CÔNG NGHỆ MỚI

Thiết bị phát hiện rò rỉ khí gas

Đây là thiết bị đo nồng độ khí gas hoá lỏng (LPG) lần đầu tiên được nghiên cứu, chế tạo trong nước. Thiết bị mang tên Liquefied Petroleum Gas - meter - LPG, là sản phẩm của Viện Khoa học Vật liệu.

Thiết bị được sử dụng để kiểm tra nồng độ khí LPG trong các trạm phân phối khí, khí gas bị rò rỉ trên các đường ống vận chuyển và tại các nơi sử dụng loại khí này. Thiết bị sử dụng cảm biến (sensor) nhạy LPG được chế tạo bằng phương pháp công nghệ nano. Thiết bị có thể lưu trữ dữ liệu của 999 lần đo, gồm thời gian khi đo, kết quả đo (nồng độ khí LPG). Kết quả đo được hiển thị chỉ sau vài chục giây với độ chính xác cao và trong dải đo rộng (từ 0 đến 100%LEL), thông tin có thể được tải ra máy tính cá nhân hoặc in trực tiếp. Thiết bị có thể hoạt động liên tục trong 8 giờ sau khi nạp ắc quy và có tuổi thọ 2 năm.

Thiết bị có các thông số kỹ thuật như sau: loại khí: Hydrocarbon (methan, butan, propan, ethylen...); độ phân giải: 0,01 %; độ chính xác: ± 1%; màn hình: LCD 2x16 ký tự; nhiệt độ môi trường: 0-500C; độ ẩm tương đối: 95%; kích thước: 145x85x30 mm; trọng lượng < 550 g.

 

Điều chế thành công huyết thanh điều trị Ebola trên khỉ

Các nhà khoa học Trung Quốc vừa điều chế thành công một loại huyết thanh điều trị Ebola trên khỉ, mở ra hy vọng tích cực về khả năng kháng loại virus "tử thần" vốn gây tỷ lệ tử vong cao và chưa có vắcxin phòng ngừa này.

Huyết thanh MIL77E được tạo từ hai kháng thể đơn dòng 13C6 và 2G4, có cơ chế hoạt động tương tự loại huyết thanh ba kháng thể ZMapp - được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho phép sử dụng trong điều trị trên người bệnh nhiễm Ebola trong đợt dịch ở Tây Phi hai năm qua.

Chuyên gia Xiangguo Qiu, nhà sinh vật học thuộc Cơ quan Y tế Công cộng Canada đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết sau khi thử nghiệm, tất cả ba con khỉ được điều trị bằng thuốc MIL77E đều cho kết quả âm tính với Ebola sau ba ngày nhiễm loại virus này.

Theo chuyên gia trên, nếu MIL77E đem lại hiệu quả trong điều trị Ebola, chi phí chữa trị căn bệnh nguy hiểm này bằng MIL77E sẽ thấp hơn so với các loại thuốc đang được thử nghiệm khác.

Trước đó, các chuyên gia Mỹ đã thử nghiệm thành công huyết thanh ZMapp kháng virus Ebola cho hai bệnh nhân người Mỹ đầu tiên là bác sỹ Kent Brantly và Nancy Writebol.

Sau khi được điều trị bằng loại huyết thanh được tạo thành từ ba kháng thể và chất điều chế từ lá cây thuốc lá biến đổi gien, sức khỏe của cả hai bác sỹ đều cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, ZMapp có nhược điểm là rất khó để có thể sản xuất trên quy mô lớn.

Khuẩn Ebola được đặt tên theo một con sông nhỏ ở CHDC Congo. Bệnh lây nhiễm do tiếp xúc với máu và dịch thể của một số loài động vật, chủ yếu là khỉ và một loài dơi lớn thuộc họ Megachiroptera. Người nhiễm khuẩn Ebola có thể truyền bệnh cho người khỏe mạnh qua đường tình dục.

Theo WHO, kể từ khi bùng phát hồi tháng 2/2014 tại Tây Phi, đến nay virus Ebola đã khiến 11.300 người thiệt mạng tại Sierra Leone, Liberia và Guinea. Tổ chức trên cảnh báo nguy cơ tái bùng phát Ebola là rất cao vì chưa có vắcxin phòng ngừa hiệu quả, đồng thời nhấn mạnh cần có cách đối phó kịp thời và hiệu quả đối với những ca nghi nhiễm mới.

 

Hệ thống xử lý rác thải bằng công nghệ plasma

Đây là lần đầu tiên Hệ thống xử lý rác bằng công nghệ nhiệt phân plasma được một doanh nghiệp KHCN “made in Việt Nam” (Công ty CP KHCN Petech) thiết kế, chế tạo thành công. Ngoài trừ những linh kiện thiết yếu là phải nhập khẩu của Canada, hầu hết những nội dung còn lại đều do các cán bộ kỹ thuật của công ty Petech chế tạo.

 Hệ thống xử lý rác thải bằng công nghệ plasma này có công suất 300 tấn/ngày. V​iệc ứng dụng công nghệ plasma có thể nói là một bước đột phá, qua đó thay thế công nghệ đốt cũ để xử lý hiệu quả các loại chất thải như chất thải đô thị dạng rắn; chất thải công nghiệp; chất thải y tế; chất thải phóng xạ liều thấp và trung bình; bùn thải và các chất thải lỏng nguy hại. “Rác thải sinh họat (MSW) tại Việt Nam là 1 loại chất thải rắn “hỗn độn”. Khó có 1 giải pháp đơn thuần nào có thể giải quyết tốt vấn đề MSW của Việt Nam. Công nghệ plasma do Petech thiết kế, chế tạo có thể giải quyết dứt điểm cái mớ “hỗn độn” của MSW Việt Nam với giá cả hợp lý và thân thiện đối với môi trường. Ước tính chi phí vận hành chỉ khoảng 16 USD/1tấn rác thô; diện tích mặt bằng cho hệ thống vận hành cũng thấp (10m2/1 tấn rác thô); đặc biệt là tỷ lệ chất thải cần phải chôn lấp là 0%...”- KS Phan Trí Dũng chia s​ẻ​

Toàn bộ quy trình hoạt động của hệ thống xử lý rác bằng công nghệ hiện đại này gồm có: ​hệ thống sơ tuyển rác, ủ rác thu biogas để chạy máy phát điện; hệ thống lò đốt tích hợp plasma thu hồi nhiệt phát điện; dây chuyền thu hồi, tái chế vật liệu (kim loại, thủy tinh, giấy, nhựa…) và sản xuất phân bón compost; dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng (đá trải đường, tấm bê tông đúc sẵn, tấm đê kè...) từ xỉ plasma.

Hệ thống xử lý không có chất thải cần phải chôn lấp sau khi đốt, bởi tro xỉ được hóa lỏng thành thủy tinh vô tính, an toàn với môi trường. Rác thải được khí hóa (gasified) thành khí tổng hợp​ (syngas), được thu hồi để đốt phát điện và lấy nhiệt sấy khô rá​c, để tăng nhiệt trị rác thải​ trước khi đưa vào lò đốt.

Công nghệ plasma là một trong những công nghệ hiện đại hiện nay của thế giới,với ưu điểm là xử lý rác có mức phát thải dioxin thấp hơn lò đốt truyền thống đến ​50  lần; lượng phát thải CO2, NOx, SOx và ô nhiễm tro xỉ, tro bay... ​cũng ​ở mức rất thấp.

Lò đốt plasma do có phạm vi xử lý rộng, có thể xử lý tất cả các loại: chất thải y tế, chất thải nguy hại,kể cả các loại bệnh phẩm, dầu thải có chứa PCB​ và chất lỏng nhiễm phóng xạ,…mà không cần phải phân loại từ nguồn. Sau khi xử lý, xỉ  rắn(xỉ thủy tinh vô tính​) còn lại cũng không cần xử lý,và có thể dùng để​ san lấp mặt bằng, sản xuất vật liệu xây dựng (do không phải xử lý tro,nên tiết kiệm được chi phí vận hành đến25%.). Hê thống xử lý rác thải bằng công nghệ plasma, có thể nói là giải pháp tối ưu về môi  trường cho các cơ sở (bệnh viện) nằm trong khu dân cư, ở trung tâm đô thị hiện nay.