Vừa qua, tại Đại học Đà Nẵng, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công thương, Đại học Đà Nẵng đã phối hợp tổ chức “Diễn đàn Doanh nghiệp – Khoa học: Kết nối cung cầu” với sự tham gia của các nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp và đại diện Chương trình đối tác Đổi mới sáng tạo – IPP của Phần Lan. Đây là một hoạt động nhằm nắm bắt nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp để giúp cho các nhà quản lý, nhà khoa học có những cơ chế, chính sách và sản phẩm nghiên cứu khoa học đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất của doanh nghiệp hiện nay.
Theo ông Phạm Văn Tài- Phó Tổng giám đốc Thaco Group Chu Lai cho rằng việc nghiên cứu khoa học phải bắt nguồn từ thực tế và phục vụ quá trình sản xuất và cần phải kết hợp mối quan hệ giữa ba nhà “ nhà sản xuất- nhà khoa học –nhà trường”. Thường cơ chế chính sách không theo kịp tốc độ phát triển của xã hội nên doanh nghiệp muốn phát triển thì phải tập trung vào công nghệ, đầu tư công nghệ mới tốn kém trước mắt nhưng ngược lại, về lâu dài sẽ giúp cho giảm chi phí không cần thiết trong quá trình sản xuất, chất lượng sản phẩm cao thì sẽ có tính cạnh tranh tốt hơn với sản phẩm cùng loại. Do vậy đầu tư đổi mới công nghệ luôn là vấn đề hàng đầu của doanh nghiệp đồng thời kết hợp với maketting đầy đủ thì sản phẩm sẽ được thị trường xác nhận.
Ông Trần Văn Lĩnh - Giám đốc Công ty cổ phẩn thủy sản và thương mại Thuận Phước rất quan tâm đến công nghệ trong nước, nhất là công nghệ chế biến thủy hải sản với giá trị gia tăng cao và dược chất từ phế thải chế biến thủy hải sản. Hiện Công ty của ông đang kết hợp với Đại học Đà Nẵng ứng dụng kết quả đề tài nghiên cứu khoa học về chiết xuất Chitin-Chitosan từ vỏ tôm, nang mực… Ông cũng đề xuất các trường đại học cần gắn bó hơn nữa giữa sản xuất với đào tạo, đồng thời chính quyền và các nhà quản lý cần có những chính sách, cơ chế khuyến khích các đơn vị nuôi trồng thủy hải sản áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất để tạo ra những sản phẩm có chất lượng, đảm bảo vệ sinh an tòan thực phẩm cho người tiêu dùng cũng như nguồn nguyên liệu phục vụ làm hàng xuất khẩu.
Các đại biểu đại diện các doanh nghiệp cũngnhất trí với quan điểm phải đổi mới công nghệ, nhu cầu đổi mới công nghệ là cấp bách. Tuy nhiên vấn đề khó khăn hiện nay với các doanh nghiệp là nguồn vốn để đổi mới công nghệ nhất là với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo điều tra mới nhất của Sở Khoa học và Công nghệ cho thấy đa số công nghệ sử dụng trong doanh nghiệp đều từ thập niên 90 trở về trước, tuổi thọ công nghệ sau năm 2000 không nhiều chủ yếu ở các bộ phận nhỏ lẻ và các nhóm ngành điện tử, viễn thông. Mặt khác doanh nghiệp rất thiếu thông tin về công nghệ do đó cần có sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước về vốn, trợ giúp ý tưởng và xây dựng dự án đổi mới công nghệ, cung cấp thông tin, đào tạo cán bộ…
Ông Hannu Kokko, Cố vấn trưởng của chương trình đối tác đổi mới sáng tạo IPP – Phần Lan nhất trí cho rằng “Nếu không đổi mới công nghệ sẽ không bao giờ có sự phát triển tại doanh nghiệp, tại Phần Lan có 5 triệu dân nhưng Nhà nước đã đầu tư 2,8 tỷ ERO cho các doanh nghiệp phát triển công nghệ”. Do vậy nếu không đầu tư đổi mới công nghệ thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đem sản phẩm từ nước ngoài vào và xâm chiếm thị trường trong nước, khi đó doanh nghiệp sẽ mất khả năng cạnh tranh…Mặt khác bản thân các công ty không thể nắm bắt hết các thông tin về công nghệ trên thế giới, vì vậy cần phải có những trung tâm, đơn vị của nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệpkiến thức, thông tin đổi mới công nghệ từ đó đưa ra những quyết định đúng đắn trong việc đổi mới công nghệ tại doanh nghiệp của mình. Trong thời gian đến, thông qua Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng, Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo IPP – Phần Lan sẽ giúp cho các doanh nghiệp Đà Nẵng có những kiến thức và thông tin bổ ích về quá trình đổi mới sáng tạo, đồng thời tài trợ cho việc thuê chuyên gia từ các viện nghiên cứu và các trường đại học quốc tế để giải quyết vấn đề về đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.
Ông Huỳnh Phước – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, hiện Sở và các cơ quan chức năng đang hòan thiện và tiến tới trình UBND Thành phố phê duyệt Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ và hoàn thiện khung pháp lý đưa Quỹ Phát triển Khoa học Công nghệ vào hoạt động. Thành lập trung tâm tư vấn và chuyển giao công nghệ giúp doanh nghiệp có những điều kiện thuận lợi nhất trong quá trình đổi mới công nghệ. Bên canh đó Sở Công thương cũng có nhiều chương trình giúp các doanh nghiệp đổi mới công nghệ như chương trình khuyến công, chương trình sản phẩm chủ lực...
Ông Lê Kim Hùng – Phó giám đốc Đại học Đà Nẵng nhất trí với việc Đại học Đà Nẵng sẽ làm tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực cho miền Trung – Tây nguyên và gắn nghiên cứu khoa học với thực tiễn sản xuất./.
Nguồn tin: http://www.dost.danang.gov.vn