“Hệ thống xe buýt nhanh (BRT) là loại hình vận tải công cộng thuận tiện, phù hợp với sự phát triển của Đà Nẵng theo hướng văn minh và hiện đại, đồng thời đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và du khách, do đó cần thiết phải phát triển BRT cho thành phố trong thời gian tới”.
Đó là một trong số các kết luận mà Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến đưa ra tại cuộc họp nghe báo cáo “Quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt tại thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2013-2020 và tầm nhìn đến 2030”, tổ chức ngày 7-5, tại Đà Nẵng.Sơ đồ mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt Đà Nẵng giai đoạn 2020-2025. |
Cần thiết xây dựng hệ thống xe buýt BRT
Theo đại diện đơn vị tư vấn - Công ty cổ phần Phát triển đô thị bền vững (SUD) Hà Nội, cùng với nhịp độ tăng trưởng kinh tế là quá trình gia tăng nhanh dân số, nhu cầu đi lại, dẫn đến sự gia tăng không ngừng phương tiện cá nhân cả về số lượng và chủng loại. Sự yếu kém của hạ tầng giao thông gây ra những hậu quả nghiêm trọng mang tính toàn cầu như tình trạng ách tắc và tai nạn giao thông, sự khó khăn trong đi lại, ô nhiễm môi trường...
Qua khảo sát, nhóm tư vấn cho biết, hiện tốc độ tăng trưởng ô tô bình quân ở Đà Nẵng là 12,3%/năm; tốc độ tăng trưởng mô tô bình quân 10,5%/năm. Sau 5 năm, số lượng phương tiện tăng gần xấp xỉ 2 lần. Sự bùng nổ sở hữu và sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân (ô tô cá nhân) mang lại nguy cơ tiểm ẩn cho giao thông đô thị (GTĐT) của Đà Nẵng trong tương lai.
Khảo sát cho thấy, nhu cầu đi lại (dân cư > 6 tuổi) ở Đà Nẵng khoảng hơn 2,1 triệu chuyến/ngày; số chuyến đi bình quân/ngày là 2,62 chuyến. Đặc biệt, thời gian đi lại tích cực (từ 6 giờ đến 21 giờ hằng ngày), nhất là vào thời gian cao điểm, chiều lưu lượng vượt trội; xe máy chiếm trên 80% tổng số phương tiện trong dòng giao thông.
Trong khi đó, theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành phố Đà Nẵng, mạng lưới xe buýt Đà Nẵng hiện nay mới có 5 tuyến xe buýt nhưng chỉ có 1 tuyến nội đô; 4 tuyến còn lại hoạt động theo hình thức kế cận kết hợp với nội đô khiến mạng lưới có mức phủ tuyến, khả năng tiếp cận thấp. Cùng với đó là việc hiện nay có tới gần 10 doanh nghiệp vận tải cùng khai thác 1 tuyến, nảy sinh vấn đề phối hợp theo kế hoạch vận hành chung; việc đảm bảo chất lượng dịch vụ, giá vé, quản lý, điều hành chưa được quản lý chặt chẽ; chất lượng dịch vụ chưa cao…
Do đó, việc nghiên cứu, đề xuất phương án phát triển VTHKCC bằng xe buýt ở Đà Nẵng trong giai đoạn đến 2020, định hướng đến 2030, trong đó có hệ thống BRT sẽ nhằm góp phần hạn chế ùn tắc giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ trên địa bàn và đây cũng là tiền đề để phát triển hệ thống giao thông công cộng hiện đại (tàu điện, metro…) nhằm xây dựng một đô thị văn minh, hiện đại và phát triển bền vững, hướng tới thành phố môi trường.
Lộ trình BRT ở Đà Nẵng
Theo phương án của đơn vị tư vấn, trước mắt, Đà Nẵng sẽ xây dựng tuyến xe buýt BRT theo lộ trình tuyến bắt đầu từ Khu công nghiệp Hòa Khánh đi qua các tuyến đường tại khu vực trung tâm thành phố gồm: Nguyễn Lương Bằng - Tôn Đức Thắng - Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương - Nguyễn Văn Linh - cầu Rồng - Ngũ Hành Sơn - Lê Văn Hiến - Trần Đại Nghĩa và điểm kết thúc tại khu vực trường Cao đẳng Công nghệ thông tin Việt - Hàn. Chiều dài tuyến này là 23,7 km với các trạm dừng đón, trả khách trên tuyến và 2 nhà ga tại đầu tuyến, cuối tuyến. Tuyến số 2 từ cầu Sông Hàn - cầu Hòa Xuân - đường Trần Đại Nghĩa dài 19,7km.
Giai đoạn tới 2020 sẽ có 2 tuyến xe buýt BRT, 3 tuyến xe buýt có dịch vụ tiêu chuẩn hoạt động theo BRT với 371 đầu xe và mở 16 tuyến xe buýt thông thường…
Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục nghiên cứu để hình thành các tuyến trục đô thị nối liền các khu dân cư, khu du lịch, khu công nghiệp, khu đông dân cư... nhằm đảm bảo tính liên thông, hài hòa trên toàn mạng lưới như: đường vành đai phía Nam từ đường Trường Sa đến ĐT604; đường vành đai phía tây từ đường cao tốc Đà Nẵng - Dung Quất đến ĐT 601; đường ven đường sắt từ QL14B đến đường tránh Nam Hải Vân; đường ngầm qua Sân bay Đà Nẵng, nối các khu đô thị phía đông và phía tây sân bay…
Về lộ trình hướng tuyến BRT: BRT được ưu tiên chạy riêng tại các đoạn tuyến có mặt cắt ngang lớn (>48m) như tuyến đường Điện Biên Phủ, Ngô Quyền, Ngũ Hành Sơn, Lê Văn Hiến và Trần Đại Nghĩa và có bề rộng 3,5m, các đoạn đường còn lại phải sử dụng hỗn hợp với các phương tiện khác. Các vị trí nhà ga đón khách được bố trí trên dải phân cách giữa trên 1 làn đường nằm hai bên dải phân cách và các phương tiện giao thông hỗn hợp khác không được đi vào. Thời gian vận hành từ 5giờ-21giờ hàng ngày.
Tại các điểm dừng sẽ có các phương án tiếp cận sang đường an toàn cho người đi bộ, có thể sử dụng đèn tín hiệu cho người đi bộ hoặc ở những nút giao thông có lưu lượng lớn có thể sẽ làm cầu vượt cho người đi bộ; xe buýt mở cửa được hai bên với tần suất chạy 4-5 phút/chuyến vào giờ cao điểm; hệ thống quản lý và điều hành BRT thông minh...
Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng mạng lưới VTHKCC bằng xe buýt an toàn, thông suốt, thân thiện môi trường và hiệu quả kinh tế cao, góp phần phát triển hệ thống giao thông đô thị bền vững. Đến năm 2020, trong 15% nhu cầu đi lại của thành phố có 9% xe buýt , 3% xe buýt nhanh và 3% taxi và đến năm 2025: 20% VTHKCC, trong đó: xe buýt 12%, xe buýt nhanh 5% và taxi 3%.
Sau khi nghe ý kiến đóng góp của các đơn vị có liên quan, Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến cơ bản thống nhất nội dung phương án báo cáo nghiên cứu của Công ty SUD, trong đó, đồng ý về lộ trình hướng tuyến BRT, hệ thống quản lý và điều hành thông minh... Đồng thời, yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, trong đó, chú ý đến các vấn đề như: thực trạng tổ chức giao thông tại Đà Nẵng; vận hành, phối hợp nhịp nhàng giữa BRT và xe buýt thông thường; phương án kiến trúc các nhà chờ, trạm dừng; việc di dời nhà ga đường sắt….
Trước mắt, sẽ nâng cấp 5 tuyến xe buýt cũ đang vận hành và sau đó sẽ mở thêm các tuyến mới. Về hệ thống BRT, sẽ nghiên cứu sử dụng loại xe B40 (loại xe nhỏ 40 chỗ) cho phù hợp với giao thông Đà Nẵng. Tuy nhiên thời gian đầu, xe buýt BRT vẫn chạy trên làn đường hỗn hợp, sau đó sẽ xem xét kỹ lưỡng rồi mới tách ra. UBND thành phố giao Sở Nội vụ và Sở GTVT thành phố thành lập Công ty Quản lý xe buýt.
Về vấn đề liên quan tới địa điểm xây dựng các trạm dừng và nhà ga, ông Văn Hữu Chiến giao nhiệm vụ cho Sở GTVT phối hợp với Sở Xây dựng cùng các đơn vị, địa phương liên quan và đơn vị tư vấn thiết kế tiến hành công tác khảo sát chọn vị trí xây dựng 2 nhà ga đầu và cuối, số lượng các trạm dừng đón và trả khách, kiến trúc các trạm dừng… Đồng thời, các đơn vị liên quan cũng nghiên cứu những phương án tối ưu nhất để giảm dần số lượng phương tiện cá nhân nhằm thúc đẩy VTHKCC, hạn chế ùn tắc giao thông.