gần 30% dân số, tăng 10 lần so với năm 2003 và đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, thứ 6 khu vực Châu Á và thứ 18 thế giới.

Nhiều DN kinh doanh trong lĩnh vực CNTT của  Pháp cũng đưa ra nhận định Việt Nam chắc chắn sẽ là thị trường rất tiềm năng trong thời gian tới, đặc biệt là phần mềm, phần cứng, công nghiệp phụ trợ, đào tạo và cung ứng nhân lực cho ngành CNTT.