|
Coi chừng mũ bảo hiểm lạ mắt! Trước hiện tượng trên thị trường xuất hiện nhiều loại mũ bảo hiểm với kiểu dáng mẫu mã lạ, không đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, Cục Quản lý chất lượng hàng hoá (Bộ Khoa học và Công nghệ) vừa có khuyến cáo tới người tiêu dùng cần thận trọng khi mua mũ bảo hiểm, không nên mua loại mũ gấp, siêu gọn, siêu nhẹ... để sử dụng khi đi mô tô, xe máy.
|
Theo Cục Quản lý chất lượng hàng hoá, gần đây trên thị trường xuất hiện một loại mũ bảo hiểm mà một số cửa hàng giới thiệu, quảng cáo là mũ bảo hiểm siêu gọn, mũ bảo hiểm gấp gồm 3 mảnh ghép lại với nhau và gấp lại được. Đây không phải là mũ bảo hiểm dùng cho người đi mô tô, xe máy.
Loại mũ này chỉ có lớp vỏ nhựa gồm 3 mảnh nhựa có thể gập vào kéo ra được và một lớp vải giả da, bên trong không có lớp xốp chống va đập và hấp thụ xung động nên không đạt tiêu chuẩn của mũ bảo hiểm cho người đi mô tô xe máy theo TCVN 5756:2001.
Giả mạo dấu công bố tiêu chuẩn Việt Nam
Trên mũ có nhãn hiệu VieLox cách điệu và dòng chữ NGUYEN VIET JSC, không có địa chỉ sản xuất, có dấu CS – TCVN 5756: 2001. Thực tế đây là mũ giả mạo dấu công bố phù hợp tiêu chuẩn TCVN 5756:2001 vì loại mũ này không được công bố phù hợp tiêu chuẩn TCVN 5756:2001.
Trước thực trạng này, Cục Quản lý chất lượng hàng hóa đã thông báo tới Chi cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội để tổ chức kiểm tra. Ngày 02/5/2008, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra tại một số cửa hàng bán mũ bảo hiểm khu vực ngã tư Phố Huế - Nguyễn Công Trứ - Hà Nội thu giữ loại mũ gấp này và một số loại mũ nhập khẩu không có tem kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu để xử lý. Hiện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp cùng các cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra truy tìm nguồn gốc nơi sản xuất loại mũ gấp này để xử lý triệt để từ gốc.
Đây không phải lần đầu tiên trên thị trường Việt Nam xuất hiện các loại mũ bảo hiểm có kiểu dáng lạ, không phù hợp tiêu chuẩn. Trước đó, tại Hội nghị tổng kết về quản lý chất lượng mũ bảo hiểm, đã có nhiều chuyên gia cảnh báo trên thị trường xuất hiện những loại mũ nhãn mác lạ. Trong khi nhiều loại mũ còn chưa đảm bảo chất lượng thì trên thị trường lại xuất hiện các loại mũ kiểu dáng mẫu mã cách điệu, thời trang, chẳng giống ai với tán cứng rộng, đinh tán dài nhọn...
Kết quả thử nghiệm chất lượng mũ bảo hiểm của Tổng cục Tiêu chuẩn chất lượng kiểm tra khảo sát 136 mẫu mũ lưu thông trên thị trường Hà Nội, Đà Nẵng và Tp.HCM thì có tới 85 mẫu (chiếm 55%) không đạt tiêu chuẩn. Thử nghiệm 47 mẫu mũ tại các cơ sở sản xuất thì vẫn còn 9 mẫu không đạt yêu cầu.
Ngay trong đợt kiểm tra nhanh của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tháng 3/2008 tại thị trường Tp.HCM, thử nghiệm chỉ tiêu độ bền va đập và hấp thu xung động 50oC trên đe cầu với 50 mẫu nhãn hiệu khác nhau của 40 nhà sản xuất trong nước và nhập khẩu thì có tới 40/50 mẫu không đạt yêu cầu.
Ông Hồ Tất Thắng, Phó chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng, cho biết, so với những lần kiểm tra trước, nguyên liệu nhựa và công nghệ làm vỏ nhựa đã có tiến bộ rõ rệt nhưng chất lượng lớp đệm mềm bên trong lại kém hơn.
Điều này thể hiện qua tỷ lệ số mũ có kết quả gia tốc dội lại tức thì tăng hơn so với đợt trước. Như vậy, chất lượng lớp đệm mềm bên trong không đáp ứng yêu cầu để thực hiện chức năng hấp thu xung động để ngăn chặn chấn động ảnh hưởng đến đầu người đội mũ.
Cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm
Chính vì vậy, Cục Quản lý chất lượng hàng hoá đã khuyến cáo người tiêu dùng cần thận trọng khi mua mũ bảo hiểm, không nên mua loại mũ gấp này để sử dụng khi đi mô tô xe máy vì đó không phải là mũ bảo hiểm cho người đi mô tô xe máy, nếu sử dụng sẽ không đảm bảo an toàn thậm chí nguy hiểm cho người sử dụng. Cục sẽ cùng các cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh, sản xuất mũ gấp giả mạo dấu phù hợp tiêu chuẩn CS TCVN 5756:2001.
Đó là việc làm mang tính trước mắt để răn đe và kịp thời ngăn chặn những loại mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng trôi nổi trên thị trường, bảo vệ người tiêu dùng. Còn về lâu dài, điều quan trọng nhất là Việt Nam phải ban hành Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm. Cùng với tăng cường chế tài xử phạt, việc sản xuất, nhập khẩu, lưu thông, kinh doanh mũ bảo hiểm trên thị trường sẽ phải có quy định cụ thể làm cơ sở cho các cơ quan kiểm tra, kiểm soát...
Theo ông Vũ Văn Diện-Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các cơ quan đang khẩn trương lấy ý kiến xây dựng, hoàn thiện và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm trong thời gian sớm nhất, quy định mức giới hạn các chỉ tiêu liên quan đến an toàn đối với mũ bảo hiểm cho người đi mô tô xe máy, cũng như các yêu cầu về quản lý chất lượng mũ bảo hiểm sản xuất trong nước, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường...
(Theo 24h.com.vn)