Các nhà khoa học tuyên bố đang mở rộng giới hạn của thực tế ảo bằng da nhân tạo – loại da giúp người dùng có thể cảm nhận sự động chạm, ôm ấp giữa hai người ở cách xa vạn dặm.
Miếng da gồm 32 cảm biến hỗ trợ rung trên diện tích gần 40cm2. (Ảnh: Đại học Northwestern).
Theo tờ Dailymail, da nhân tạo là một hệ thống biểu bì thực tế ảo, là một mảnh vật liệu linh hoạt, mềm, mỏng, có diện tích gần 40cm2, gắn 32 cảm biến trợ rung tí hon.
Tần số và biên độ của mỗi thiết bị trợ rung này có thể được điểu chỉnh riêng nhằm tạo ra cảm giác tiếp xúc cụ thể tùy theo vị trí vùng da.
Theo các nhà nghiên cứu Đại học Northwestern (Mỹ), da nhân tạo có thể được gắn vào các bề mặt cong trên da mà không cần pin hay dây cồng kềnh.
Các lớp của da nhân tạo. (Ảnh: Đại học Northwestern).
Ngoài việc tạo ra một không gian mới cho giải trí và các mối quan hệ từ xa, công nghệ da nhân tạo còn có thể giúp các bộ phận giả của cơ thể có khả năng phản hồi xúc giác.
Ông Yonggang Huang, đồng tác giả nghiên cứu tại Đại học Northwestern nói: “Chúng ta đang mở rộng giới hạn và khả năng của thực tế ảo và thực tế tăng cường. So với mắt và tai, da nhân tạo là một giao diện cảm biến chưa được tìm hiểu nhiều".
Một thiết bị trợ rung tí hon. (Ảnh: Đại học Northwestern).
Miếng da này đã giúp cựu binh lục quân Mỹ Garrett Anderson có cảm giác từ đầu ngón tay giả sau khi dán miếng da này lên cánh tay. Ông nói: “Giả sử tôi đang cầm quả trứng hoặc cái gì dễ vỡ. Nếu tôi không thể điều chỉnh lực nắm, tôi có thể làm vỡ trứng. Tôi cần biết nắm thế nào là vừa đủ để không làm đau ai đó hoặc vỡ cái gì đó”.
Ông mất tay phải cách đây 15 năm do bom nổ dưới xe tải trong chiến tranh Iraq. Ông cho rằng da nhân tạo có thể “lừa” não bằng cách làm giảm cơn đau ám ảnh và giúp ông tương tác với con theo cách mới. Ông cho biết chưa bao giờ cảm nhận được các con khi chúng nắm tay phải ông.
Ông Garrett Anderson (trái) có thể cảm nhận bằng tay phải giả. (Ảnh: Đại học Northwestern)
Khi nói chuyện qua video từ các địa điểm khác nhau, bạn bè và người thân có thể với tay và chạm “ảo” vào nhau, từ đó cảm nhận được tác động xúc giác gần như ngay lập tức.
Lực ấn và đặc điểm có thể được kiểm soát thông qua giao diện cảm ứng của điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng.
Mỗi thiết bị trợ rung chỉ rộng 12 đến 18mm, dày 2,5mm và nặng 1,4gram. Miếng polymer silicon có thể dính vào da mà không cần băng dính. Thiết bị này hoạt động dựa trên công nghệ được sử dụng trong điện thoại thông minh để thanh toán điện tử.
Với người bị mất bộ phận cơ thể, khi dùng thiết bị này, họ có thể trải nghiệm xúc giác mà không bị cản trở.
Các nhà nghiên cứu đang tìm cách làm cho thiết bị mỏng hơn và nhẹ hơn. Họ cũng định khám phá nhiều loại thiết bị trợ rung khác nhau, như loại có thể tạo ra cảm nhận về kéo căng hoặc hơi nóng.
Họ hy vọng thiết bị có thể mỏng và linh hoạt vừa đủ để dệt vào quần áo. Những người dùng bộ phận cơ thể giả có thể mặc áo thực tế ảo và truyền cảm nhận thông qua đầu ngón tay.
Cập nhật: 23/11/2019