Đăng ký nhãn hiệu hàng hóa là điều kiện cần để các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu hàng hóa. |
Theo kỹ sư Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Phòng Quản lý sở hữu trí tuệ và hợp tác khoa học công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố, so với khoảng 3 năm trước, số DN đã tăng gấp 3 lần, chưa kể nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố đăng ký trực tiếp tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, hoặc văn phòng đại diện của Cục tại Đà Nẵng.
Đáng chú ý là chiếm đa số đăng ký quyền sở hữu trí tuệ lại thuộc các DN nhỏ và vừa. Trước đây, danh sách các DN đến đăng ký quyền sở hữu trí tuệ chỉ tập trung vào những DN có hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài như Dệt-may 29-3, Dệt-may Hòa Thọ, Thủy sản Thọ Quang… Thỉnh thoảng cũng có một số DN nhỏ hơn đến đăng ký như nước mắm Nam Ô, nước mắm Phước Thái, bánh khô mè Bà Liễu, tuy vậy, hầu hết những DN này đều nằm trong các chương trình, dự án được tuyên truyền và hỗ trợ rất nhiều để họ thực hiện việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm của mình.
Thế nhưng giờ đây, mọi việc diễn ra gần như là trong tinh thần tự nguyện và ý thức rất rõ của các DN về việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ chính là bảo vệ cho mình. Trong số các DN vừa và nhỏ đến đăng ký quyền sở hữu trí tuệ thời gian gần đây có cả những DN mới thành lập, quy mô nhỏ, hoạt động trên những lĩnh vực mà trước đây nhiều người nghĩ là không cần thiết phải đăng ký, bây giờ lại chiếm số lượng lớn như dịch vụ vệ sinh tại nhà, sửa chữa xe máy, tư vấn xây dựng dân dụng…
Đánh giá về bước chuyển biến tích cực này, theo kỹ sư Nguyễn Thị Thu Hà là nhờ rất nhiều yếu tố cộng hưởng. Đó chính là bối cảnh cạnh tranh trên thương trường ngày càng khốc liệt, đòi hỏi các DN phải biết tự bảo vệ mình cũng như nâng cao thương hiệu trên thương trường. Bên cạnh đó, nhờ công tác tuyên truyền và phối hợp thực hiện khá đồng bộ giữa các đơn vị hữu quan.
Thời gian gần đây, tất cả DN đến đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư đều nhận được hướng dẫn nên đến Sở Khoa học và Công nghệ thành phố, hoặc văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ tại Đà Nẵng để đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Tương tự là cơ quan Quản lý thị trường trong quá trình làm việc với các DN cũng cung cấp thông tin để các DN biết và thực hiện việc đăng ký với cơ quan chức năng. Ngoài ra, chính sự thành công của những DN đi tiên phong trong việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, đã tác động đến nhiều DN và họ làm theo.
Trường hợp các sản phẩm nấm của HTX sản xuất giống và dịch vụ nấm An Hải Đông là một ví dụ, nhờ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa mà sản phẩm của họ đã có mặt trong các siêu thị trên địa bàn thành phố và một số tỉnh lân cận. Hoặc với cơ sở SX nước mắm Phước Thái, việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa giúp họ đủ điều kiện tham dự các hội chợ hàng chất lượng cao, được người tiêu dùng ưa dùng. Đặc biệt, thương hiệu nước mắm Nam Ô đã được bảo vệ trên toàn quốc nhờ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ.
DN nhỏ và vừa thực hiện đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đã có tín hiệu tích cực. Thế nhưng, việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của các DN đã tham gia đăng ký sở hữu trí tuệ là hết sức cần thiết, đặc biệt trong các trường hợp phòng chống hàng nhái, hàng giả các sản phẩm đã tạo được uy tín với người tiêu dùng.
Bài và ảnh: Thanh Vân- Báo Đà Nẵng