Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ sang EU vẫn "lơ mơ” về các nội dung của Hiệp định VPA/FLEGT và lo ngại về khả năng “đẻ” thêm thủ tục hành chính.
Dự kiến trong năm nay, “Hiệp định Đối tác Tự nguyện về Thực thi lâm luật, Quản trị rừng vàThương mại lâm sản” (gọi tắt là VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) được ký kết.
Theo thông tin mới nhất mà đoàn đám phán cung cấp, Việt Nam đã đàm phán thành công để EU chấp nhận cả 7 loại giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp, và DN hay hộ nông dân chỉ cần có 1 trong 7 loại giấy tờ đó theo quy định là có thể chứng minh được tính hợp pháp của gỗ.
VPA đưa ra Định nghĩa gỗ hợp pháp dựa trên cơ sở luật pháp hiện hành của Việt Nam.
Như vậy, VPA sẽ giải quyết các khó khăn hiện nay. DN và hộ trồng rừng cung cấp gỗ chỉ cần tuân thủ pháp luật hiện hành của Việt nam là sau này có thể đáp ứng được các yêu cầu của VPA. Nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp cũng chưa nắm được điểm cơ bản này.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp khu vực miền Trung chuyên xuất khẩu gỗ sang EU vẫn còn “lơ mơ” về các nội dung của Hiệp định và thẳng thắn bày tỏ lo ngại về khả năng “đẻ” thêm thủ tục hành chính cũng như giấy tờ so với hiện nay.
Ông Nguyễn Tích Hoàn, Tổng Giám đốc Công ty Hoàng Phát (Bình Định) cho biết, mỗi năm Công ty nhập khẩu khoảng 15 ngàn m3 gỗ để sản xuất các mặt hàng xuất sang EU với doanh thu năm 2014 khoảng 12 triệu USD. Hiện doanh nghiệp này vẫn phải giải trình nguồn gốc gỗ theo Quy chế gỗ của EU và chưa thấy vướng mắc gì.
Còn khi hỏi về VPA/FLEGT, ông Hoàn thẳng thắn, mặc dù đã được thông tin qua các buổi hội thảo, tập huấn của Hiệp hội gỗ: “Tôi có nghe nói đến Hiệp định cũng như đàm phán, nhưng theo kiểu vỉa hè”.
Cũng như ông Hoàn, ông Đặng Công Quang, Phó Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Lâm đặc sản Quảng Nam bày tỏ: “Tôi rất ít thời gian tìm hiểu thông tin về Hiệp định. Vì Hiệp định chưa ký kết nên chưa quan tâm nhiều. Hiện tôi không biết các vòng đàm phán đang đi tới đâu?”.
Ông Đào Tiến Dũng - Chánh văn phòng Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA), cho rằng: “Vấn đề không phải là có ký VPA hay không mà những lợi ích nó mang lại từ khi Việt Nam tham gia đàm phán rất rõ ràng. Thời gian vừa qua, Việt Nam đã hoàn thiện hệ thốngpháp luật của mình tốt lên rất nhiều, việc này giúp ích rất nhiều cho DN, giúp DN tuân thủ pháp luật tốt hơn, mở rộng tên tuổi trên thị trường thế giới”.
So với EUTR, DN phải tuân thủ pháp luật của nước sở tại thì việc ký kết và thực thi VPA tại Việt Nam trên cơ sở quy định của pháp luật Việt Nam sẽ thuận lợi hơn cho DN Việt Nam rất nhiều. Các DN nên chủ động tiếp cận với các trang tin chính thống về FLEGT-VPA để hiểu rõ hơn nội dung Hiệp định và nắm bắt tiến trình đàm phán.
Đặc biệt, làm thế nào để đơn giản hóa thủ tục cấp phép, tính minh bạch và sự hợp lý của các chi phí trong cấp phép FLEGT vẫn còn là câu hỏi cần có sự tham gia ý kiến từ các DN và các hiệp hội doanh nghiệp./.