DN xài phần mềm lậu hết

ban-quyen.jpg
Tỷ lệ vi phạm bản quyền ở Việt Nam vẫn "kiên trì" đứng mức 80%. Ảnh: Phạm Hoa

Theo thông tin từ đại diện Công ty Tư vấn Luật Baker & McKenzie đưa ra tại Hà Nội sáng nay, ngày 4/11, Washington và Louisiana là hai bang đầu tiên của Mỹ đã ban hành Bộ luật Cạnh tranh không lành mạnh kể từ tháng 7/2011. Ngoài ra, hiện ở Mỹ cũng có đến 24 bang khác đã xây dựng những bộ luật tương tự Bộ luật Cạnh tranh không lành mạnh của hai bang này.

Theo đó, Bộ luật Cạnh tranh không lành mạnh yêu cầu tất cả các nhà sản xuất, xuất khẩu trên thế giới có quan hệ kinh tế với các bang phải sử dụng phần cứng, phần mềm hợp pháp, có bản quyền trong mọi hoạt động sản xuất, thương mại.

Bởi theo lập luận của các bang, việc một doanh nghiệp sử dụng phần mềm không có bản quyền hợp pháp sẽ tạo điều kiện cho đối tượng này đạt được lợi thế về giá (dù ít hoặc nhiều), và nếu xét ở mặt tổng thể sẽ không tạo ra sự bình đẳng đối với những đối thủ cạnh tranh đang sử dụng sản phẩm CNTT có bản quyền.

“Nếu không tuân thủ, các doanh nghiệp dùng phần mềm, phần cứng không bản quyền sẽ bị chính doanh nghiệp có mặt hàng cạnh tranh hoặc Chưởng lý (người phụ trách vấn đề pháp lý) của các bang khởi kiện, dẫn tới hậu quả là có thể sẽ phải bồi thường thiệt hại, hàng hóa bị tịch thu và quan trọng hơn là bị cho vào “danh sách đen” cấm vào thị trường Mỹ”, ông Trần Mạnh Hùng, Giám đốc bộ phận Sở hữu trí tuệ của Baker & McKenzie nhấn mạnh.

Cũng theo nhận định của các chuyên gia, Bộ luật này nhằm tạo ra một sân chơi lành mạnh cho các doanh nghiệp, tuy nhiên cũng sẽ gây ra nhiều tác động đến cơ hội kinh doanh của nhiều nhà sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.

Nhưng nhìn nhận ở mặt ngược lại, ông Đoàn Tử Tích Phước (Phó Trưởng ban Điều tra xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương) cho rằng các doanh nghiệp sử dụng phần mềm hợp pháp, tuân thủ đúng luật bản quyền của Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ bộ luật này trong vấn đề cạnh tranh so với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh: Việc sử dụng phần cứng, phần mềm không bản quyền sẽ khiến các doanh nghiệp Việt Nam dần mất đi tính cạnh tranh trên các thị trường lớn, không chỉ là Mỹ mà còn ở Nhật Bản, Trung Quốc cũng như các nước Châu Âu.

Theo số liệu thống kê của Bộ Thương mại Mỹ, chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm 2010, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa ViệtNam và Mỹ đạt 15,3 tỷ USD. Hiện Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với các mặt hàng như dệt may, nông sản, thủy sản… Trong đó, Washington là thị trường lớn thứ hai của Mỹ chuyên nhập khẩu hàng hóa từ Châu Á.