Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê (GSO), chỉ số bán lẻ hàng hóa Việt Nam đang cho thấy dấu hiệu khởi sắc, đặc biệt tăng trưởng đến 11,9% trong tháng 1/2015 (sau khi đã loại trừ yếu tố lạm phát).
Tín hiệu này cho thấy dấu hiệu tích cực đầu tiên của ngành bán lẻ hàng hóa, dịch vụ trong năm 2015, trong đó, mảng bán lẻ ô tô được đánh giá có sự tăng trưởng đáng kể nhờ mối liên kết chặt chẽ với ngành ô tô.
Còn đánh giá của Công ty Chứng khoán VDSC, trong năm 2013-2014, ngành ô tô chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ khi tốc độ tăng trưởng trong hai năm này lần lượt đạt 20% và 40%.
Triển vọng ngành càng được khẳng định trong năm 2015 dựa vào các yếu tố như nhu cầu tín dụng ô tô được cải thiện nhờ lãi suất thấp và ổn định (từ 7 - 9% đối với các khoản vay ngắn và trung hạn), chính sách siết chặt tải trọng xe vận tải qua Thông tư 06/VBHN-BGTVT kết hợp các quy định về hình thức xử phạt theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP; cơ sở hạ tầng được quan tâm hơn thông qua việc nâng chính sách đầu tư công (huy động 30-35% GDP cho đầu tư phát triển, chỉ số niềm tin tiêu dùng trong bốn quý năm 2014 đều có sự tăng trưởng tốt hơn so với cùng kỳ (tăng trưởng trung bình cả năm 2014 so với 2013 là 5%).
Trong mảng bán lẻ ô tô, có doanh nghiệp phân phối xe nhập khẩu, phân phối xe lắp ráp trong nước. Đối với mảng phân phối xe nhập khẩu, phân phối dòng xe thương mại nhập khẩu như xe tải, xe ben và xe đầu kéo,... sẽ có mức tăng trưởng tốt nhất nhờ hưởng lợi từ:
(1) luật siết chặt tải trọng cấm xe vận tải quá tải quá khổ, (2) thuế nhập khẩu xe ô tô giảm xuống mức 50% từ năm 2014, (3) nền kinh tế phục hồi tốt kéo theo sự gia tăng của nhu cầu vận tải hàng hóa.
Trái lại, trong năm 2015, phân phối dòng xe du lịch nhập khẩu có thể tăng trưởng chậm hơn so với năm 2014. Nguyên nhân là do mức thuế nhập khẩu không có sự điều chỉnh trong năm nay (vẫn giữ ở mức 50% như năm 2014) và theo lộ trình giảm thuế nhập khẩu của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) sẽ giảm còn 0% vào năm 2018.
Điều này khiến cho người tiêu dùng có tâm lý chờ đợi việc cắt giảm thuế sâu hơn nữa trong những năm tiếp theo. Do vậy, phân khúc này, chỉ có thể tăng trưởng mạnh từ năm 2018 khi hàng rào thuế quan hoàn toàn được gỡ bỏ.
Những yếu tố trên cũng ảnh hưởng tích cực đến mảng phân phối xe lắp ráp trong nước ở cả hai phân khúc xe thương mại và xe du lịch. Điều này kéo theo sự tích cực của một số cổ phiếu ngành này trong năm 2015.
Đặc biệt, giới phân tích khuyên các nhà đầu tư có thể quan tâm đến các doanh nghiệp chuyên phân phối dòng xe thương mại nhập khẩu với các thương hiệu như Dongfeng, Hino,... và các doanh nghiệp chuyên phân phối các xe du lịch lắp ráp trong nước như Toyota, Suzuki, Daihatsu.
Cổ phiếu ưa thích hiện tại theo VDSC là Công ty CP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (HSX: HHS). Trong năm 2014, Quỹ Gem đã thỏa thuận đầu tư vào HHS khoảng 16 triệu USD. Cơ cấu cổ đông trong nước chiếm 99,07%, cổ đông nước ngoài chiếm tỷ lệ rất ít.
Tương tự, Công ty CP Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (HSX: SVC) có thị phần tương đối lớn trong ngành phân phối ô tô tại Việt Nam, đặc biệt là dòng xe con với các thương hiệu nổi tiếng như Ford, Toyota, GM, Suzuki, Hyundai... cổ tức ổn định và tỷ suất cổ tức khá tốt (7,3%).
Công ty CP Kỹ thuật và Ô tô Trường Long (HSX: HTL) cũng đang khá hấp dẫn vì hầu như không có vay nợ, chi phí lãi vay trên doanh thu ở mức rất thấp. Công ty hoàn toàn có cơ hội gia tăng tỷ suất sinh lời ROE khi sử dụng thêm nợ vay trong quá trình mở rộng. Tỷ suất cổ tức dự kiến khả quan (đợt 1 chi trả cổ tức là 20%)...
HOÀNG LONG