Đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ sinh học, nghiên cứu, tạo ra sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học nông nghiệp và dược liệu đang được Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) tập trung đẩy mạnh nhằm góp phần phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch mà Đà Nẵng đang hướng tới.
PGS.TS Võ Văn Minh, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm và Tiến sĩ Trịnh Đăng Mậu giới thiệu nghiên cứu của khoa về dược liệu quý như ba kích, mật nhân, hà thủ ô… |
Bên cạnh việc học lý thuyết thì thời gian thực hành tại phòng thí nghiệm, trại thực nghiệm của Khoa Sinh - Môi trường của trường đã tạo điều kiện cho sinh viên áp dụng kiến thức vào thực tế. Từ đó, nhiều ý tưởng ra đời và khả năng ứng dụng vào thực tế cao. Với các sinh viên Khoa Sinh- Môi trường, dãy phòng thí nghiệm và trại thực nghiệm 100m2 là nơi khá thân thuộc.
Em Lê Thị Ngọc Huyền, sinh viên năm 4 của khoa chia sẻ, ngoài việc học ở trên lớp, các em dành phần lớn thời gian thực hành. Ở đây, máy móc thiết bị hiện đại cùng sự hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật của các giảng viên giàu kinh nghiệm đã giúp các em có những kiến thức cần thiết cho môn học và hình thành nhiều đề tài nghiên cứu khoa học mang tính thực tiễn cao.
Thực hiện chủ trương của Đại học Đà Nẵng về việc phát triển thành Đại học nghiên cứu vào năm 2020, Khoa Sinh - Môi trường cũng đã liên kết được các nhà khoa học, quản lý, sản xuất và truyền thông thành lập nên nhóm Nghiên cứu - Giảng dạy (TRT) Môi trường và Tài nguyên sinh học (Environment and Biological Resource), viết tắt là DN-EBR.
DN-EBR nghĩa là nhóm hạt nhân nghiên cứu và giảng dạy, tập trung vào một số định hướng nghiên cứu chủ yếu như: kiểm soát ô nhiễm bằng công nghệ thực vật, nông nghiệp sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu, công nghệ sinh học Nông nghiệp và Dược liệu…
Dẫn chúng tôi tham quan phòng nghiên cứu và ứng dụng vi tảo, Tiến sĩ Trịnh Đăng Mậu, từng làm nghiên cứu sinh hơn 3 năm tại Thái Lan - một nước khá mạnh về công nghệ nuôi vi tảo cho biết, nghiên cứu ứng dụng vi tảo mới triển khai ở khoa trong thời gian gần đây nhưng có những kết quả khả quan và đã tạo ra được sản phẩm.
Ngoài ra, dưới sự hướng dẫn của cán bộ, giảng viên của khoa, nhiều sinh viên đã hình thành các dự án khởi nghiệp sáng tạo mang tính thực tiễn cao, trong đó có dự án đang từng bước thương mại hóa cung cấp cho thị trường như: dự án khởi nghiệp “Chế phẩm sinh học BIO-MS1 ứng dụng phát triển nghề nuôi chim cút”, “Kỹ thuật cố định nấm Trichoderma trên đá ứng dụng trồng lan”…
“Nhiều sinh viên Khoa Sinh - Môi trường sau khi ra trường đã bước vào con đường khởi nghiệp và quay trở lại hỗ trợ hoạt động của khoa về không gian thực nghiệm, hoặc đặt hàng những nghiên cứu khoa học”, ông Mậu nói.
Tiến sĩ Trịnh Đăng Mậu giới thiệu công nghệ nuôi vi tảo. |
Theo Tiến sĩ Võ Châu Tuấn, Trưởng khoa Sinh - Môi trường, nhiều năm qua, mô hình đào tạo của khoa được xây dựng theo hướng hiện đại, góp phần giải quyết các vấn đề mang tính thời đại như môi trường, năng lượng, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, sức khỏe cộng đồng… Trong đó, nghiên cứu sản xuất các chế phẩm vi sinh phục vụ phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao; nghiên cứu sản xuất và chuyển giao công nghệ các giống nấm ăn và nấm dược liệu; dược liệu quý như ba kích, mật nhân, hà thủ ô…; các mô hình trồng rau và cây cảnh thủy canh; các loại cây có giá trị kinh tế cao như: chuối lùn già hương… cho người dân Đà Nẵng, Quảng Nam và khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Đà Nẵng đang thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Do đó, những nghiên cứu về công nghệ sinh học nông nghiệp và dược liệu là rất cần thiết. Mới đây, dự án xây dựng vườn thực nghiệm công nghệ sinh học và hóa dược với diện tích 10ha tại Hòa Phú - Hòa Vang của Trường Đại học Sư phạm đã được thành phố Đà Nẵng đồng ý về chủ trương và hiện đang chờ quy hoạch chi tiết 1/500.
“Đây sẽ là nơi thực nghiệm của sinh viên và phát triển sản phẩm nghiên cứu của nhà trường, vừa nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên, đáp ứng nhu cầu nhân lực cao cho thị trường lao động vừa giải quyết vấn đề chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào cuộc sống”, ông Tuấn nói.
Trích nguồn Báo Đà Nẵng
https://dost.danang.gov.vn