Đầu tư của Việt kiều: Bất động sản vẫn đứng đầu

Đầu tư của Việt kiều: Bất động sản vẫn đứng đầu

 

 

Tại cuộc thăm dò về lĩnh vực đầu tư của kiều bào tại hội nghị thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài, phần lớn kiều bào đều bày tỏ mong muốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản.

Ông Phạm Thiếu Hoa, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài, cho biết, xu hướng đầu tư của kiều bào trong những năm tới vẫn sẽ là bất động sản, du lịch và chuyển giao công nghệ.

Dự án làng Việt kiều tại Hải Phòng vừa được cấp giấy chứng nhận có thể coi là một ví dụ cụ thể nhất cho những nhận định trên.

Đúng vào ngày 10-1, tại lễ kỷ niệm 50 năm Bác Hồ về Hải Phòng đón kiều bào, hai dự án đầu tư lớn đầu tiên tại Hải Phòng đã được trao giấy chứng nhận. Đó là dự án làng Việt kiều Hải Phòng được xây dựng trên diện tích 12 ha, do Hội Việt kiều tại Anh thực hiện và dự án bệnh viện quốc tế với 300 giường bệnh.

Theo ông Hoàng Văn Kể, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, tính đến nay, Hải Phòng đã có hơn 20 dự án của kiều bào mà tiêu biểu là nhà máy may xuất khẩu thu hút 4.000 công nhân của ông Phạm Minh Nam, kiều bào Anh và dự án tổ hợp villa trị giá 20 triệu USD của kiều bào Đức.

Thời gian tới, nhằm tăng cường thu hút kiều bào về đầu tư, Hải Phòng sẽ tích cực giải quyết các vướng mắc về địa điểm, mặt bằng, thủ tục hành chính cũng như những ưu đãi trong giải phóng mặt bằng và thuế…

Việc đầu tư kinh doanh của kiều bào Hải Phòng chủ yếu thông qua gia đình, thân nhân trong nước.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu muốn về nước đầu tư

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Phòng, trong vòng 5 năm gần đây, lượng kiều hối về Hải Phòng khoảng 500 triệu USD. Từ năm 2008, hàng năm, lượng kiều hối về Hải Phòng đều đạt xấp xỉ 150 triệu USD. Đó là chưa kể số tiền mặt do kiều bào mang trực tiếp để kinh doanh, xây dựng nhà ở, xí nghiệp.

Tổng vốn thu hút đầu tư nước ngoài tại Hải Phòng hiện nay trên 3 tỷ USD, trong đó vốn đầu tư trực tiếp của kiều bào khoảng 70 triệu USD. Có những dự án hiệu quả kinh tế cao như liên doanh thép Việt - Úc 30 triệu USD và nhiều dự án tạo hàng nghìn việc làm như dự án sản xuất giầy dép Thiên Vinh của kiều bào ở Nhật, dự án may mặc của kiều bào ở Anh.v.v.

10 - 20 năm nữa, kiều hối sẽ giảm

Theo ông Lê Trường Sơn, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội các Doanh nghiệp VN tại LB Nga, nhiều doanh nghiệp Việt Nam tại Nga đã về nước đầu tư.

Họ là cổ đông chính trong một số ngân hàng lớn tại VN như Techcombank, VIBBANK v.v., hay các trung tâm thương mại như Melinh plaza, khách sạn Furama, Kim Túc, cửa sổ Eurowindow.

Đầu tư của các doanh nghiệp Việt kiều còn gia tăng nhiều hơn nữa nếu họ được thông tin rộng rãi hơn về các chính sách ưu đãi đầu tư, các dự án kêu gọi đầu tư của các bộ ngành, cũng như của chính quyền các tỉnh thành.

Tuy nhiên, ông Phạm Văn Thành, Chủ tịch hội doanh nhân Việt kiều tại Canada, lại bày tỏ sự lo lắng, một số lượng lớn kiều hối từ Mỹ, Canada, Australia gửi về nước chủ yếu để giúp cho bà con họ hàng của họ ở trong nước, mà không có cơ sở đầu tư.

Sự hỗ trợ này có thể kéo dài thêm từ 10 cho đến 20 năm, càng ngày càng giảm dần, cho đến khi thế hệ có liên hệ trực tiếp với bà con, bạn bè ở Việt Nam không còn nữa. Thế hệ con cháu của kiều bào ở hải ngoại sẽ không còn gửi tiền về Việt Nam như cha mẹ họ đã và đang làm.

Ông Thành cho biết thêm, số kiều bào triệu phú ở nước ngoài không nhiều, nhưng số kiều bào có tài sản từ 500.000 USD cho đến một triệu thì khá lớn. Những người này muốn đầu tư mua nhà sinh sống ở Việt Nam hoặc mở doanh nghiệp nhỏ nhưng vẫn còn một số e ngại.

Ông kiến nghị, nếu muốn thu hút đầu tư của kiều bào, cần có thêm nhiều chính sách khuyến khích hơn nữa, chẳng hạn như cần có chính sách bảo đảm cho kiều bào có thể rút lại vốn đầu tư và chuyển ngược về nước sở tại nếu không còn muốn ở Việt Nam.