Đa số học viên tham gia Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố Đà Nẵng đều cảm thấy phù hợp với công việc đang đảm nhiệm, trong khi các cơ quan sử dụng đa số đều hài lòng với năng lực, kết quả và thái độ làm việc của học viên.
Tư vấn tuyển sinh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. (Ảnh do Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thành phố Đà Nẵng cung cấp) |
Phát huy được thế mạnh
Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (NNLCLC) bắt đầu triển khai và đào tạo bậc đại học từ năm 2004 và bậc sau đại học từ năm 2006. Đến nay đã có 523 người tham gia đề án. Số học viên đã về nhận công tác là 206 người, trong đó sau đại học là 79 người và đại học là 177 người.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển NNLCLC (gọi tắt là trung tâm) cho rằng: “Số học viên bỏ đi không nhiều so với tỷ lệ học viên tham gia đề án. Bản thân các bạn cũng đánh giá hài lòng với công việc được bố trí. Mặc dù phiếu khảo sát không chính xác 100% nhưng qua đó cho thấy mức độ hài lòng đạt tỷ lệ cao. Và tỷ lệ này đã đạt so với mục tiêu của đề án đề ra ban đầu là góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo và chuyên gia của thành phố”.
Theo kết quả khảo sát của trung tâm vào tháng 12-2012 đối với đơn vị sử dụng học viên đề án với tổng số 35 phiếu phát ra, đánh giá sự phù hợp của chuyên ngành đào tạo của học viên đề án và công việc họ đang đảm nhiệm hiện nay tại đơn vị là: Rất phù hợp: 9 phiếu (25,71%), phù hợp: 25 phiếu (71,43%), không phù hợp: 1 phiếu (2,86%). Về đánh giá năng lực làm việc của học viên đề án đối với đơn vị là: Rất tốt: 14,29%, tốt: 82,86%, bình thường: 2,86%. Về đánh giá sự hài lòng về kết quả làm việc và thái độ công tác của học viên đối với đơn vị: Rất hài lòng: 17,14%; hài lòng: 82,86%; không hài lòng: 0%.
Bà Lê Thị Thu Hạnh, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ thành phố, cho biết: “Sở Ngoại vụ là đơn vị có nhiều học viên đề án và người thuộc diện thu hút tốt nghiệp loại giỏi về làm việc. Đặc biệt, trong 2 năm 2007-2008, có tới 6 người được cử đi học. Đa số các em có năng lực tốt và phát huy được thế mạnh của mình, nhất là vốn ngoại ngữ và bắt nhịp được với quy trình làm việc của cơ quan. Sau 1,5-2 năm, nhiều em đã bắt đầu phát huy khả năng tham mưu chuyên môn”. Bà Phan Thị Đào, Trưởng phòng Lễ tân (Sở Ngoại vụ), là cán bộ thuộc diện thu hút, cũng cho biết: “Khi mới về công tác, Sở mới thành lập nên quy mô không lớn. Tuy nhiên, đây là môi trường thuận lợi để phát huy được chuyên môn ngoại ngữ của mình. Môi trường tiếp xúc người nước ngoài đòi hỏi các cán bộ luôn phấn đấu, cập nhật các chính sách đối ngoại. Tuy lương thấp so với công việc trước đây nhưng thành phố đã hỗ trợ chỗ ở, miễn thuê nhà 5 năm”.
Trách nhiệm và nghĩa vụ
Tôi xin khẳng định lại rằng, Đà Nẵng không kiện nhân tài. Có thể khẳng định các bạn có bằng cấp tốt, được đào tạo có hệ thống nhưng chưa ai công nhận các bạn là nhân tài. Các bạn được đào tạo cho nguồn cán bộ lãnh đạo, chuyên gia theo mục tiêu của đề án đề ra và trở thành được điều này thì còn tùy thuộc vào thời gian. Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển NNLCLC NGUYỄN VĂN CHIẾN |
Theo ông Nguyễn Văn Chiến, mặc dù trước khi được cấp học bổng, các học viên đã ký thỏa thuận các điều khoản trong hợp đồng tham gia Đề án, nhưng vì lý do tương đối tế nhị không thể về làm việc được thì thành phố cũng mới chỉ buộc bồi thường gấp 1 lần, 2 lần, 3 lần… so với 5 lần theo quy định. Cũng tùy từng trường hợp cụ thể, các học viên tự thương lượng thôi tham gia đề án, chấp nhận bồi thường. Tuy nhiên, trường hợp của các học viên Hồ Thị Như Mai, Hà Thanh An, Nguyễn Văn Lời là rất cá biệt. Đến nay, thành phố vẫn chưa khởi kiện mà UBND thành phố mới chỉ có quyết định đưa ra khỏi đề án và yêu cầu bồi thường kinh phí gấp 5 lần trong thời hạn 120 ngày sau khi ra thông báo. Nếu học viên không chấp hành thì sẽ có phương án giải quyết tiếp theo.
Bà Lê Thị Thu Hạnh, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ, nơi Hà Thanh An từng công tác khẳng định: “Trường hợp Hà Thanh An là tự ý bỏ việc rồi sau đó mới nộp đơn xin nghỉ không lương. Theo luật quy định thì phải nộp đơn trước 30 ngày đối với người có hợp đồng không xác định thời hạn và em An cũng đang trong quá trình hoàn chỉnh hồ sơ để vào biên chế. An cũng đã được thông báo nhiều lần”. Như vậy, với trường hợp của Hà Thanh An, có ý kiến cho rằng, An là người trưởng thành và đầy đủ năng lực dân sự để xử lý theo Bộ luật Lao động chứ không phải theo Luật Cán bộ, công chức. Hơn nữa, An không thực hiện đầy đủ cam kết. Bà Phan Thị Đào cũng cho rằng: “Cái gì cũng có nguyên tắc, mà đây lại là cơ quan Nhà nước. Tôi nghĩ các học viên cần phải thực hiện trách nhiệm đã cam kết và có trách nhiệm”.
Thực tế hiện nay cho thấy, các học viên đề án sau khi trở về công tác được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của thành phố. Tuy nhiên, đối với trường hợp những người không ở trong đề án nhưng họ rất giỏi chuyên môn, cũng chịu áp lực công việc như nhau và thậm chí cống hiến nhiều hơn nhưng lại có mức thu nhập thấp hơn. Chẳng hạn như các học viên đề án thì được ưu tiên xét chọn vào công chức trước, lại có thêm 25% phụ cấp công vụ sau khi vào biên chế, với mức độ chênh lệch từ 1,5 - 2 triệu đồng. Đặc biệt, đối với tiến sĩ còn được hưởng 3 triệu đồng/tháng; thạc sĩ, đại học loại giỏi hưởng 1,5 triệu/tháng và đại học loại khá hưởng 750.000 đồng/tháng trong 60 tháng sau khi về nhận công tác. Do đó, các học viên đề án cần phải thấy được trách nhiệm của mình và có nghĩa vụ cống hiến nhiều hơn cho xứng đáng với chính sách ưu đãi của thành phố mà họ được hưởng.
Khi vi phạm các điều khoản trong Hợp đồng tham gia Đề án, người được cấp học bổng sẽ phải tuân thủ các quy định xử lý vi phạm như sau: a) Học viên bị buộc ra khỏi Đề án và đồng thời phải bồi thường cho thành phố số tiền gấp 5 lần kinh phí đã nhận trong các trường hợp: tự ý bỏ học; không trở về công tác tại các cơ quan thuộc thành phố; không chấp hành sự phân công công tác trong thời gian thực hiện nghĩa vụ; không thực hiện đủ thời gian làm việc theo cam kết; đơn phương chấm dứt Hợp đồng đào tạo. b) Học viên ra khỏi Đề án và hoàn trả 100% kinh phí đã nhận từ ngân sách thành phố trong trường hợp xin ra khỏi Đề án với lý do chính đáng và được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền. c) Học viên bị buộc ra khỏi Đề án và hoàn trả 50% kinh phí đã nhận từ ngân sách thành phố trong các trường hợp: - Học viên học đại học: bị lưu ban; có 3 học kỳ liên tiếp không đạt kết quả học tập từ loại khá trở lên; kết quả cuối khóa không đạt từ loại khá trở lên. - Học viên sau đại học: không hoàn thành chương trình đào tạo theo quy định. (Nguồn: Trung tâm Phát triển NNLCLC) |