Doanh nghiệp CNTT than cảnh “tò vò nuôi nhện”

Doanh nghiệp CNTT sẵn sàng hợp tác với các trường để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhưng sau thời gian không ít doanh nghiệp nhìn nhận việc tiếp nhận thực tập sinh như là một hoạt động đầu tư mạo hiểm.

1a.jpg

Nếu chỉ ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên không thể học được "mưu mẹo" để "chiến đấu" trên thương trường. Ảnh: Xuân Bách.

Ông Trần Ngọc Cường, Phó Giám đốc Công ty RunSystem trăn trở chia sẻ thực trạng đã nhiều lần vấp phải cảnh sinh viên sau khi thực tập đã tự đứng ra thành lập công ty mới, hoặc doanh nghiệp bỏ tiền lo xong visa, vé máy bay cho sinh viên thực tập đi làm dự án nước ngoài thì sinh viên bỏ dở giữa chừng. Khi tiếp nhận sinh viên thực tập, công ty cũng đã giao kết cụ thể rằng trong trường hợp “tự phá ngang” thì phải chịu phạt, trả lại chi phí đào tạo (khoảng 1 – 2 tháng lương) và các chi phí khác như visa, vé máy bay… Thế nhưng thực tế, RunSystem chưa thu hồi được đồng nào.

“Hợp đồng lao động hiện nay chỉ nghiêng nặng về việc bảo vệ người lao động chứ chưa quan tâm tới những trường hợp doanh nghiệp phải chịu thiệt hại như chúng tôi. Hiện chưa có quy định nào xử lý trường hợp sinh viên đã tiếp nhận sự đào tạo của công ty nhưng sau đó không làm việc cho công ty nữa”, ông Cường nhận xét.

Cần nhấn mạnh không phải doanh nghiệp nào cũng “đủ lực” để tiếp nhận sinh viên thực tập. Bởi khi tiếp nhận thực tập, doanh nghiệp sẽ phải cử người quản lý, thu xếp chỗ ngồi…, nói cách khác là chấp nhận đầu tư khoản tiền lớn. Trong bối cảnh nhân sự ngành CNTT có sự xáo động, luân chuyển rất mạnh như hiện nay, các doanh nghiệp vẫn buộc phải chấp nhận để có nguồn nhân lực dự trữ trong tương lai.

Vấn đề là làm thế nào để “giữ chân” sinh viên thực tập làm cho doanh nghiệp? Ông Trần Xuân Lâm, Giám đốc Trung tâm Đảm bảo nguồn nhân lực FPT Software khẳng định đây là câu hỏi khó mà đã nhiều năm qua vẫn chưa có câu trả lời. Mỗi khi gặp phải thì doanh nghiệp chỉ còn cách “bó tay”.

Để giảm bớt rủi ro cho doanh nghiệp trong việc tiếp nhận sinh viên thực tập, ông Lâm cho rằng nhà trường nên đào tạo thêm về đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên, còn về phía doanh nghiệp, khi tiếp nhận sinh viên thực tập, sẽ phải có quy trình kiểm tra kỹ càng hơn, chỉ tiếp nhận những sinh viên thực sự có tâm huyết với mình.

Chia sẻ rủi ro nêu trên từ phía doanh nghiệp, tuy nhiên PGS. Huỳnh Quyết Thắng, Viện trưởng Viện CNTT, Đại học Bách Khoa cho biết thêm một thông tin khả quan, đó là theo thống kê mà trường thu được trong 5 – 7 năm gần đây, mỗi năm có khoảng 1 – 3% sinh viên Bách Khoa muốn thành lập công ty (trong đó 25% không thành công); 12% sinh viên có mong muốn học cao học (phần lớn học ở nước ngoài, thời gian xin học bổng khoảng 3 tháng – 1 năm sau khi tốt nghiệp); và vẫn còn tới 85% sinh viên ra trường muốn đi làm, trong đó chỉ 10% muốn làm cho cơ quan Nhà nước. Điều này cho thấy doanh nghiệp vẫn còn có khá nhiều cơ hội lựa chọn để tìm được người làm cho mình.