8h30 sáng 28/3, phiên đấu thầu đầu tiên trong kế hoạch bình ổn thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước bắt đầu. 26.000 lượng là quy mô mang tính thăm dò.
Đòn bẩy tài chính cho hoạt động đầu cơ vàng hiện đã bị hạn chế, thị trường cũng bớt đi tác động của cung - cầu ảo.
Chiều 27/3, Ngân hàng Nhà nước đã có thông báo cụ thể tới các thành viên được phép tham gia đấu thầu vàng miếng. Phiên đấu thầu đầu tiên này có quy mô chào bán 26.000 lượng, tương đương gần 1 tấn; khối lượng đặt mua tối thiểu là 500 lượng, tối đa là 2.000 lượng; bước giá là 10.000 đồng/lượng…
Vì sao lại là 26.000 tấn? Một lãnh đạo vụ chức năng của Ngân hàng Nhà nước cho biết, quy mô này là một sự khởi đầu, mang tính thăm dò thị trường và trên cơ sở tham khảo các thành viên trên thị trường.
“Để bình ổn thị trường vàng, thực hiện yêu cầu giá trong nước bám sát giá thế giới mà Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo, không thể chỉ qua một vài phiên đấu thầu, mà sẽ có nhiều phiên. Sẽ có một quá trình và Ngân hàng Nhà nước sẽ bám sát diễn biến phản ứng của thị trường để tổ chức đấu thầu cho phù hợp, cũng như đòi hỏi các biện pháp khác nữa”, vị lãnh đạo trên cho biết.
Cho rằng việc bình ổn thị trường vàng là một kế hoạch phức tạp, khó khăn lớn nhất là diễn biến khó lường của giá vàng trong nước và trên thế giới, có nhiều rủi ro, song người trực tiếp triển khai kế hoạch bình ổn này khẳng định, Ngân hàng Nhà nước có các nguyên tắc, sử dụng các công cụ để đảm bảo an toàn, vì cơ chế hoạt động ở đây là gắn với dự trữ ngoại hối.
Như vậy có thể dự tính, các mức giá Ngân hàng Nhà nước bán ra sẽ được cân nhắc ở lợi ích của chính dự trữ ngoại hối, tức là không bị thiệt. Thị trường một thời gian dài thiếu cung, nay cơ quan này bắt đầu tạo cung, là yếu tố quyết định khi can thiệp chứ không phải bán giá thấp, giá rẻ để nhanh chóng thu hẹp chênh lệch. Khi cung cầu được dần cân đối, giá sẽ dần phản ánh hợp lý hơn.
Vấn đề đặt ra là, liệu có tình huống đầu cơ và giữ giá sau đấu thầu hay không, khi Ngân hàng Nhà nước chỉ tham gia thị trường bán buôn, mà không trực tiếp tham gia thị trường bán lẻ? Hay có sự liên kết giữ giá, đẩy giá bán lẻ sau đấu thầu?
Nếu có tình huống trên, các đối tượng đầu cơ sẽ đối diện với áp lực lớn và có thể sẽ phải trả giá đắt.
Thứ nhất, sau đấu thầu, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ yêu cầu các thành viên tham gia báo cáo từng ngày việc sử dụng nguồn vàng trúng thấu, cơ chế giá bán ra cụ thể. Đây là một kênh tham khảo để xem xét tiếp tục tăng cung hay không. Nếu vẫn còn biểu hiện thiếu cung, các phiên đấu thầu sẽ tiếp tục được tổ chức.
Thứ hai, thị trường vàng hiện tương đối cạnh tranh giữa các thành viên tham gia. Việc liên kết để giữ hoặc đẩy giá là khó diễn ra, do gắn với yêu cầu kinh doanh và rủi ro ở mỗi thành viên; nói cách khác, mỗi người sẽ phải tự lo cho thân mình.
Thứ ba, để đầu cơ cần có công cụ và nguồn lực tài chính. Các tổ chức tín dụng hiện nay đã bị áp giới hạn trạng thái vàng rất thấp, không quá 2% vốn tự có trong ngày. Các doanh nghiệp khác hầu hết quy mô vốn không quá lớn để có thể dồn sức “ôm” vàng, trong khi Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng tăng cung nếu có dấu hiệu khan hàng; và rủi ro giá chạy khi “ôm” vàng luôn là thử thách lớn.
Hơn nữa, nguồn lực để đầu cơ qua đòn bẩy tài chính như trước đây đã bị hạn chế. Ngân hàng Nhà nước đã cấm các tổ chức tín dụng cho vay để mua vàng, ngoại trừ trường hợp được Thống đốc xét duyệt. Một văn bản nhắc nhở việc thực hiện quy định này cũng vừa được ban hành.
Đối với các đối tượng là cá nhân, nguồn tiền để dồn vào đầu cơ vàng khi không có đòn bẩy tài chính là thực tế không có ở diện rộng. Suốt thời gian qua, theo giám sát của cơ quan chức năng, thị trường đã vắng mặt các “tay to” gắn với những giao dịch cỡ vài nghìn lượng mỗi ngày như trước đây.
Ngoài nguồn lực để “đấu” với Ngân hàng Nhà nước có hạn, với họ, sắp tới, khi Luật phòng chống rửa tiền có các văn bản hướng dẫn, cơ chế giám sát và rà soát các giao dịch quy mô lớn phải báo cáo cũng sẽ là một vấn đề đáng quan tâm…
Dự kiến, ngày mai kết quả phiên đấu thầu sẽ được công bố cụ thể. Có những góc nhìn khác nhau để nói về thành công của một sự khởi đầu, nhưng quan trọng hơn là nó chính thức mở ra một hướng bình ổn thị trường. Ngân hàng Nhà nước dùng nguồn lực của mình để tham gia, không tác động đến cung cầu ngoại tệ trên thị trường mà có thể dẫn tới biến động tỷ giá như trước đây cho doanh nghiệp nhập khẩu.
Chênh lệch giá sẽ thu hẹp như thế nào còn ở phía trước. Ngân hàng Nhà nước không công bố mức chênh lệch mục tiêu, nhưng cho biết sẽ sẵn sàng bán ra nếu thị trường vẫn thiếu cung, nếu có những biến động bất thường.