Tình trạng công nhân liên tục thay đổi việc làm khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình thế khó xử vì phải bỏ ra khoản chi phí đào tạo lại nguồn lao động mới để đáp ứng yêu cầu sản xuất.
Lao động “nhảy việc” gây khó khăn cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. TRONG ẢNH: Công nhân làm việc tại Công ty CP Sản xuất - Thương mại Hữu Nghị Đà Nẵng. |
Tuyển nhưng không đủ
Công ty CP Sản xuất - Thương mại Hữu Nghị Đà Nẵng (Khu công nghiệp An Đồn) ra thông báo tuyển dụng 200 lao động từ sau Tết, nhưng đã 6 tháng nay tuyển mãi vẫn chưa đủ. Mặc dù có nhiều hồ sơ xin vào làm nhưng lại có không ít hồ sơ xin thôi việc. Ông Lê Châu Khương, Trưởng phòng Tổ chức công ty cho biết, mỗi tháng ở công ty có khoảng 25-30 lao động xin nghỉ việc, trong đó chủ yếu là lao động địa phương. “Cứ một lao động nghỉ việc lại khiến cả chuyền sản xuất bị ngưng trệ. Trong khi đó, tuyển thêm lao động mới, công ty lại mất thêm chi phí đào tạo, gây nên tình trạng lãng phí”, ông Khương cho biết.
Tại Khu công nghiệp An Đồn, có nhiều công nhân hễ nghe DN nào có mức lương khá hơn, phụ cấp nhiều hơn lại “nhảy việc” nên ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của các công ty. Chị Nguyễn Thị Điền (làm việc tại xưởng may, Công ty CP Sản xuất - Thương mại Hữu Nghị Đà Nẵng) cho biết: “Trước đây tôi làm ở một công ty dệt kim nhưng mức lương không đủ tiêu, cộng với công việc áp lực nên tôi xin nghỉ việc. Không phải riêng tôi mà nhiều người làm vài ba công ty đến khoảng chừng 30 tuổi thì mới ổn định một chỗ”.
Tình trạng lao động “nhảy việc” đã khiến không ít DN trên địa bàn thành phố rơi vào tình thế bị động. Nhiều DN không dám nhận thêm đơn hàng vì trong số hàng trăm nỗi lo thì thiếu nhân công là vấn đề nan giải. Nhất là những DN môi trường làm việc đặc thù, cường độ làm việc cao như thủy sản, may mặc… thì số lao động “nhảy việc” càng cao. Hầu như tháng nào những DN này cũng tuyển vài trăm lao động nhưng vẫn không đủ. Ông Bùi Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Khu công nghiệp Thủy sản Thọ Quang), cho biết: “Vì công việc của ngành thủy sản khắc nghiệt, thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường ẩm ướt nên nhiều lao động chỉ làm vài ba tháng rồi tìm việc khác đỡ vất vả hơn. Mỗi tháng có khoảng 60-70 lao động xin nghỉ việc khiến công ty phải thường xuyên thông báo tuyển dụng. Nhất là vào mùa sản xuất tăng cao, tình trạng khan hiếm lao động năm nào cũng xảy ra”.
“Nhảy việc” để hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Một vài DN cho hay, tình trạng “nhảy việc” chủ yếu xảy ra ở nhóm lao động trẻ vì độ tuổi này thường không quen nhịp độ làm việc gò bó tại các khu công nghiệp. Chị Nguyễn Thị Thủy (Công ty Điện tử Foster, Khu công nghiệp Hòa Cầm) cho biết: “Phần đông thanh niên hay nghỉ việc, mai làm chỗ này, mốt lại làm chỗ khác, còn những người lớn tuổi thì ít nghỉ hơn, làm chỗ nào họ bám trụ chỗ đó chứ lớn tuổi đi xin việc cũng khó”.
Một trong những lý do khiến lao động trẻ thường xuyên “nhảy việc” là muốn “trục lợi” từ hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Trung tâm Giới thiệu việc làm Đà Nẵng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2013 đã có 3.641 người hưởng BHTN hằng tháng, trong đó độ tuổi từ 25-40 có đến 2.266 người, chiếm tỷ lệ 62,2%. Hiện nay chưa có cơ quan chức năng nào đứng ra thẩm định là có bao nhiêu lao động “nhảy việc” từ DN này sang DN khác, tức là vẫn có việc làm nhưng vẫn làm hồ sơ đăng ký để được hưởng BHTN. Đây là “kẽ hở” tạo cơ hội cho lao động thường xuyên tìm cách “nhảy việc”. “Thực chất là DN không thiếu việc làm nhưng lao động vẫn cứ than thất nghiệp để được hưởng BHTN”, ông Bùi Văn Hùng nói.
Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng cho hay, trong 6 tháng đầu năm 2013 đã có 3.521 hồ sơ phát sinh mới hưởng BHTN và đã được chi trả số tiền thất nghiệp lên đến hơn 26,7 tỷ đồng. Ông Lê Anh Nhân, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng, cho biết: “Lao động nghỉ việc là quyền của họ, thế nhưng tình trạng “nhảy việc” tràn lan như hiện nay đã gây không ít khó khăn cho công tác thu - chi của BHXH”.
Theo thống kê của Trung tâm Giới thiệu việc làm Đà Nẵng, số người đến đăng ký thất nghiệp tại trung tâm đã tăng mạnh theo các năm: năm 2010 là 5.021 người, năm 2012 là 14.426 người. Trong khi đó, số người được tư vấn giới thiệu việc làm mới lại chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chẳng hạn trong năm 2012 chỉ có 2.583 người, chiếm 17,9% trong tổng số người thất nghiệp. Đây là một nghịch lý mà theo BHXH là do hiện tượng “nhảy việc” đã gây nên biến động lao động “ảo” dẫn đến hệ lụy cho công tác giải quyết chế độ thất nghiệp ngày càng gia tăng. |
http://techmartdanang.vn/