Sau 1 tháng triển khai gói 30 tỷ vay vốn hỗ trợ nhà ở, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Đà Nẵng phải “hối thúc” các chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) tranh thủ giải ngân, các chi nhánh NHTM vẫn lúng túng với các văn bản quy định không cụ thể, chồng chéo; doanh nghiệp, người vay vốn phải tiếp tục chờ đợi mà không biết đến khi nào mới được giải quyết. Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trên, ngày 2-7, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Võ Duy Khương chủ trì buổi làm việc giữa NHNN, các chi nhánh NHTM, Sở Xây dựng và các doanh nghiệp đang cần được vay vốn triển khai các dự án nhà ở xã hội.
Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Võ Duy Khương chủ trì buổi làm việc.
Lúng túng xác minh đối tượng cho vay
Giám đốc NHNN chi nhánh Đà Nẵng Võ Minh cho biết, mặc dù được triển khai từ ngày 1/6, nhưng hiện mới chỉ có 3/120 hồ sơ đăng ký vay vốn được giải ngân với số tiền gần 500 triệu đồng. Cụ thể, NH Công thương Ngũ Hành Sơn giải ngân 2 hồ sơ với số tiền cho vay 200 triệu đồng/hồ sơ; Vietcombank Chi nhánh Đà Nẵng giải ngân 1 hồ sơ với số tiền cho vay 65 triệu đồng. Trong số 120 hồ sơ xin vay có 2 doanh nghiệp là Công ty Đức Mạnh và Công ty 579.
Theo ông Võ Minh, việc triển khai gói tín dụng chậm do có nhiều vướng mắc, thủ tục xin vay còn nhiều bất cập. Theo thông tư 11 của NHNN VN, đối tượng được vay bao gồm người có thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, việc xác nhận tiêu chí thế nào là người thu nhập thấp lại không được quy định cụ thể, rõ ràng khiến các ngân hàng lúng túng. Việc xác nhận năng lực thu nhập, khả năng trả nợ cũng gặp nhiều khó khăn, các NHTM không thể cho vay vốn nếu không chứng minh thu nhập; việc xác nhận của địa phương về tình trạng nhà ở của các đối tượng xin vay là không khả thi, vì địa phương không thể biết rõ đối tượng còn có bất động sản ở nơi khác hay không. “Đối với đối tượng là cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang thì thuận lợi hơn, nhưng các đối tượng là người lao động tự do, kinh doanh cá thể thì rất khó để xác minh được thu nhập, khả năng trả nợ, tài sản…” - bà Phạm Thị Minh Ngọc, Phó Giám đốc Vietinbank Đà Nẵng cho biết thêm.
Bên cạnh đó, hồ sơ thế chấp của các hộ vay tại các dự án không thuận lợi do nhiều chủ đầu tư đã thế chấp toàn bộ dự án tại một NHTM, hộ vay không thể sử dụng căn hộ đó để thế chấp tại một NHTM khác; thủ tục cấp sổ đỏ cho các căn hộ nhà ở xã hội vẫn chưa được thực hiện.
Riêng đối với các doanh nghiệp, đối tượng được vay là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội nhưng phải do Bộ Xây dựng xét duyệt và công bố danh mục. Ông Nguyễn Lương Giáp, Phó Tổng Giám đốc Công ty 579, đề nghị thành phố sớm có văn bản trình Bộ Xây dựng để đưa các dự án nhà ở xã hội vào danh mục, tạo điều kiện cho các DN sớm được tiếp cận với nguồn vốn vay.
Chủ động gỡ khó
Bà Lê Thị Thanh Toàn - Phó Giám đốc NH Công Thương chi nhánh Ngũ Hành Sơn, đơn vị đã giải ngân 2 hồ sơ trong số 3 hồ sơ được giải ngân trên toàn thành phố cho biết, NHCT CN Ngũ Hành Sơn đã chủ động ký hợp đồng với chủ đầu tư dự án, còn đối tượng cho vay căn cứ trên danh sách do UBND thành phố đã xét duyệt đủ điều kiện mua nhà ở thu nhập thấp. Vấn đề mấu chốt mà các ngân hàng quan tâm chính là khả năng trả nợ theo yêu cầu của khách hàng. Tương tự, ông Đoàn Phúc, Phó Giám đốc Agribank Đà Nẵng, đơn vị có đến 80/120 hồ sơ đăng ký, cũng dựa trên danh sách đã được UBND thành phố xét duyệt và ký hợp đồng trực tiếp với Vicoland để giải ngân cho khoảng 60 hồ sơ trong thời gian đến. Agribank Đà Nẵng cho biết, sẽ linh hoạt trong việc xác nhận khả năng trả nợ và thực tế nhà ở để tạo, đồng thời NH cũng có thể cho vay với thời hạn 15 năm, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người vay vốn.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Võ Duy Khương đề nghị NHNN chi nhánh Đà Nẵng phối hợp với Sở Xây dựng có văn bản báo cáo lên ngành dọc của mình về những vướng mắc cần được tháo gỡ trong quá trình triển khai, đồng thời gửi cho Thủ tướng Chính phủ nhằm sớm có các giải pháp giải quyết một cách căn bản. Phó Chủ tịch đề nghị các NHTM giảm bớt các thủ tục rườm rà, vừa bảo đảm tính chặt chẽ cho NH, nhưng cũng giải quyết nhanh gọn, tạo điều kiện cho những người có thu nhập thấp có thể tiếp cận vốn mua nhà. Đối với đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, ngoài các điều kiện như chưa có nhà ở, có nhà ở dưới 5m2/người, đang cư trú tại địa bàn, chưa được hỗ trợ về nhà ở, nếu thu nhập chưa đến mức phải đóng thuế thu nhập thì coi như đủ điều kiện được vay vốn. Đối với các doanh nghiệp, cần hướng dẫn các đối tượng mua nhà làm thủ tục tại NH mà DN đó đang vay vốn, điều này sẽ khiến các NH đỡ mất thời gian xác minh, dễ xử lý các vấn đề thế chấp, giải quyết nhanh thủ tục cho người vay.
Phó Chủ tịch cũng giao Sở Xây dựng phối hợp với Văn phòng UBND thành phố và các ngành liên quan tiếp tục xét duyệt danh sách các đối tượng đủ điều kiện mua nhà ở xã hội; đồng thời tiến hành khảo sát nhu cầu về nhà ở xã hội của người dân để thành phố có định hướng phát triển hợp lý loại hình nhà ở này. Về việc cấp sổ đỏ cho các căn hộ, trong khi chờ đợi hướng dẫn của Trung ương, giao Sở Xây dựng nghiên cứu đề xuất về một loại giấy tờ do UBND thành phố cấp, đảm bảo tính pháp lý để thực hiện thủ tục công chứng, thế chấp cho vay tại các NH.