Đề án "Phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020"

Đề án "Phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020"

 

 

Ngày 18/01/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 123/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020.

 

Mục tiêu của Đề án là nhằm xây dựng đội ngũ luật sư giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, am hiểu luật pháp và tập quán thương mại quốc tế, thông thạo tiếng Anh, thành thạo về kỹ năng hành nghề luật sư quốc tế, có đủ khả năng tư vấn các vấn đề liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong xã hội, trong đó có các cơ quan của Chính phủ, Ủy ban nhân dân một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn kinh tế của Nhà nước, đồng thời xây dựng các tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài, có khả năng cạnh tranh với các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài.

Để thực hiện được các mục tiêu này, Đề án tập trung vào 03 nhóm giải pháp như sau:

1. Phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế

a) Nâng cao năng lực đào tạo trong nước cho đội ngũ luật sư để phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế

Một trong những nội dung trọng tâm của Đề án là tập trung nâng cao năng lực đào tạo trong nước để tiết kiệm kinh phí, mở rộng đối tượng và số lượng người được tham gia đào tạo. Thành lập Trung tâm đào tạo liên kết với các cơ sở đào tạo nghề có uy tín hoặc tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các nước tiên tiến trên thế giới (Anh, Mỹ, Pháp, Úc...) để tổ chức đào tạo luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế theo chương trình, giáo trình chuẩn của quốc tế và khu vực. Các Trung tâm liên kết này trong giai đoạn đầu sẽ được thành lập tại cơ sở đào tạo nghề luật sư của Bộ Tư pháp để tận dụng nguồn lực, năm 2015, sẽ đưa các Trung tâm liên kết của Liên đoàn Luật sư Việt Nam vào hoạt động. Đề án cũng đưa ra các giải pháp, cơ chế để tạo điều kiện phát triển các Trung tâm đào tạo liên kết tại các tổ chức hành nghề luật sư có năng lực, uy tín của Việt Nam.

Về đối tượng đào tạo, tập trung vào luật sư đang hành nghề tại các tổ chức hành nghề luật sư, doanh nghiệp, người tập sự hành nghề luật sư, các giảng viên của các cơ sở đào tạo luật, cơ sở đào tạo nghề luật sư. Ngoài ra, Đề án cũng mở rộng đối tượng đào tạo theo mô hình này là sinh viên luật xuất sắc, thạc sỹ luật, tiến sỹ luật, các đối tượng khác đáp ứng điều kiện tuyển chọn, nếu được một tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài hoặc một tập đoàn kinh tế của nhà nước tuyển.

b)  Đẩy mạnh việc lựa chọn, gửi luật sư đi đào tạo mũi nhọn ở nước ngoài, khuyến khích việc luật sư tự đào tạo để đáp ứng yêu cầu về hội nhập kinh tế quốc tế

Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả của việc gửi đi đào tạo một số luật sư tại nước ngoài theo Đề án 544 để hình thành những luật sư nòng cốt phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế.

Đây là giải pháp được nhiều nước lựa chọn, song kinh phí đào tạo luật sư ở các cơ sở nước ngoài rất cao, chính vì vậy, trong Đề án, giải pháp này được xác định là giải pháp có tính chất “mũi nhọn”, lựa chọn những người thật sự có năng lực, triển vọng để gửi đi đào tạo ở nước ngoài, còn việc phát huy nội lực của năng lực đào tạo trong nước vẫn được xác định là giải pháp có tính bền vững và trọng tâm.

Hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đào tạo đối với những người tự đào tạo ở nước ngoài, thu hút họ phục vụ cho nhu cầu của Chính phủ.

c) Tăng cường bồi dưỡng thường xuyên kiến thức, kỹ năng hành nghề luật sư nhằm đáp ứng yêu cầu về hội nhập kinh tế quốc tế

Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hành nghề luật sư trong lĩnh vực thương mại quốc tế; biên soạn, phát hành tài liệu; gửi luật sư đi bồi dưỡng trong và ngoài nước. Hoạt động này chủ yếu giao cho tổ chức xã hội nghề nghiệp luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư thực hiện với sự định hướng, hỗ trợ của Nhà nước.  

d) Tạo nguồn để phát triển luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế

 Xây dựng và thực hiện chính sách thu hút công dân Việt Nam có chứng chỉ hành nghề luật sư của nước ngoài trở thành luật sư Việt Nam; chính sách thu hút người Việt Nam ở nước ngoài là luật sư tham gia vào các hoạt động tư vấn, tranh tụng thương mại quốc tế của Việt Nam. Đổi mới chương trình đào tạo cử nhân luật, định hướng nghề luật sư về thương mại quốc tế cho sinh viên; thí điểm việc đào tạo liên thông trở thành luật sư đáp ứng yêu cầu về hội nhập kinh tế quốc tế cho các sinh viên luật xuất sắc.

2. Xây dựng các tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài, có khả năng cạnh tranh với các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài.

Để thực hiện nhiệm vụ này, Đề án đã đưa ra giải pháp đánh giá, phân loại các tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam có xu hướng phát triển chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại, từ đó xây dựng kế hoạch, quy hoạch, định hướng phát triển các tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh thương mại có yếu tố nước ngoài và xây dựng tổ chức hành nghề luật sư có quy mô nhỏ và vừa thành các tổ chức hành nghề luật sư có quy mô lớn, chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế. Thu hút các luật sư được đào tạo theo Đề án vào làm việc tại các tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế tại các tổ chức hành nghề luật sư. Thực hiện chính sách miễn, giảm thuế cho các tổ chức hành nghề luật sư tham gia đào tạo luật sư phục vụ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế ; tạo điều kiện phát triển các tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam thông qua việc thực hiện chính sách giao cho các tổ chức này thực hiện tư vấn trong các giao dịch, dự án lớn của Chính phủ ; xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam cung cấp dịch vụ qua biên giới.

3. Sử dụng đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế

Đề án xác định nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế chính là tạo môi trường hành nghề thuận lợi cho đội ngũ này thông qua các cơ chế, chính sách sử dụng luật sư một cách hiệu quả. Đội ngũ luật sư được đào tạo theo Đề án sẽ được sử dụng trong các việc: tư vấn hoặc tham gia tranh tụng các vấn đề liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế cho Chính phủ, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; ký hợp đồng làm việc thường xuyên hoặc theo vụ việc cho các tập đoàn kinh tế của Nhà nước, cơ quan của Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tham gia tư vấn, giải quyết tranh chấp quốc tế khi Chính phủ yêu cầu; tham gia việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế; tham gia giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế. Thành lập Câu lạc bộ luật sư, chuyên gia pháp luật phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế để thu hút, sử dụng có hiệu quả các luật sư đã được đào tạo và hoạt động trong lĩnh vực thương mại quốc tế.

Các giải pháp thực hiện các nhiệm vụ của Đề án được xác định theo lộ trình thực hiện cụ thể từ 2010-2020.