Công nghệ mới có thể phân hủy nhựa đại dương

Ngày nay, người ta ước tính rằng số lượng rác thải nhựa dưới đại dương còn nhiều hơn tổng số các ngôi sao thuộc dải ngân hà của chúng ta.

Hằng năm có thêm khoảng 8 triệu tấn rác thải đổ vào đại dương làm tổng số rác nhựa tích tụ lên đến con số 150 triệu tấn. Trong đó, 80% số rác nhựa có nguồn gốc từ đất liền.

Hầu hết các loại nhựa đều không thể bị phân hủy hoàn toàn mà chúng chỉ bị tách ra thành các mảnh nhỏ hơn gọi là vi nhựa (microplastic), có kích thước 5mm hoặc nhỏ hơn.

Vi nhựa đã được tìm thấy ở mọi nơi trên thế giới, từ điểm sâu nhất của rãnh Mariana (rãnh đại dương sâu nhất từng được biết đến, gần 11.000m, nằm ở khu vực tây bắc Thái Bình Dương, về phía đông quần đảo Mariana) cho tới đỉnh Pyrenees của Pháp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Daily Mail.

Để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa này, giải pháp tối ưu nhất là hạn chế sản xuất các sản phẩm từ nhựa cũng như không xả rác thải nhựa ra biển. Cùng với đó, các nhà khoa học đang tích cực nghiên cứu những phương pháp mới để dọn sạch nhựa và vi nhựa có trong đại dương.

Trong một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Matter, các nhà khoa học đến từ Đại học Adelaide, Australia đã mô tả một loại công nghệ nano mới, cho phép ống cuộn siêu nhỏ từ carbon với hình dạng gần giống lò xo, được phủ nitơ và mangan.

Hai hợp chất hóa học này tương tác với các cuộn nano để tạo ra các phân tử oxy có khả năng phản ứng cao, từ đó tấn công các vi nhựa. Quá trình này biến nhựa thành hỗn hợp muối, CO2 và nước.

Cận cảnh cuộn nano dưới kính hiển vi. Ảnh: Science Alert.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy số lượng vi nhựa giảm 30% đến 50% trong khoảng thời gian 8 giờ. Đồng thời, sau đó họ có thể dễ dàng thu hồi các cuộn nano ra khỏi nước bằng nam châm để sử dụng lại sau này.

Giáo sư Xiaoguang Duan, đồng tác giả của nghiên cứu chia sẻ, mặc dù công nghệ này mới đang ở giai đoạn ban đầu nhưng nó sẽ mở ra hy vọng mới giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa đại dương trên toàn cầu.

Trong thời gian tới, các nhà khoa học cho biết sẽ tiến hành các thử nghiệm tiếp theo trước khi công nghệ này có thể sẵn sàng sử dụng trong các nhà máy xử lý nước thải hoặc đại dương.

KHÁNH NGÂN (theo Science Alert)

(Theo: Báo điện tử Quân đội nhân dân – Ngày đưa tin: 12/8/2019)