Công nhân đình công, sản xuất iPhone 5 tê liệt


Theo thông báo của China Labor Watch (CLW) - một tổ chức phi chính phủ hoạt động vì quyền lợi của công nhân Trung Quốc, khoảng 3000 - 4000 nhân viên của nhà máy Foxconn tại Trịnh Châu (Trung Quốc) đã tổ chức đình công vào buổi chiều thứ Sáu vừa qua.

Cuộc đình công được tiến hành nhằm phản đối những yêu cầu quá cao về chất lượng sản phẩm đã khiến dây truyền sản xuất iPhone 5 tại nhà máy này bị tê liệt trong một ngày.

Tuyên bố từ CLW viết như sau:

Một cuộc đình công diễn ra tại nhà máy của Foxconn tại Trịnh Châu có sự tham gia của 3000 - 4000 công nhân. Ngoài yêu cầu công nhân phải làm việc trong cả ngày nghỉ lễ, Foxconn đã nâng cao yêu cầu quá nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm mà không đào tạo cho nhân viên kỹ năng để đạt được tiêu chuẩn đó. Hệ quả là công nhân làm ra những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn và gây áp lực lớn cho họ. Ngoài ra, việc này còn khiến các nhân viên kiểm soát chất lượng xung đột với công nhân và bị công nhân gây ẩu đả nhiều lần. Trong khi đó, Ban quản lý nhà máy làm ngơ khiếu nại về những xung đột này và không có biện pháp khắc phục.

Đa số công nhân tham gia cuộc đình công hôm thứ 6 thuộc dây chuyền quản lý chất lượng công trường. Các công nhân này cho biết, nhiều dây chuyền sản xuất iPhone 5 bị rơi vào tình trạng tê liệt cả ngày. Báo cáo còn cho thấy Ban quản lý nhà máy và Apple bất chấp có lỗi về thiết kế, vẫn nâng cao yêu cầu chất lượng nghiêm ngặt đối với công nhân, bao gồm tiêu chuẩn về bánh răng 0,02mm và các yêu cầu liên quan tới vết trầy xước trên vành, lưng iPhone. Với yêu cầu cao như vậy, nhân viên không thể hoàn thành sản phẩm đúng tiêu chuẩn.

Tình hình trở nên căng thẳng hơn khi nhân viên bị buộc phải làm việc trong ngày quốc khánh Trung Quốc 01/10.

Hiện vẫn chưa rõ những gián đoạn trong dây truyền sản xuất sẽ ảnh hưởng thế nào tới doanh số của iPhone 5.

Các cuộc bạo loạn tại nhà máy của Foxconn gây tai tiếng về tình trạng làm việc nghèo nàn và áp lực cao vẫn thường diễn ra. Năm ngoái, Foxconn đã buộc phải đóng cửa nhà máy tại Thái Nguyên (Trung Quốc) sau khi xảy ra vụ ẩu đả giữa 2.000 công nhân khiến 40 người bị thương.

Apple thường xuyên bị chỉ trích vì không cải thiện điều kiện làm việc tại nhà máy của chuỗi cung ứng. Tuần trước, Apple mới ban hành bản sửa đổi về Quyền Lao động và Con người, tuyên bố là các nhà cung cấp của Apple đã tuân thủ gần như 100% yêu cầu về giờ làm việc rút ngắn và giám sát tốt hơn. Song các cuộc bạo động mới đây sẽ khiến những tuyên bố này của Apple bị nghi ngờ.