Sáng ngày 13-9, Sở Công Thương tổ chức hội nghị triển khai nghị định 97 của Chính Phủ về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu và khí hóa lỏng; đồng thời công bố kết quả kiểm tra cơ sở hạ tầng của các của hàng xăng dầu trên địa bàn và chấn chỉnh tình hình kinh doanh xăng dầu theo chỉ đạo của UBND thành phố.
Theo đó, từ ngày 10-10, các hành vi vi phạm hành chính trong kinh doanh xăng dầu như niêm yết giá sai quy định, gian lận về đo lường, găm hàng… sẽ bị phạt 30-100 triệu đồng. Trong đó, hành vi gian lận về sử dụng phương tiện đo lường trong kinh doanh xăng dầu sẽ bị phạt 5-50 triệu đồng, đồng thời bị áp dụng một số hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu chứng chỉ kiểm định, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu, tịch thu phương tiện đo và các thiết bị khác, buộc nộp lại ngân sách Nhà nước số tiền bất hợp pháp đã thu được. Nghị định cũng quy định cụ thể về hành vi vi phạm quy định về điều kiện sản xuất xăng dầu sẽ bị phạt đến 100 triệu đồng. Đáng chú ý, Nghị định cũng nêu rõ Hành vi xâm phạm vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm nghiên cứu, tìm kiếm thăm dò dầu khí sẽ bị phạt từ 900 triệu đến 1 tỷ đồng. Cùng với mức phạt tiền này, còn có hình phạt bổ sung là trục xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam đối người nước ngoài có hành vi vi phạm.
Theo Sở công thương Đà Nẵng, hiện toàn thành phố có 60 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh xăng dầu với tổng số 96 cửa hàng cố định và 22 tàu dầu.Qua kiểm tra thực tế hoạt động của 96 cửa hàng, nhìn chung đều chấp hành nghiêm túc các quy định của nhà nước về cơ sở vật chất, tiêu chuẩn kỹ thuật, diện tích, nhận thức về an toàn phòng chống cháy nổ… Tuy nhiên, nhiều cửa hàng chưa đảm bảo yêu cầu theo quy định về cơ sở vật chất (khu vực kinh doanh, kho chứa, khu dịch vụ, xử lý môi trường). Đa phần các cửa hàng thuộc cửa hàng cấp 3( chiếm tỷ lệ 89,5%), quy mô đầu tư nhỏ, xuống cấp; một số cửa hàng không đảm bảo yêu cầu phòng cháy chữa cháy, còn thiếu trang thiết bị, dụng cụ PCCC. Nhiều cửa hàng nằm ở vị trí kinh doanh không ổn định, quá nhỏ, không bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, gần các trường học, bệnh viện…
Sở công thương cũng cho biết, có 49 cửa hàng thuộc nhóm I được đánh giá an toàn và ổn định, sẽ được khuyến khích đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa các trang thiết bị để phục vụ nhân dân an toàn, hiện đại và văn minh hơn. Nhóm II – gồm 36 cửa hàng có cơ sở hạ tầng kỹ thuật cần phải đầu tư, nâng cấp và khắc phục nhằm đảm bảo phục vụ an toàn; phía Sở sẽ đề nghị và khuyến khích các cửa hàng đầu tư nâng cấp hoặc xây dựng trang bị mới cho phù hợp với yêu cầu kiến trúc đô thị, đảm bảo phục vụ nhân dân và an toàn xã hội. và sẽ có 11 của hàng xăng dầu cần phải di dời hoặc chấm dứt hoạt động kinh doanh trong thời gian tới.