Trong những tháng đầu năm 2013, nổi đình đám nhất trong việc thâu tóm cổ phần của công ty niêm yết và công ty đại chúng giữa những công ty “nội” 100% là những phi vụ mua bán cổ phần rất thành công và hiệu quả của Hùng Vương Group và Masan Group.
Một số chuyên gia trong lĩnh vực M&A nhận định, hoạt động M&A tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 25-30% trong năm 2013.
Cuối tháng 3/2013, Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta (mã FMC-HOSE) đã bán thành công 5 triệu cổ phiếu với giá 10.500 đồng/cổ phiếu cho Công ty Cổ phần Hùng Vương (mã HVG-HOSE) và HVG chính thức nắm giữ 41,76% vốn FMC và đến đầu tháng 5/2013 đã nâng tỷ lệ sổ hữu lên 45%.
Trong thương vụ này, có 3 nhà đầu tư chiến lược đăng ký mua cổ phần của FMC nhưng FMC đã chọn HVG vì doanh nghiệp này là đối tác lớn của FMC trong ngành thủy sản và có mức giá chào mua tốt nhất so với những đơn vị còn lại.
Trước đó, trong tháng 1/2013 từ một công ty liên kết là Công ty Cổ phần Nuôi trồng thủy sản Hùng Vương miền Tây, HVG đã mua 55,31% vốn của Công ty Cổ phần thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (mã VTF-HOSE), công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu ĐBSCL với công suất hiện nay là 350.000 tấn, chiếm 40% thị phần thức ăn chăn nuôi tại ĐBSCL.
Do mua cổ phần thông qua công ty liên kết nên thương vụ này không phải thực hiện chào mua công khai và thực hiện rất nhanh, chỉ trong vòng chưa đến 2 tuần từ 3/1 đến 11/1/2013. Kết quả kinh doanh khả quan của VTF (lãi ròng năm 2012 là 176 tỷ đồng, năm 2011 là 146 tỷ và quý 1/2013 là 40 tỷ đồng) là một trong những nguyên nhân khiến HVG bán phần lớn vốn ở các công ty con để mua cho bằng được VTF.
Việc thâu tóm và đưa VTF trở thành công ty con sẽ giúp HVG tiết kiệm được rất lớn chi phí thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh đó, việc mua lại Nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản Việt Đan từ phía Công ty Cổ phần Chế biến và Xuất nhập khẩu thủy sản Đồng Tháp, với giá trị 74 tỷ đồng, công suất 100.000 tấn/năm cũng làm cho năng lực sản xuất thức ăn cho cá của HVG tăng lên nhiều lần.
Đầu năm 2013, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HVG tuyên bố sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại FBT lên 58% nhằm tận dụng gần 1.000 ha nuôi trồng của công ty này để tiến hành nuôi tôm.
Tính đến cuối tháng 4/2013, HVG có tổng cộng 9 công ty con, 5 công ty liên doanh, liên kết. Chính nhờ những thương vụ thâu tóm cổ phần của các doanh nghiệp cùng ngành mà HVG tự tin với chỉ tiêu năm 2014, HVG sẽ xuất khẩu 500 triệu USD các sản phẩm chế biến tôm và cá, doanh số 15.000-16.000 tỷ đồng và mục tiêu đến 2015 HVG sẽ đạt 1 tỷ USD về doanh số.
Trong lĩnh vực chế biến thủy sản, Công ty Cổ phần Xuyên Thái Bình (mã PAN-HOSE) cũng đã hoàn thành mua 20,22% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre (ABT) và 24,9% vốn của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (AGF). Công ty Charoen Pokpand Foods có ý định mua 40% cổ phần của Minh Phú (MPC) bằng cách mua 30% cổ phiếu phát hành riêng lẻ của công ty và 10% từ các cổ đông hiện hữu.
“Đại gia” thứ hai thâu tóm rất thành công trên sàn chứng khoán là Tập đoàn Masan (mã MSN-HOSE). Năm 2012, Vinacafe Biên Hòa (mã VCF-HOSE) đã được MasanConsumer thâu tóm (hiện đang sở hữu 53,2%) với giá khoảng 60 triệu USD và hiện vẫn đang tiếp tục mua cổ phiếu VCF.
Cuối năm 2012, Tập đoàn Masan mua lại 40% cổ phần của Proconco-Công ty Cổ phần Việt-Pháp sản xuất thức ăn gia súc mang thương hiệu Con Cò với tổng giá trị khoảng 96 triệu USD.
Mới đây nhất, trong tháng 4/2013, Masan Consumer, thuộc Tập đoàn Masan, đã mua thành công 63,51% vốn của Nước khoáng Vĩnh Hảo với giá 85.000 đồng/cổ phiếu, gấp 2,6 lần giá giao dịch trên thị trường OTC.
Trong lĩnh vực bất động sản, hoạt động thâu tóm của các doanh nghiệp niêm yết trong 4 tháng đầu năm 2013 rất sôi động. Điển hình là trong tháng 3, hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Dịch vụ & Xây dựng địa ốc Đất Xanh (mã DXG-HOSE) đã thống nhất mua lại 60% phần vốn góp của 2 cá nhân tại Công ty TNHH du lịch Thương mại sản xuất và xây dựng Lý Khoa Nguyên; Nikko Securities Indonesia sẽ trở thành đối tác chiến lược của Công ty Cổ phần Xây dựng & Kinh doanh địa ốc Hòa Bình (HBC).
Công ty Cổ phần địa ốc Hoàng Quân (HQC) đã mua một phần dự án Khu nhà ở cán bộ công nhân viên Nam Hiệp Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và đã thâu tóm, mua sỉ 4 dự án của nhiều doanh nghiệp địa ốc khác bằng hình thức hợp tác đầu tư.
Đầu năm 2013, Công ty Cổ phần phát triển nhà Thủ Đức (TDH) cũng công bố sẽ chuyển nhượng toàn bộ phần góp vốn tại dự án Đồng Mai, Hà Đông, Hà Nội với tổng giá trị 80 tỷ đồng.
Một số chuyên gia trong lĩnh vực M&A nhận định, hoạt động M&A tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 25-30% trong năm 2013 với những thương vụ rất mới nhằm vào những ngành mà các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn, muốn bán cổ phần hay nhà máy với giá rẻ và cơ hội mua cũng dễ dàng.
Trong bối cảnh khủng hoảnh kinh tế hiện nay, chiến lược thâu tóm các doanh nghiệp cùng nhóm ngành thông qua sàn chứng khoán là nhanh nhất, đỡ tốn kém và hiệu quả nhất.