Doanh nghiệp cần đầu tư KHCN gấp 10 lần nhà nước

“Theo kinh nghiệm từ các nước phát triển thì doanh nghiệp, xã hội phải đầu tư cho KHCN nhiều hơn ngân sách nhà nước từ 5 - 10 lần”, Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân cho biết.

Doanh nghiệp có vai trò cao trong đầu tư KHCN

Tại Hội nghị Ủy ban Khoa học và Công nghệ (KHCN) ASEAN lần thứ 62 (COST 62) tổ chức ở TP.HCM ngày 23/11/2011, ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ KHCN có một số nhận định về KHCN của Việt Nam hiện nay. Ông cho rằng nếu đánh giá một cách định tính thì KHCN của Việt Nam đang đứng mức giữa các nước ASEAN. Việt Nam có đội ngũ khoa học tương đối đông, trình độ KHCN tương đối cao và được đào tạo bài bản, tuy nhiên do trình độ phát triển kinh tế của nước ta còn thấp. Việt Nam mới vượt quan ngưỡng của những nước nghèo nên phát triển KHCN của Việt Nam còn khiêm tốn so với một vài nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan.

Ông Nguyễn Quân
Về mặt CNTT, Việt Nam có tiềm năng và thực lực, cụ thể, đóng góp của công nghiệp phần mềm ngày càng tăng trong GPD, tuy nhiên, so với một vài nước khác trong khu vực thì Việt Nam vẫn chưa phát triển, vì thế các nhà khoa học của Việt Nam trong lĩnh vực CNTT cần phải nỗ lực hơn nữa để có tỷ trọng xứng đáng trong ASEAN.

Ông Quân cho biết, theo kinh nghiệm từ các nước phát triển thì xã hội, doanh nghiệp (DN) phải đầu tư cho khoa học công nghệ nhiều hơn ngân sách nhà nước từ 5 - 10 lần, tuy nhiên, tại Việt Nam, đầu tư CNTT trong doanh nghiệp, xã hội còn rất ít, ngay cả những tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước vẫn chưa quan tâm đến vấn đề này. Cho nên KHCN vẫn thiếu nguồn để phát triển nhanh và bền vững.

Do đó, DN Việt phải có trách nhiệm dành một phần lợi nhuận của mình cho phát triển KHCN. Ở Hàn Quốc, DN đầu tư cho KHCN gấp 10 lần nhà nước, hàng năm mức đầu tư KHCN trên đầu người của Hàn Quốc gấp 100 lần Việt Nam và đó là điều DN Việt phải nghiên cứu và học tập. Ví dụ: tập đoàn Samsung của Hàn Quốc chi kinh phí cho nghiên cứu khoa học lớn hơn tổng kinh phí đầu tư cho KHCN Việt Nam nói chung.

Điều này cho thấy, sức mạnh của DN mới là nguồn đầu tư lớn nhất cho KHCN và nhà nước chỉ giữ vai trò khuyến khích hỗ trợ một phần nhỏ cho DN chứ không thể nào đầu tư toàn bộ cho DN.

Tuy nhiên, mới đây, cũng đã xuất hiện một vài tín hiệu đáng mừng, như Tổng công ty Viễn thông Quân đội Viettel đã thành lập một viện nghiên cứu về KHCN và đầu tư bước đầu 120 triệu USD dành cho nghiên cứu đổi mới làm chủ công nghệ và nhập khẩu công nghệ, bên cạnh đó, cũng đã có một vài DN lớn khác của Việt Nam cũng đã thành lập viên nghiên cứu và trung tâm nghiên cứu riêng của mình bên cạnh những viện nghiên cứu lớn của Nhà nước.

ASEAN ưu tiên phát triển KH&CN

Theo ông Quân, tương lai của ASEAN về KHCN rất lớn, Việt Nam cần phải cố gắng nhiều để xứng đáng với tiềm năng và mong mỏi của các nước thành viên.

Hiện nay, ASEAN cũng đã thành lập Quỹ khoa học chung của ASEAN để hỗ trợ cho các nhà khoa học của các nước thành viên tổ chức nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới. Mạng lưới thông tin của ASEAN cũng đã được đưa vào hoạt động để cung cấp thông tin về KHCN cho các nước thành viên. Ngoài ra, ASEAN cũng đã mở rộng hợp tác với các nước đối tác lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc để có thể thúc đẩy sự phát triển của các nước trong khu vực. Tùy thuộc vào năng lực, các nhà khoa học ở các nước thành viên đều có quyền nộp hồ sơ để xin tài trợ từ quỹ khoa học của ASEAN, nước nào có nhiều hồ sơ và hồ sơ khả thi và có giá trị khoa học đều có thể được hưởng tài trợ từ Quỹ khoa học của ASEAN.

Mới đây, ASEAN COST đã thông qua tầm nhìn và lộ trình thực hiện các chương trình ưu tiên phát triển của ASEAN (flagship programmes) bao gồm các vấn đề: an ninh lương thực đến năm 2013, hệ thống cảnh báo sớm nhằm giảm nhẹ thiên tai, nhiên liệu sinh học, ứng dụng phần mềm mã nguồn mở biến đổi khí hậu đến năm 2012. Bên cạnh đó, các nước thành viên ASEAN đã nhất trí việc xây dựng kế hoạch hành động KHCN của ASEAN - PAST giai đoạn 2012 - 2017 và đã bắt đầu tiến hành từ quý I/2011, đồng thời, tiếp tục triển khai Krabi “KHCN và Sáng tạo (STI) vì một ASEAN cạnh tranh bền vững và hội nhập”.