Chiều 28/9, Tiến sĩ Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch Tập đoàn Doji, và ông Nguyễn Thanh Trúc - Chủ tịch Công ty Vàng Agribank đã trả lời nhiều câu hỏi trực tuyến được độc giả quan tâm về thị trường vàng. Tổng cộng có hơn 1.500 câu hỏi được bạn đọc VnExpress.net gửi tới 3 khách mời trong buổi phỏng vấn trực tuyến.
- Tôi xin hỏi thị trường vàng mấy ngày qua giá đảo chiều liên tục liên quan đến những yếu tố nào? (Nguyễn Minh, 26 tuổi,Nhipcaudoanhnghiep@yahoo.Com)
- Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI: Giá quốc tế trong phiên gần đây có biến động. Thường giá quốc tế biến động 40-50 USD và chủ yếu ở phiên châu Mỹ, nhưng những ngày gần đây, đặc biệt thứ sáu tuần trước và thứ hai tuần rồi, biến động phiên châu Á, khiến cho các công ty trong nước và các doanh nghiệp bất ngờ.
Mặt khác, giá trong nước cũng liên quan cung cầu, đặc biệt khả năng cung ứng hàng. Vì khi thị trường xuất hiện các yếu tố này, việc người dân thực hiện nhu cầu mua bán theo một chiều. Khi giá xuống, người ta kỳ vọng giá tốt nên đổ đi mua.
- Tôi xin hỏi điều mà bất cứ nhà đầu tư nào cũng muốn hỏi: Vàng trong nước liệu có bị " làm giá " không ? Cụ thể là giá lên xuống như ngày 23/8 (giá vượt 49 triệu rồi giảm nhanh khi có tin nhập khẩu) hoặc ngày 26/9 (trong một ngày tăng giảm hàng triệu đồng), có phải một phần do giới kinh doanh đánh vào hiệu ứng tâm lý của người dân hay không? (Nguyễn Trọng, 30 tuổi,Dautuuythac@gmail.Com)
- Ông Nguyễn Thanh Trúc, Chủ tịch Công ty Vàng Agribank (AJC): Giá vàng thế giới cũng do một số đơn vị đặt ra. Cũng như thế, ở trong nước, việc đặt giá vàng trong nước do một số ngân hàng, công ty lớn. Đây cũng có thể gọi là "làm giá" nếu như chúng ta gọi nó với ý nghĩa là thiết lập giá vàng.
Hôm 23/8 vừa rồi, có lúc thị trường lên 49 triệu đồng một lượng, đúng là chênh trên dưới 3 triệu đồng một lượng. Khi Ngân hàng Nhà Nước công bố tin nhập khẩu, thì các đơn vị buộc phải bán nhanh, vì khi vàng về chắc chắn cung sẽ nhiều hơn. Điều này tác động khiến giá ngay lập tức giảm là điều tất yếu.
Nếu chúng ta cấp giấy phép nhập khẩu vàng như hồi 2008 thì chênh lệch sẽ ít hơn hiện nay. Hồi đó Ngân hàng Nhà nước cho nhập thoải mái. Khi có lệnh nhập, chúng tôi lập tức bán vàng khiến giá hạ nhiệt ngay lập tức. Tuy nhiên gần đây việc nhập khẩu bị hạn chế, điều này cũng gây khó khăn cho việc giá vàng hạ nhiệt.
- Giá vàng trong nước cao hơn thế giới là do đâu? (Hùng Phạm, 29 tuổi,Hungpv@gmail.Com)
Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới có liên quan đến tốc độ phản ứng của Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: Hoàng Hà |
Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương: Rõ ràng là biến động những ngày qua là theo xu thế của thị trường thế giới. Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao chênh lệch giữa giá trong nước và giá thế giới mà khác biệt nhau như vậy. Có lúc dưới 400.000 đồng một lượng, nhưng cũng có lúc trên một triệu, và thậm trí là trên 4 triệu đồng một lượng. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước từng cho biết giá chênh trên 400.000 đồng một lượng là có động lực để nhập lậu vàng.
Lý do của hiện tượng này thì có nhiều, trong đó có tốc độ phản ứng của Ngân hàng Nhà nước. Độ trễ giữa hoạt động nhập vàng với nhu cầu tại từng thời điểm của nhà đầu tư, người dân, và ngay cả các nhà đầu cơ. Một lý do nữa là trên thị trường tài chính, giá tăng cao không khiến nhu cầu giảm. Điều này tạo ra hiệu ứng đẩy giá. Rồi khả năng ổn định tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (mức chênh giữa tỷ giá chính thức với thị trường tự do).
Cuối cùng, việc thị trường có bị thao túng không còn phụ thuộc lớn vào mức độ cạnh tranh và minh bạch hóa thông tin của thị trường này (kể cả trong và ngoài nước). Trong bối cảnh như vậy, phải thừa nhận rằng trong thời gian qua, cơ quan quản lý có những chậm trễ, thiếu sót nhất định.
Ông Nguyễn Thanh Trúc, Chủ tịch Công ty Vàng Agribank: Hiện nay, ngoài những nguyên nhân anh Thành vừa đề cập ở câu hỏi trước, còn có một nguyên nhân khác mang đặc thù của ngành vàng. Đó là hiện nay người dân chủ yếu đi mua vàng miếng thương hiệu SJC. Trong khi đó, Công ty SJC thì năng lực sản xuất có hạn, kèm thêm việc không có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất thêm nữa.
Phải nói rõ giá vàng quốc tế cao hơn giá trong nước ở đây là cao hơn vàng SJC. Ví dụ như trên thị trường quốc tế có thương hiệu vàng miếng ba chìa khóa của Thụy Sĩ, dù vàng nổi tiếng như thế nhưng vẫn thấp hơn giá SJC 3 đến 4 triệu đồng một lượng trong thời điểm hiện nay, đó là một điều vô lý.
- Kính gửi ông Đỗ Minh Phú, vàng SJC là đầu tàu, các công ty và các cửa hàng khác đều điều chỉnh giá mua bán dựa trên niêm yết của SJC. Việc Doji để giá cao như vậy phải chăng cũng góp phần phần đầu cơ vàng làm cho giá trong nước cao hơn và thị trường thêm căng thẳng? (Kim Loan, 28 tuổi,Kimloan250972@gmail.Com)
- Ông Đỗ Minh Phú: Trước hết phải thấy rằng, giá tại thời điểm có biến động, hầu hết các công ty đều có giá và tham khảo lẫn nhau. Nếu nói rằng làm giá, thì phải nhìn vào vấn đề các doanh nghiệp có thể nhìn nhau đặt giá. Trên thị trường có sự liên thông, nhưng lại có đặc thù giá trong nước và thế giới. Trong nước phải tự cân đối, tham khảo nhau.
Tôi không cho rằng các doanh nghiệp làm giá, nhưng nhìn nhau đặt giá thì có. Kênh duy nhất để cân đối hiện nay là nhập khẩu vàng. Như vậy, nếu thị trường biến động trong từng ngày, các doanh nghiệp không đủ khả năng tự cung cầu. Ngay cả DOJI, khi đặt giá cao cũng là cân nhắc trên thực tế, đây là giá mà khả năng thị trường quốc tế có biến động.
Độ chênh lệch và biến động của quốc tế trong ngày 26/6 là 1,4 triệu đồng. Nếu các doanh nghiệp bám sát thế giới, các doanh nghiệp có thể lỗ khi thị trường nhiều biến động. Trong thời điểm này, giá gần như chỉ mang tính tham chiếu.
- Phải chăng quota nhập khẩu không giải quyết được gì mà lại đang bị trục lợi ? Phải chăng những doanh nghiệp đã lỡ nhập với giá cao đành ngậm bồ hòn, găm hàng chờ giá lên? Phải chăng giới kinh doanh bắt tay làm giá để đẩy phần lỗ này về cho người mua? (Hoàng, 38 tuổi,Keluhanhcodoc@ymail.Com)
Nhập khẩu vàng có tác dụng tức thời. Ảnh: Hoàng Hà |
- Ông Nguyễn Thanh Trúc: Thực tế mà nói, như vậy không đúng. Giấy phép nhập khẩu có tác dụng tức thời. Thời điểm 23/8, khi có quyết định nhập khẩu thì giá vàng giảm. Giá vàng trong nước giảm trên dưới 2 triệu đồng mỗi lượng. Ngày hôm qua đến hôm nay, một số doanh nghiệp nhập khẩu thì lập tức giá SJC dù quốc tế tăng 20 đôla một ounce thì trong nước đã giảm từ 1,2 đến 1,5 triệu mỗi lượng. Khi nhập khẩu chúng tôi đã bán vàng ra.
Nếu quota kịp thời thì giải quyết được những vấn đề quan trọng. Quota nhập 5-7 ngày là hết. Bên tôi 200 kg nhập 2 ngày là hết. Hơn 1 tuần sau, nếu không nhập khẩu tiếp thì giá vàng lên xuống sẽ là cơ hội cho doạnh nghiệp trục lợi. Nếu tiếp tục cấp phép nhập khẩu thì giá vàng trong nước và thế giới sẽ xích lại gần nhau.
- Ông Võ Trí Thành: Về ngắn hạn, kịp thời cấp giấy phép nhập khẩu vàng có cái tác động tức thời như anh Trúc nói. Tuy nhiên qouta không phải là công cụ hoàn hảo. Tính uyển chuyển của nó phụ thuộc vào các yếu tố, thời điểm ra quyết định, khối lượng được phép... nên nó không hay bằng các công cụ thuế hay phí... của Nhà nước.
Đối với Việt Nam, câu chuyện về vàng còn liên quan đến tỷ giá, đồng tiền Việt Nam chưa chuyển đổi được. Như vậy dưới góc độ quản lý cần tính đến các cân đối khác như dự trữ ngoại hối... Tính toán ở Việt Nam khó hơn nên quota chỉ được coi là biện pháp ngắn hạn, cực chẳng đã mới dùng. Còn về dài hạn cùng với Nghị định quản lý Vàng sắp ra đời, chúng ta phải sử dụng nhiều biện pháp nữa, vừa đảm bảo thị trường vàng ổn định lưu thông với thế giới, vừa câu chuyện mua vàng của người dân vào ổn định kinh tế vĩ mô, gắn với năng lực của Ngân hàng Nhà nước...
- Ông Đỗ Minh Phú: Chúng tôi nhìn nhận, sử dụng quota là giải pháp hữu hiệu. Cứ hình dung đang có sốt cao, nhiếm trùng nặng, thì thuốc kháng sinh là cần thiết. Nhưng nó phụ thuộc vào hai yếu tố. Thứ nhất là các doanh nghiệp được cấp quota có mang vàng về Việt Nam được ngay hay không. Và họ phải tìm cách tốt nhất để mua giá thấp chẳng hạn. Thứ hai, ngay khi vàng nhập khẩu chỉ là vàng nguyên liệu nên chưa vào lưu thông được, còn vàng mà chúng ta đang nói chuyện, nó phụ thuộc vào máy sản xuất ra vàng.
Cứ hình dung nếu như để dập tắt đám cháy, nước có, xe cứu hỏa chưa đủ mà lái xe lại lừng khừng, thì khó mà dập được. Do đó, các doanh nghiệp phải tích cực vì mục tiêu cấp quota để đưa thị trường ổn định sớm nhất, giải tỏa cung cầu, bình ổn, nhưng bản thân doanh nghiệp nếu không nhập sớm nhất, không chuyển từ vàng nguyên liệu thành vàng thành phẩm thì mục tiêu này cũng khó đáp ứng được. Song song vào đó, tôi nghĩ bản thân các doanh nghiệp phải thực hiện mục tiêu đưa ngay vàng miếng vào lưu thông.
- Tại sao vàng miếng 3 chữ A lại rẻ hơn vàng SJC? (Ntd, 32 tuổi, Hanoi)
- Ông Nguyễn Thanh Trúc: Khi Tổng Công ty Vàng bạc đá quý Việt Nam sáp nhập về Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển NN Việt Nam, thì vàng Viet Gold Gem đã chuyển thành vàng miếng thương hiệu AAA. A ở đây cũng có nghĩa là Agribank. Thực tế, vàng AAA chất lượng vàng, tuổi vàng và trọng lượng vàng hoàn toàn giống như vàng SJC. Nhưng do việc Tổng Công ty Vàng Agribank phối hợp với Ngân hàng Nông Nghiệp Việt Nam và Công ty Vàng bạc đá quý TP HCM phối hợp làm công tác quảng cáo tiếp thị chưa mạnh nên người dân và khách hàng vẫn chưa ưa chuộng vàng miếng AAA bằng vàng miếng SJC.
Công suất sản xuất vàng miếng AAA là có dư nên khách hàng khi có nhu cầu dập vàng miếng AAA không phải chờ đợi, có thể nhận hàng ngay trong ngày hoặc ngày hôm sau nên không mất 400.000 đến 500.000 đồng tiền lãi vốn phải chờ đợi hơn 10 ngày nhu vàng SJC. Ngoài ra, Tổng Công ty Vàng Agribank Việt Nam chủ trương đặt giá vàng AAA sát với giá vàng thế giới để góp phần can thiệp bình ổn thị trường vàng Việt Nam. Chính vì vậy, giá vàng AAA mấy ngày qua thấp hơn vàng SJC từ 300.000 đến 800.000 đồng mỗi lượng.
- Cách đây hơn 2 tháng ta ồ ạt xuất khẩu với giá thấp, giờ lại phải nhập về với giá cao hơn. Khoản chênh lệch đó ai là người bị thiệt? Có phải đây cũng là một nguyên nhân khiến giá vàng trong nước tăng cao? (Nguyễn Công Thực, 35 tuổi, Congthuc691@gmail.Com)
Nhà kinh doanh kiểm soát rủi ro tốt, ít khi ôm vàng thời gian dài. Ảnh: Hoàng Hà |
- Ông Đỗ Minh Phú: Về nguyên tắc, các nhà kinh doanh có kiểm soát rủi ro tốt, ít khi họ đầu cơ ôm vàng thời gian dài. 2 tháng trước, khi giá trong nước thấp hơn. Sự chênh lệch đủ điều kiện cho doanh nghiệp có lợi khi xuất khẩu, nhất là khi thuế bằng 0%. Tại thời điểm này, giá quốc tế tăng, chúng ta lại nhập. Có thể thấy, giá thấp mua bán thấp, giá cao mua bán cao. Nếu nghĩ có lợi khi giá lên, ngược lại khi giá thấp tất cả sẽ mua. Việc giao dịch trên thế giới hiện nay vẫn bình thường, ai có nhu cầu mua sẽ có người bán, ai có nhu cầu bán sẽ có người mua, bất kể số lượng nào. Cách đây 3 năm, nếu giá cứ như thế này, người dân sẽ rất có lợi.
Ông Nguyễn Thanh Trúc: Nói chung là không ai bị thiệt cả. Việt Nam mỗi năm khai thác được 3-5 tấn, chủ yếu là nhập khẩu. Có những người mua cách đây 10 năm, trước đó mua rất rẻ, mua 1.300 đôla mỗi ounce nhưng sau đó bán ra với giá 1.600 đôla thì rõ ràng họ có lãi. Tất nhiên cũng có trường hợp lỗ nhưng câu chuyện mua cao bán thấp càng ngày càng ít đi. Có người khách hàng của tôi mua với giá 20 triệu đồng mỗi lượng nay đã bán ba mươi mấy triệu mỗi lượng tức là có lãi rồi. Bản thân người dân và nhà nước không mất. Chủ yếu ta nhập khẩu. Vàng trong dân còn khoảng 300 tấn mới chỉ xuất vài ba chục tấn nên vàng vẫn còn rất nhiều. Tôi nghĩ không có gì phải lo lắng cả.
- Ai chịu trách nhiệm về việc giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới một cách bất hợp lý? (Cauba, 35 tuổi, Cauba9999@yahoo.Com)
- Ông Võ Trí Thành: Nhiều câu hỏi trước chúng ta đã trao đổi về yếu tố đẩy giá bán trong nước lên cao và chênh lệch nhiều với thế giới. Có nhiều yếu tố như đã nói ở trên trong đó không loại trừ yếu tố liên quan đến cấu trúc thị trường, cạnh tranh và thông tin thiếu minh bạch. Do vậy nên không loại trừ yếu tố đầu cơ làm giá.
Ai chịu trách nhiệm ở đây khó nói nhưng qua các đợt biến động vào cuối 2009, 2010 và nay là 2011, Ngân hàng Nhà nước có thể rút ra được nhiều bài học hữu ích để mà đảm bảo rằng thị trường vàng cạnh tranh hơn, minh bạch hơn liên thông với thị trường thế giới. Đồng thời không làm xáo trộn các ổn định vĩ mô. Qua các cơn sóng vàng có nhiều yếu tố đặt ra. Vấn đề minh bạch cấu trúc thị trường minh bạch thông tin Nhà nước có thể làm được
Vấn đề thứ 2 thị trường trong nước thế giới cần phải liên thông. Muốn thế phải thiết lập nguyên tắc chơi, công cụ chơi giữa người chơi trong nước với bên ngoài.
Vấn đề thứ 3 rất quan trọng là phải giám sát thị trường. Vàng gắn với tỷ giá, cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối, ổn định kinh tế vĩ mô, vòng xoáy vàng gắn với đôla hóa, mất giá, lạm phát. Chính vì vậy biến động vàng có liên quan chặt chẽ với vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô.
Hy vọng Nghị định quản lý kinh doanh vàng sắp ra đời sẽ phần nào giải quyết được. Tất nhiên những vấn đề trên rất phức tạp không thể chờ vào cái hoàn hảo nhưng chúng ta không nên chờ quá lâu mới làm mà qua thực tế, gắn với các bài học đã đến lúc cần phải chuẩn bị hành trang tốt hơn.
- Tân Thống đốc NHNN có phát biểu mức chênh lệch 400 nghìn đồng/lượng vàng là đã có dấu hiệu đầu cơ, làm giá. Hiện nay chênh lệch giá lên đến 4-5 triệu; vậy ai là người đầu cơ làm giá? (Chau Nguyen, 35 tuổi,Chau.Hcxpp@yahoo.Com)
- Ông Đỗ Minh Phú: Hiện nay trên thị trường trong nước, khó đơn vị nào một mình chi phối được thị trường. Vì nếu có doanh nghiệp nào muốn làm điều này thì các doanh nghiệp khác sẵn sàng đưa đủ lượng hàng ra để cung ứng. Khả năng chi phối thị trường hiện nay không rơi được vào một đơn vị nào.
Phát biểu của tân Thông đốc về mức chênh lệch 400.000 đồng một lượng là có lý do. Thông thường thì giá quốc tế dao động trong một phiên khoảng 20 USD một ounce, tương đương với mức nói trên. Nếu doanh nghiệp nào tận dụng được mức chênh lệch này thì đã có lợi rồi. Rất ít phiên có diễn biến giảm khoảng 100 USD rồi lại quay ngoắt lại tăng 20 USD như gần đây.
Vấn đề ở Việt Nam hiện nay là lệch pha cung cầu. Khi giá xuống thấp thì đổ xô đi mua. Khi giá lên quá cao thì lại đổ xô đi bán. Khi đó, các nhà kinh doanh vàng không đủ điều kiện để bình ổn thị trường.
Khi một số doanh nghiệp nhập vàng vào mức cao ngày 23/9 là khoảng 1.800 USD một ounce, tương đương 44,5 triệu một lượng. Tại thời điểm đó, vàng chưa về đến Việt Nam, cũng chưa được đưa vào gia công sản xuất. 3 ngày sau, khi giá quốc tế giảm xuống 1.566 USD một ounce thì không doanh nghiệp nào chấp nhận được bán ra với mức lỗ 250 USD một ounce, tương đương 5 triệu đồng một lượng. Vì vậy các doanh nghiệp phải chờ đợi, kỳ vọng giá thị trường quốc tế điều chỉnh tăng lại thì mới bán ra để giảm lỗ.
- Xin hỏi ông Nguyễn Thanh Trúc rằng :Liệu trong bao lâu thì việc bình ổn giá vàng được thiết lập so với giá thế giới để người dân không phải chịu thiệt thòi một cách vô lí như vây? (Nguyễn Tân Quang, 35 tuổi,Tanquang86@gmail.Com)
- Ông Nguyễn Thanh Trúc: Trước đấy từ những năm 2000 đến 2006 thậm chí 2009, việc can thiệp thị trường có vẻ rất dễ dàng. Càng về sau sự can thiệp càng khó khăn hơn. Bây giờ rất nhiều ngân hàng lớn cũng tham gia thị trường. Nếu như từ 2006 trở về trước, sự can thiệp diễn ra rất nhanh và hiệu quả, chỉ một hai ngày là giá cả được bình ổn. Nhưng bây giờ Việc này đòi hỏi sự nỗ lực của cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước và Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam.
Quan trọng hơn, Nghị định của Chính phủ sắp tới về hoạt động kinh doanh vàng, trong đó bao gồm những quy định cụ thể đang được chờ đợi tạo ra sức mạnh can thiệp mạnh mẽ. Tôi tin rằng khi Nghị định được ban hành trong năm nay, khi cơ quan Nhà nước, các bộ ngành và các doanh nghiệp có sự phối hợp tốt tôi tin rằng từ giờ đến cuối năm mọi việc sẽ được giải quyết dễ dàng.
- Xu hướng thị trường vàng thế giới cũng như trong nước từ nay đến cuối năm sẽ diễn ra như thế nào? (Thắng, 28 tuổi, Thangktqd90@gmail.Com)
Khó có đơn vị nào chi phối được thị trường vàng. Ảnh: Hoàng Hà |
- Ông Đỗ Minh Phú: Có nhiều yếu tố của tình hình kinh tế thế giới tác động đến giá quốc tế, theo đó ảnh hưởng đến giá trong nước. Nếu gói nới lỏng QE3 đưa ra, một lượng cung tiền lớn vào thị trường, giá sẽ bứt phá, tăng lên. Đây là thời điểm kích hoạt giá tăng, vì trước đó, có gói QE1, QE2 giá cũng có xu hướng tăng rồi. Chúng tôi đồng tình quan điểm này. Phân tích kỹ thuật và phân tích cơ bản chỉ ra, vàng còn có thể điều chỉnh xuống xấp xỉ mức 1.520 USD, là giá trung bình 200 ngày. Nếu phá vỡ mức này, giá có thể xuống dưới 1.450 USD.
Nhưng hiện nay, vẫn còn nhiều yếu tố hỗ trợ, trong dài hạn giá có thể tăng, và tăng trở lại vào cuối năm nay, nếu tăng có thể vượt mức đã từng cao nhất là 1.928 USD. Từ đây thấy rằng, giá biến động từng thời điểm chứ không chỉ tăng về mặt dài hạn sẽ tăng, nhưng không có nghĩa là chỉ có tăng mà không có giảm tại những thời điểm nhất định. Hiện nay, giá vàng trong nước quy đổi cao hơn nhiều so với thế giới, nên người đầu tư cần cẩn thận, tránh tình trạng bị thua lỗ khi giá trong nước tiệm cận với giá vàng thế giới.
Ông Nguyễn Thanh Trúc: Tôi nhất trí với quan điểm của anh Phú. Xu thế chung, từ giờ đến cuối năm giá vàng thế giới sẽ tăng là chính. Tuy nhiên, có những lúc có thể điều chỉnh giảm.Tuy nhiên, Thời điểm này giá vàng đang là lúc vàng xuống thấp trong năm và tôi cho rằng đây là cơ hội tốt để mua.
- Cháu nghe những người kinh doanh vàng nói là từ bây giờ đến cuối năm vàng sẽ tăng đến 50 triệu đồng/lượng. Vậy thông tin đó có chính xác không ạ? (Nguyễn Thị Thùy, 30 tuổi, Nthithuy@savills.Com.Vn)
- Ông Nguyễn Thanh Trúc: Khả năng đó là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, diễn biến giá vàng là cực kỳ phức tạp, có thể có thời điểm lên tới 50 triệu đồng mỗi lượng nhưng cũng có thời điểm giảm xuống 40 triệu đồng mỗi lượng.
- Tôi cần vàng để trả nợ vào tháng 12/2011, có nên mua trong thời điểm này? (Nguyễn Thanh Thủy, 36 tuổi, Nguyenthanhthuy2206@yahoo.Com)
- Ông Đỗ Minh Phú: Thông thường, vào thời điểm tháng 12 là lúc cần phải tất toán, đóng sổ kinh doanh của các công ty trên thế giới. Hơn nữa, trước kỳ nghỉ lễ giáng sinh, các quỹ vàng đều có hiện tượng kết sổ. Do đó, giá vàng có khuynh hướng biến động thường là sẽ giảm. Tuy nhiên, có rất nhiều các yếu tố chi phối đến giá vàng mà hiện nay chưa ai có thể dự đoán và kiểm soát được: Vấn đề nợ công châu Âu, nền kinh tế Mỹ chưa thực sự hồi phục, khả năng vỡ nợ của một số nước, bất ổn chính trị, nhu cầu mua vàng vật chất của các nước châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc... cuối năm còn tăng cao vì vậy còn tác động kích thích vào giá vàng.
Nếu như bạn cần phải trả nợ thì thời điểm giá vàng trong nước đạt ở mức 42 triệu đồng một lượng là lúc khá hợp lý, xét về góc độ các yếu tố tiềm ẩn rủi ro và khung giá biến động trong khoảng thời gian 2 tháng gần đây cũng như trong tương lai 2 tháng sắp tới.
- Tôi có tiền nhàn rỗi muốn đầu tư, vậy có nên đầu tư vàng vào thời điểm này khi mà giá đang biến động? (Tran Kieu, 36 tuổi, Thuykieuhs@yahoo.Com)
Đầu tư vào vàng là rất mạo hiểm. Ảnh: Hoàng Hà |
- Ông Nguyễn Thanh Trúc: Việc đầu tư vào kinh doanh vàng là hết sức mạo hiểm. Vì giá vàng trong một vài năm gần đây có biến động rất phức tạp với biên độ rất lớn. Như vừa qua, có lúc vàng tăng giảm tới gần 200 đôla mỗi ounce trong một vài ngày. Nên theo tôi, muốn đầu tư vào vàng đòi hỏi bạn phải cập nhật thông tin về thị trường vàng, ngoại tệ, và biến động kinh tế thế giới thường xuyên và phải kịp thời phải từng giờ từng phút.
Nhiều lúc chỉ sao nhãng khoảng 30 phút thì giá vàng đã thay đổi tăng giảm đến 30-40 đôla mỗi ounce (tương đương tới khoảng gần 1 triệu đồng mỗi lượng). Vì vậy, bạn muốn đầu tư vào vàng thì phải tìm hiểu rất kỹ về thị trường trong nước quốc tế và phải có tư vấn tốt về việc phòng ngừa rủi ro đối với kinh doanh vàng thì mới đầu tư.
- Ông Võ Trí Thành: Tôi nghĩ là ở đây bạn không muốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh mà đầu tư theo danh mục vàng đôla hay cổ phiếu. Tôi chỉ nói thế này, quyết định đầu tư vào đâu phụ thuộc hoàn toàn vào bạn, mức độ dám chấp nhận của bạn đến đâu. Bên cạnh đó, khả năng phán đoán, phân tích, tiếp nhận thông tin thế nào... nó phụ thuộc vàolựa chọn của bạn....
Tuy nhiên, theo tôi cũng có "nguyên tắc" nhất định để cho bạn lựa chọn danh mục đầu tư cho mình. Nguyên tắc thứ nhất: Như tôi trả lời ở trên, bạn phải có sự đánh giá biến động phải có nền tảng lập luận thế nào vàng tăng, vàng giảm. Nhớ một điều trong thế giới của tài sản tài chính, cái giá thường rất gắn với đầu cơ của các nhà đầu tư lớn, quỹ... Và như vậy, xu thế ấy thường phản ánh xu thế dài hạn nhưng biến động ngắn hạn, bạn phải nhìn cách chơi của những người chơi lớn để biết quan sát khả năng làm giá của họ. Cái này thì không dễ, rũi ro nằm ở đấy.
Nguyên tắc 2: Khi chuyển đổi từ tài sản này sang một loại tài sản khác phải nhìn 2 yếu tố: khả năng sinh lợi hay lợi tức của mỗi loại tài sản. Hai là phí chuyển dịch tài sản ấy. Ví dụ chuyển từ đô sang đồng, đồng sang đô, bạn nhìn vào lãi suất tiền đồng, tiền đô và mức độ mất giá đến đâu của tiền đồng so với tiền đô để bạn chọn và lấy cái gì có lợi hơn. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, lợi tức ấy không có sẵn thì rõ ràng phải gắn với câu chuyện thu hút thông tin, phân tích, phán đoán.. vai trò của chuyên gia tư vấn rất quan trọng...
Nguyên tắc thức 3: Bạn phải nhớ rằng lợi tức chỉ là một vế để lựa chọn danh mục đầu tư. Yếu tố không kém phần quan trọng nữa là yếu tố thanh khoản. Cái này gắn với nhu cầu thanh khoản của bạn. Ví dụ bạn giữ bất động sản giá thị trường tăng và rất hấp dẫn về khía cạnh sinh lời, nhưng tính thanh khoản thường thấp vì bán nhà không dễ.
- Các chuyên gia có lời khuyên như thế nào đối với người dân đang có nhu cầu mua vàng tích trữ? (Nguyễn Thanh Thủy, 29 tuổi,Nguyenthanhthuy2206@yahoo.Com)
- Ông Đỗ Minh Phú: Tại thời điểm hiện tại, giá trong nước chênh lệch quá xa so với quốc tế. Đây là điều bất lợi cho những người muốn đầu tư. Song hiện tượng này sẽ sớm chấm dứt khi có sự can thiệp của các chính sách từ Ngân hàng Nhà nước. Với khả năng duy trì tỷ giá ổn định và việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cấp quota nhập vàng thì khoảng cách sẽ trở lại bình thường. Theo tôi, khoảng cách này sẽ dao động từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng mỗi lượng. Tôi nghĩ thời điểm này, những người có nhu cầu đầu tư không phải là có lợi vì độ chênh lệch lớn nhưng cũng cần chú ý giá quốc tế hiện đang dao động mức thấp cũng kích thích cho giới đầu tư mua vàng ở vùng giá thấp, cho nên giá có thể quay ngược trở lại.
- Ông Nguyễn Thanh Trúc: Mua vàng thì rất tốt nhưng phải chọn thời điểm mua, không nên mua những lúc giá cao gần đỉnh lại đua nhau đi mua mà phải thường xuyên theo dõi cập nhật thông tin giá vàng, và chờ những thời điểm giá vàng thấp được coi là những đáy trong năm mới mua thì đảm bảo được giá trị, có lợi nhuận.
- Tôi không rành về lĩnh vực vàng, trước tôi có mua ở thời điểm 47,55. Giờ giá giảm xuống hơn 44, tôi rất phân vân có nên mua vàng vào thời điểm này không? Khi tôi thấy ở ngân hàng mọi người thi nhau rút tiền về mua vàng. Mong được sự tư vấn giúp đỡ. (Nguyen Nga, 29 tuổi,Mrs.Nga.Hanoi@gmail.Com)
- Ông Nguyễn Thanh Trúc: Nếu bạn có nhu cầu mua vàng thì thời điểm này là thời điểm giá thấp, và bạn có thể mua một phần trong tổng số vàng mà bạn định mua. Còn số vàng bạn mua với giá 47,55 tôi cho rằng bạn cũng không nên lo lắng nhiều vì quy luật giá vàng xuống như hiện nay sau đó vài ba tuần tới sẽ lên lại.
- Thưa ông Phú, cá nhân ông có cho rằng vàng sẽ về lại mốc 1200oz/usd không ? (Nguyễn Trọng, 30 tuổi, Dautuuythac@gmail.Com)
- Ông Đỗ Minh Phú: Khi giá vàng giảm trong khoảng thời gian ngắn xuống dưới mức 35-40% thường được coi là hiện tượng "vỡ bong bóng". Giá vàng đã ở mức cao nhất là 1.928 USD một ounce, nếu xuống 1.200 USD nghĩa là thị trường lao dốc, gây ra tình trạng bán tháo và "bong bóng" vàng bị nổ tung. Với các yếu tố hỗ trợ cho vàng hiện nay trên thế giới, vàng vẫn còn giữ độ lấp lánh của nó, cho nên rớt xuống 1.200 USD là điều khó xảy ra trong tương lai gần.
- Những giải pháp nào có thể giúp khắc phục những bất ổn trên thị trường vàng hiện nay? Chúng ta có nên bỏ quota nhập khẩu vàng không? (Huỳnh Thế Quốc, 20 tuổi, Huynhthequoc@gmail.Com)
- Ông Võ Trí Thành: Như tối đã nói câu chuyện vàng không chỉ là chuyện vàng, đầu tư vàng, kinh doanh vàng, thị trường vàng mà nó gắn với 3 câu chuyện. Thứ nhất tạm gọi là hoàn chỉnh hơn nội tại thị trường vàng trong nước: cấu trúc thị trường, cạnh tranh, minh bạch hóa thông tin. Cái mà tôi mong muốn trong quản lý thị trường vàng là: thứ nhất thừa nhận quyền sở hữu vàng của người dân.
Thứ 2 các trò chơi, công cụ chơi trên thị trường vàng phải theo nguyên tắc thị trường. Thứ 3: Ai là người được kinh doanh vàng đảm bảo cấu trúc thị trường. Rõ ràng ở đây vai trò của Ngân hàng Nhà nước rất quan trọng nhưng chúng ta phải có đủ người chơi (các công ty có đủ điều kiện nhất định). Một biện pháp cũng nên xem xét hạn chế đầu cơ trong nước như mua vàng phải chịu thuế VAT nhưng nếu bán cho Nhà nước lại không phải đóng thuế.
Cái thứ 2 làm cho thị trường trong nước liên thông với thế giới. Cái này không phải đơn giản vì tiền VN là đồng tiền chưa chuyển đổi. Ta lấy tình huống nếu giá vàng thế giới cứ tăng VN cứ bỏ tiền đôla ra nhập trong khi dự trữ ngoại hối mỏng rất dễ gây ra những bất ổn. Hiện nay có rất nhiều kiến nghị giải pháp tạo ra liên thông này. Ví dụ huy động vàng trong nước hoán đổi qua vay ngoại tệ bên ngoài... Bên cạnh đó cũng có kiến nghị xem xét quota bằng thuế, phí nhập khẩu.
Cái thứ 3: Hiện nay đa số ý kiến đồng tình vàng trong dân còn nhiều làm sao huy động được vàng đầu tư, sản xuất kinh doanh làm cho nền kinh tế phát triển; tăng dự trữ ngoại hối; huy động và sử dụng như một nguồn lực bình ổn thị trường khi cần thiết. Đây chính là câu chuyện gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, gắn với mở cửa chu chuyển vốn giữa trong nước và ngoài nước, gắn với việc dần đưa đồng tiền Việt Nam chuyển đổi đầy đủ.
Ngân hàng Nhà nước cần sử dụng quota một cách uyển chuyển. Ảnh: Hoàng Hà |
- Ông Đỗ Minh Phú: Tôi nghĩ, trước mắt, để có thể giải quyết bất ổn, cần một số giải pháp sau: Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước cần chủ động sử dụng công cụ quota một cách uyển chuyển và hợp lý về khối lượng, thời gian cho phép nhập khẩu. Thứ hai, cần có những biện pháp và sự phối hợp để đơn vị sản xuất, gia công vàng miếng là công ty vàng bạc đá quý SJC- Sài Gòn sản xuất, gia công nhanh nhất đối với số lượng được nhập về, tránh tình trạng bị "khê đọng" vàng nguyên liệu của các đơn vị nhập khẩu. Thứ ba, cần có sự kiểm tra giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước đối với các đơn vị tổ chức, kinh doanh vàng, chống việc chi phối một cách tiêu cực với thị trường vàng hiện nay.
Về mặt lâu dài, trước hết, cần ổn định tỷ giá ngoại tệ, kiểm soát chặt chẽ thị trường "chợ đen". Đây là điều kiện then chốt để giá vàng không bị biến động đột ngột gây ra những hệ lụy khó lường. Tiếp theo, cần sớm ban hành Nghị định của Chính phủ về quản lý vàng mà thị trường và xã hội đang chờ đợi. Nghị định này sẽ là hành lang pháp lý định hướng cho thị trường không chỉ trong giai đoạn trước mắt mà phải bảo đảm trong một thời gian dài giúp thị trường vàng phát triển lành mạnh và ổn định. Thứ ba, cần xây dựng đề án huy động vàng trong dân mang tính khả thi và kiểm soát rủi ro chặt chẽ khi Ngân hàng Nhà nước nắm giữ (vay) một lượng vàng rất lớn từ dân cư.
Nếu giải phóng được nguồn lực này, nền kinh tế sẽ có một lượng vốn khổng lồ, Ngân hàng Nhà nước có trong tay số lượng vàng rất lớn để sử dụng điều tiết, bình ổn thị trường. Tuy nhiên, sẽ xuất hiện các yếu tố rủi ro khi huy động vàng từ dân để đưa vào lưu thông. Do đó, cần tính đến các biện pháp phòng ngừa rủi ro, xây dựng đội ngũ kỹ thuật để thực hiện nhiệm vụ này.
Tiếp theo, sớm nới lỏng và cho phép các hoạt động, nghiệp vụ kỹ thuật phòng ngừa rủi ro đối với kinh doanh vàng vật chất hiện nay. Đó là kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài, sử dụng các công cụ phái sinh, quyền chọn hoán đổi giúp các đơn vị kinh doanh có công cụ phòng ngừa rủi ro hữu hiệu đồng thời giảm bớt lệ thuộc bởi một phương thức kinh doanh duy nhất là vàng vật chất mà cần phải sử dụng cả các hình thức phi vật chất đã khá phổ biến trên thế giới. Cuối cùng, thị trường vàng cần được vận hành và tổ chức theo quy luật của thị trường, giảm bớt các can thiệp hành chính. Một trong những yếu tố đó là phải xử lý vấn đề thương hiệu độc quyền chiếm tới 90% thị trường trong nước hiện nay.
- Ông Nguyễn Thanh Trúc: Nên dùng thuế xuất nhập khẩu để điều tiết thị trường vàng. Thực tế, hầu hết các nước trên thế giới hiện nay không còn chế độ cấp quota nhập khẩu vàng mà họ chỉ điều tiết bằng thuế xuất nhập khẩu. Do vàng có giá trị rất lớn và tỷ lệ lợi nhuận trên vốn rất thấp (trên dưới 1%), nên các nước hiện nay chỉ duy trì mức thuế xuất nhập khẩu đối với vàng vật chất (miếng, hạt...) dao động từ 0 đến 1%. Nếu để mức thuế cao quá (trên 2%) thì các doanh nghiệp xuất nhập chính thức sẽ không thực hiện được mà khuyến khích hiện tượng xuất nhập lậu vàng. Nhất là Việt Nam chúng ta có đường biên giới là đường bộ rất dài nên việc xuất nhập lậu vàng dễ xảy ra.
- Các chuyên gia có thể so sánh vàng, chứng khoán và bất động sản trong thời điểm này cái nào lợi nhất. Hay là gửi tiền tiết kiệm tiền đồng? (Trần Văn Tiến, 28 tuổi, Tienvn@yahoo.Com.Vn)
- Ông Võ Trí Thành: Thị trường bất động sản Việt Nam gắn chặt với các yếu tố vĩ mô, mà hiện nay rõ ràng là bị thắt chặt. Bất động sản cũng chứa đựng nhiều rủi ro và liên quan đến hệ thống ngân hàng. Do vậy rất khó để bừng nở trong ngắn hạn. Do đó, nếu nghĩ rằng dùng bất động sản để lướt sóng thì không đúng. Nhưng sẽ không tồi nếu để dành cho dài hạn hoặc nhu cầu thiết yếu.
Chứng khoán cũng phụ thuộc vào ổn định vĩ mô. Tôi từng nói cuối tháng 8, đầu tháng 9 sẽ le lói. Vừa qua ta đã thấy một đợt sóng nhỏ rồi. Xác suất mà nói sự đồng lòng ổn định trong thời gian gần đây đã cao hơn, bớt lẫn lộn hơn. Đầy là điểm phục hồi cho thị trường chứng khoán. Nếu ổn định được thì vốn nước ngoài có thể quay lại, tạo xu thế mới.
Hiện nay đầu tư dài hạn cũng đang hấp dẫn nhưng hứng khởi như 2007 sẽ khôgn có. Thời kỳ tăng trưởng nhờ đồng tiền dễ dãi qua rồi. Còn giữ tiền thì đã rõ. Ngân hàng Nhà nước tuyên bố không phá giá từ nay đến cuối năm quá 1%. Chênh lệch với thị trường tự do cũng không quá 10%. Với chênh lệch lãi suất hiện nay thì thì gửi tiền đồng 3 tháng sẽ có lợi hơn.
- Ông Đỗ Minh Phú: Trước hết, nói về bất động sản, tôi nghĩ thời điểm này, rất ít cơ hội để sinh lời vì toàn thị trường bị đóng băng, cung nhiều cầu ít, vốn tín dụng bị thắt. các doanh nghiệp bất động sản đang trong tình trạng không có vốn để hoàn thiện đưa sản phẩm ra thị trường. Cho nên cơ hội để đầu tư bất động sản kiếm lời trong thời điểm 1-2 năm tới ít xuất hiện.
Về chứng khoán, tôi nghĩ rằng, thị trường chứng khoán đang xuống dưới vùng giá rất thấp. Tuy vậy, các nhà đầu tư mất đi niềm lạc quan, tin cậy vào thị trường. Trong tình trạng nguồn vốn "bơm" vào thị trường chứng khoán nhỏ giọt, Chính phủ đã có chỉ đạo không cho phép các tổng công ty Nhà nước tham gia vào thị trường. Những đơn vị đầu tư phải thoái vốn, vốn ngoại chưa trở lại, vốn nội eo hẹp, thiếu tính minh bạch. Các công ty kinh doanh dù có kết quả tốt vẫn gây tâm lý bất an cho nhà đầu tư. Do đó, sẽ không có nhiều người đầu tư vào thị trường này vào thời điểm hiện nay.
Hai thị trường chứng khoán và bất động sản phụ thuộc vào yếu tố vĩ mô, một trong những vấn đề then chốt là nới lỏng tín dụng. Nhưng với quyết tâm của Chính phủ là kiềm chế lạm phát, kiểm soát tiền tệ chặt chẽ, hai kênh đầu tư này sẽ khó có thể bứt phá được. Còn với vàng, có khả nhiều rủi ro, tuy vậy cũng còn nhiều cơ hội. Về ngắn hạn, kênh đầu tư này, nếu người đầu tư đoán đúng xu thế, cân đối lợi nhuận hợp lý, kiểm soát rủi ro trong khuôn khổ, sẽ vấn thu được lợi nhuận. Về dài hạn, giá vàng vẫn được đánh giá sẽ tăng cao. Tuy nhiên, không nên cho rằng giá chỉ có tăng mà không giảm, cứ đầu tư vàng là sẽ thu lợi nhuận.
Ông Nguyễn Thanh Trúc: Lĩnh vực đầu tư nào cũng có rủi ro nhưng bên cạnh đó là cơ hội sinh lợi nhuận. Nếu bạn có trình độ, có khả năng, có duyên, và có bạn kinh doanh ở lĩnh vực nào thì bạn nên cân nhắc để đầu tư vào lĩnh vực đó. Còn nếu bạn chưa đủ tự tin để đầu tư vào chứng khoán, vàng, bất động sản thì bạn nên gửi tiền vào ngân hàng để hưỡng lãi vì hiện nay lãi suất VND vẫn được ngân hàng huy động với lãi suất tương đối cao.
- Bác Đỗ Minh Phú nói "...Vì vậy các doanh nghiệp phải chờ đợi, kỳ vọng giá thị trường quốc tế điều chỉnh tăng lại thì mới bán ra để giảm lỗ." như ở trên. Vậy vô hình dung nhà nước đang dung túng cho doanh nghiệp đầu cơ làm giá hay sao? (Thanh Trung, 35 tuổi, Đà Nẵng)
- Ông Đỗ Minh Phú: Ở đây các doanh nghiệp không đầu cơ để có lợi nhuận mà là để giảm lỗ.
- Tôi thấy Chính phủ ra nhiều biện pháp để kìm hãm giá vàng ,tránh làm giá ở trong nước nhưng vẫn chưa có hiệu quả nhiều. Liệu các biện pháp vừa qua đã sát với thực tế thị trường vàng chưa? (Phạm Sơn Hà, 33 tuổi,Ha.Pham74@yahoo.Com.Vn)
Điều tiết thị trường vàng không đơn giản. Ảnh: Hoàng Hà |
- Ông Võ Trí Thành: Như tôi đã trả lời ở trên. Câu chuyện điều tiết thị trường vàng không đơn giản, bản thân nó là một thị trường tài chính đầy biến động, gắn các yếu tố trong nước với yếu tố bên ngoài. Đồng thời, đây không chỉ là câu chuyện của nội tại thị trường mà gắn với rất nhiều biến số. Nhìn những vấn đề đặt ra mà tôi đã trả lời ở trên thì rõ ràng Ngân hàng Nhà nước mới đang cố gắng đi những bước đầu tiên trong điều tiết, bình ổn thị trường vàng. Còn rất nhiều việc phải làm và đó cũng là trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có liên quan.
- Cho tôi hỏi 3 vị, trong tình hình hiện nay các vị đứng về phía lợi ích người dân hay lợi ích của doanh nghiệp các ngài. (Sơn Nam, 34 tuổi, Ho chi minh)
- Ông Nguyễn Thanh Trúc: Không thể đứng về một phía nào cả mà phải vì lợi ích hài hòa của cả doanh nghiệp, người dân và khách hàng. Nếu doanh nghiệp nào đó không quan tâm đến lợi ích của khách hàng, người dân thì sớm muốn doanh nghiệp sẽ bị người dân và khách hàng tẩy chay.
- Ông Võ Trí Thành: Câu trả lời của tôi là: Nhà nước phải giữ vai trò đảm bảo rằng thị trường vàng là đảm bảo minh bạch, cạnh tranh, đảm bảo quyền sở hữu của người dân, đảm bảo quyền giao dịch của người dân (có thể gắn với các công cụ được quy định chơi trên thị trường và mang tính thị trường), chứ không phải đảm bảo mua là thắng, đầu tư là được.
Nhà nước ơ đây có vai trò quan trọng gắn thị trường vàng với ổn định kinh tế vĩ mô. Chính ổn định kinh tế vĩ mô là đảm bảo quyền lợi của cả nền kinh tế, trong đó có người dân, doanh nghiệp, trách nhiệm của Nhà nước ở đây là quyết định.
- Ông Đỗ Minh Phú: Trước hết, các doanh nghiệp kinh doanh vàng hiện nay không được Nhà nước giao nhiệm vụ kiểm soát thị trường vàng và không được cung cấp đầy đủ các điều kiện để có thể can thiệp, chi phối, bình ổn giá vàng. Vì vậy, để bảo đảm thực hiện việc giá trong nước sát với thế giới và người dân không bị thiệt hại, thì giá vàng trong nước cần được liên thông một cách toàn diện, đầy đủ với quốc tế.
Chỉ khi giải quyết được điều này, các nhà đầu tư mới không bị thiệt thòi. Các doanh nghiệp trong kinh doanh mặc dù có mục tiêu lợi nhuận, nhưng chúng tôi không đặt quyền lợi của doanh nghiệp lên trên quyền lợi của người tiêu dùng một cách vô lý. Chúng tôi vẫn mong muốn trong kinh doanh vàng, thực hiện được hài hòa lợi ích của ba bên: Lợi ích của khách hàng (người dân)- Lợi ích doanh nghiệp- Lợi ích Nhà nước.
- Tại sao thời gian qua chúng ta lại phải cố gắng bình ổn giá vàng khi mà các hoạt động kinh doanh, nhập khẩu hàng hoá đều không cần đến vàng, người dân đi chợ cũng không cần (Dau Anh Thanh, 31 tuổi, Atdau@talisman-energy.Com)
- Ông Nguyễn Thanh Trúc: Thực tế hiện nay người dân Việt Nam và các nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ... vẫn rất ưa chuộng vàng. Tài sản tích trữ chính của họ, nhất là những người ở nông thôn, chủ yếu là cất trữ vàng. Thậm chí kể cả ngân hàng trung ương của các quốc gia hiện nay cũng đang tăng dữ trữ ngoại hối bằng vàng, nhất là giai đoạn này khi Mỹ, châu Âu in và phát hành rất nhiều đồng đôla, Euro. Điều này làm cho, mặc dù đồng đôla và Euro là ngoại tệ mạnh nhưng mất giá rất nhiều. Chính vì vậy, người dân, nhà đầu tư và các quốc gia trong giai đoạn hiện nay có nhu cầu mua và tích trữ vàng rất lớn. Đây là lý do người dân đi chợ không cần vàng nhưng chúng ta cần bình ổn giá vàng.
- Ông Võ Trí Thành: Ý nghĩa của vàng trong tương lai xa không còn nhiều với kinh tế thực. Tuy nhiên, thực tế vàng hiện nay có giá trị theo nghĩa tài sản tài chính lớn. Huy động nguồn lực này để sản xuất là rất quan trọng. Do có thanh khoản cao nên nhiều Ngân hàng trung ương coi vàng là dự trữ ngoại hối. Chúng ta cũng không nên bỏ phí hàng trăm tấn vàng trong dân.
Tuy nhiên, cần nhớ rằng thị trường vàng biến động tổn thương ổn định kinh tế vĩ mô, đến tăng trưởng nên bên cạnh điều tiết nội tại, phải gắn nó với ổn định vĩ mô là đơn giản. Nói vui như hồi năm 80, khi giá vàng ở đỉnh cao, có nhà tiên tri đã cá cược và thắng cược rằng giá sẽ giảm vào đầu những năm 90. Hiên nay nhiều người đang nói về việc vàng chắc chắn sẽ giảm mạnh trong tương lai dài. Tôi nghĩ là khoảng từ... 20 - 25 năm.
Vàng trong nước bỏ xa thế giới gây khủng hoảng niềm tin. Ảnh: Hoàng Hà |
- Ông Đỗ Minh Phú: Tôi nghĩ, một khi giá vàng trong nước biến động, bỏ xa giá thế giới, là điều bất lợi không chỉ cho người tiêu dùng, mà còn gây tâm lý xấu đối với thị trường, dẫn đến hệ lụy là khủng hoảng niềm tin. Vì vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước đều mong muốn giá vàng cũng cần phải được bình ổn. Vàng hiện nay không chỉ đơn thuần là hàng hóa mà còn mang yếu tố, tính chất của tiền tệ.
Mặc dù giá vàng không còn được tính trong rổ hàng hóa, nhưng nếu giá ổn định là điều mong muốn của cơ quan quản lý Nhà nước, người dân và cả đối với doanh nghiệp. Từ thực tế kinh doanh, với thị phần lớn, mạng lưới phân phối rộng, Tập đoàn DOJI cho rằng, thị trường ổn định, giá mua bán hợp lý là điều kiện tốt cho một thị trường lành mạnh và tránh được những rủi ro, thua lỗ đối với doanh nghiệp.
- Theo các ông, Nhà nước có nên có chế tài để ổn định giá vàng như kiểu ổn định lãi suất ngân hàng ? Đơn cử như biện pháp đơn vị nào bán chênh với giá thế giới 500.000đ sẽ bị phạt, hoặc thu giấy phép kinh doanh (Minh Cung, 36 tuổi, Cungdhv@yahoo.Com)
- Ông Nguyễn Thanh Trúc: Lãi suất huy động VND, ngoại tệ thì Chính phủ và ngân hàng Nhà nước VN có thể quy định được. Nhưng giá vàng thì phụ thuộc chủ yếu vào giá vàng quốc tế nên Nhà nước Việt Nam không thể có chế tài để ổn định như lãi suất ngân hàng.
- Ông Võ Trí Thành: Như chúng ta đã trao đổi từ đầu làm cho thị trường vàng minh bạch, rõ ràng, ổn định vĩ mô nên không thể ấn định được. Có chuyên gia rất lỗi lạc từng kiến nghị xem xét lại chế độ bản vị vàng như từng đã có trước năm 1972, tức là cố định giá một ounce vàng bằng bao nhiêu đôla và đã thất bại.
Như vậy có thể nói không thể có một chế độ ổn định đối với vàng được. Lý do thứ nhất: các nước đều muốn có quyền hành với đồng tiền của mình. Nếu gắn với chính sách bản vị vàng thì quyền nó không thuộc về ai cả. Thứ 2: Thế giới hiện nay phức tạp hơn nhiều yển chuyển linh hoạt, bất định, rủi ro một trong những cái đó là tài sản tài chính đã trở lên quá lớn (nhiều thông tin, nhiều nguồn cho rằng rằng nó lớn gấp 6 lần GDP của thế giới, với rất nhiều công cụ sáng tạo tài chính mới. trong một thế giới như vậy với nhiều quốc gia vẫn còn tồn tại thì chế độ bản vị vàng càng có nguy cơ gây bất ổn hơn.
Vấn đề đặt ra để ổn định tài chính thế giới hiện nay là giám sát các định chế tài chính, giám sát chu chuyern vốn toàn cầu, minh bạch hóa chính sách vĩ mo, phối hợp về tài chính tiền tệ, đây chính là những ý tưởng bắt đầu sau cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua sau cuộc họp G20 vừa rồi.
- Ông Đỗ Minh Phú: Trước hết, vàng không phải là mặt hàng thiết yếu giống như xăng dầu để Nhà nước có thể kiểm soát, thậm chí hỗ trợ giá. Nếu áp dụng các chế tài để can thiệp vào giá vàng là điều không thể, vì giá trên thế giới biến động rất lớn. Tuy nhiên, giá vàng trong nước cần phải được liên thông với giá thế giới.
Ở đây là giá vàng thương phẩm (vàng miếng) chứ không phải giá vàng nguyên liệu. Vì vậy, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ còn có nhiều công cụ: Quota, dự trữ vàng miếng thương phẩm để can thiệp thị trường. Phải cần thiết xây dựng hệ thống giá vàng miếng trên thị trường, trên cơ sở có sự thống nhất giữa các doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn có thị phần phân phối cao dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước. Điều này sẽ chấm dứt được tình trạng "loạn" giá, chi phối làm giá phương hại đến quyền lợi người tiêu dùng, gây méo mó thị trường đã xảy ra như hiện nay.
- Tôi thấy hiện nay các Doanh nghiệp kinh doanh vàng đang được hưởng chênh lệch giá quá lớn, dù biết họ phải bù chi phí về chênh lệch tỷ giá, các chi phí vận chuyển. Các vị nghĩ sao đến việc nên đánh thuế thật cao đối với các DN kinh doanh vàng? (Nguyen Thuy Nga, 33 tuổi,Dang76phuong@yahoo.Com)
Doanh nghiệp vàng cũng gặp rủi ro rất lớn. Ảnh: Hoàng Hà |
- Ông Nguyễn Thanh Trúc: Mọi người chỉ biết tại thời điểm giá vàng chênh lệch lớn nhưng không biết rằng nhiều doanh nghiệp đã gặp rủi ro rất lớn trong kinh doanh vàng. Khi giá vàng biến động lên xuống với biên độ rất lớn hàng trăm đôla mỗi ounce thì doanh nghiệp gặp rất nhiều rủi ro. Như doanh nghiệp vàng Tuấn Tài tại TP HCM đã thua lỗ đến 300 tỷ đồng vào năm ngoái và nhiều doanh nghiệp khác thua lỗ hàng chục tỷ đồng. Nếu đánh thuế cao thì sẽ dẫn đến tình trạng xuất nhập lậu như tôi đã trả lời một độc giả trước đó.
- Kính gửi ông Đỗ Minh Phú: xin ông cho biết trong 2 ngày qua giá vàng có chiều hướng đi xuống xu hướng của người dân là bán nhiều hơn mua (theo thống kê của tập đoàn DOJI trên trang vnexpress). Vậy tại sao cửa hàng bán vàng của Doji tại Hà nội lại thu tiền của khách mua vàng rôì viết giấy hẹn lại đến ngày hôm sau mới trả vàng (rất mất công cho khách phải đi lại nhiều lần) (Doan Thi Oanh, 28 tuổi, Trung hoa nhan chinh)
- Ông Đỗ Minh Phú: Trong hệ thống của chúng tôi luôn có đủ lượng vàng để cung ứng. Trung bình mỗi ngày, số vàng bán ra trên thị trường đều từ 3.000 đến 5.000 lượng, thậm chí có ngày đạt xấp xỉ 10.000 lượng. Nếu hiện tượng như bạn nói đã xảy ra, thì tôi nghĩ có thể là việc chuyển vàng đến các địa điểm kinh doanh chưa kịp thời mà thôi. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, chúng tôi cũng cần rút kinh nghiệm, không để tình trạng này tái diễn, gây phiền cho khách hàng.
- VN có nên mở lại sàn vàng để không bị các tổ chức KD vàng làm giá không? Theo tôi được biết có rất nhiều người tham gia giao dịch sàn vàng quốc tế. (Vu Quang, 36 tuổi, Vuquang123@gmail.Com)
- Ông Nguyễn Thanh Trúc: Hiện nay, hầu hết các nước trên thế giới đều có tổ chức các trung tâm giao dịch hoặc, sở giao dịch hoặc sàn giao dịch vàng để tạo điều kiện cho người dân nhà đầu tư có thể không cần phải mua vàng vật chất để phải bỏ ra một lượng tiền lớn rất lớn. Khi mua vàng trên tài khoản ở sàn vàng (Sở giao dịch vàng) họ chỉ cần bỏ ra 10% vốn để đặt cọc. Khi cần vàng vật chất (miếng, hạt) thì người dân mới phải bỏ nốt 90% tiền còn lại để thanh toán nốt và nhận vàng vật chất.
Nếu nhà nước tổ chức, quản lý tốt các trung tâm giao dịch vàng, sở giao dịch vàng tư vấn tốt cho nhà đầu tư, người dân để tránh rủi ro do biến động phức tạp của giá vàng thì lượng vốn đầu tư vào vàng sẽ giảm đi từ 80-90% và lượng vàng vật chất xuất nhập khẩu mua bán tại thị trường trong nước cũng giảm đi chỉ còn 20-30%.
- Ông Võ Trí Thành: Việt Nam cần sàn vàng để thị trường minh bạch hơn cũng như liên thông với thế giới. Vấn đề là khả năng giám sát của Nhà nước cần gắn với mở rộng dần công cụ giao dịch, đầu tư. Về nguyên tắc là Nhà nước phải là "chủ trò", nhưng phải gắn với các đại lý, người chơi... và dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước.
- Kính thưa TS.Võ Trí Thành, theo ông việc đầu tư vàng của các nhà đầu tư cá nhân trong thời gian tới có nên đưa vào diện bị hạn chế hoặc được đưa vào Luật để kiểm soát hay không? (Nguyễn Văn Diên, 36 tuổi,Nvdien2005@gmail.Com)
- Ông Võ Trí Thành: Cái này tôi đã trả lời rồi về nguyên tắc Nhà nước phải đảm bảo quyền sở hữu của dân. Theo nhiều dự báo trong dân còn nhiều tấn vàng, có thể lên tới nghìn tấn nên Nhà nước phải đảm bảo quyền giao dịch của người dân. Vấn đề là Nhà nước cần giám sát đưa ra chính sách đảm bảo minh bạch để đảm bảo các quyền trên. Qua đó vừa đảm bảo tính minh bạch của thị trường và vừa đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.
Như tôi đã nói Nhà nước đã có những bước đi ban đầu và tôi hy vọng các văn bản luật sắp ra đời sẽ hoàn thiện hơn quản lý tốt thị trường vàng.
- Thị trường vàng loạn giá, có thể ảnh hưởng lớn tới kinh tế vĩ mô. Nên chăng có biện pháp quản lý mạnh tay hơn nữa đối với hoạt động mua bán vàng trong dân? Nhà nước cũng có thể áp thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân mua bán vàng hoặc thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp kinh doanh vàng tương tự như cách tính thuế đối với hoạt động mua bán bất động sản? (Vo Thi Minh Thu, 36 tuổi, Vtmthu@vn.Petrosin.Com)
- Ông Võ Trí Thành: Đầu tiên ta thấy là cán cân thanh toán quốc tế. Ví dụ giá vàng tăng, đặc biệt trong bối cảnh giá trong nước cao hơn thế giới thì sẽ khuyến khích nhập vàng, trong đó có nhập lậu. Đôla trở nên khan hiếm, tỷ giá đẩy lên. Đi kèm với đó là lạm phát.
Kênh thứ 2 là tiền đôla bị ra ngoài để nhập vàng là của Nhà nước nhưng vàng thu về lại lan tỏa trong dân. Điều này rất dễ tạo nguy cơ dự trữ ngoại tệ mỏng đi.
Do buôn lậu vàng nên chúng ta cũng không có thống kê tốt về cán cân thanh toán. Lựa chọn chính sách có thể không chuẩn. Năm 2009, sai số và bỏ sót trong thống kê cán cân thanh toán lên tới hơn 12 tỷ USD. 2010, con số này có giảm xuống nhưng vẫn trên dưới 4 tỷ USD .
Cuối cùng, nguy cơ con thuộc vào tâm lý người dân. Dù không có trong rổ hàng hóa tính CPI nên người ta cứ thấy giá vàng thì tăng té nước theo mưa. Chưa nói nếu giám sát không tốt, giá vàng còn gây rủi ro đến cả hệ thống tài chính ngân hàng.
- Xin cảm ơn những câu trả lời của ông Nguyễn Thanh Trúc! Tôi muốn ông nói rõ hơn và có hướng để giá vàng Việt Nam tiếp cận sát với giá vàng thế giới. Mấy ngày qua Agribank đã làm được nhưng chưa nhiều, chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân khi mà giá vàng trong nước vẫn cao hơn nhiều so với giá vàng thế giới? (Trần Đình Tiến, 32 tuổi, Thành phố Bắc Ninh)
- Ông Nguyễn Thanh Trúc: Thứ nhất Nhà nước nên sớm ban hành Nghị định quy định quản lý hoạt động kinh doanh vàng và phải có sự phối hợp tốt giữa các bộ ngành với các doanh nghiệp kinh doang vàng và Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam để triển khai thực hiện Nghị định nêu trên và xây dựng một chế độ thuế hợp lý đối với xuất nhập khẩu vàng và chế độ cấp giấy phép xuất nhập khẩu vàng phù hợp, thuận tiện thì hiện tượng làm giá lũng đoạn thị trường vàng sẽ giảm đi rất nhiều.
Bên cạnh đó, người dân khách hàng không nên quá mê muội với chỉ một thương hiệu vàng nào đó, nên biết lựa chọn có thể thương hiệu SJC hay AAA hay các thương hiệu khác chất lượng vàng, trọng lượng vàng đều như nhau.
- Xin hỏi Ông Võ Trí Thành: Nên có biện pháp gì để chống hiện tượng vàng hóa và giữ tỷ giá ở mức ổn định? (Ngô Ngọc Hùng, 35 tuổi,Hungngo8383@yahoo.Com)
- Ông Võ Trí Thành: Do thời gian có hạn, tôi chỉ trả lời ngắn gọn như thế này: Câu chuyện vàng hóa, đôla hóa ở nhiều nước trong đó có Việt Nam có một nguyên nhân cơ bản là bất ổn vĩ mô, lạm phát cao, đồng tiền mất giá, lòng tin vào nội tệ thấp nên người ta tìm cách trú ẩn vào các đồng tiền mạnh.
Vàng hóa và đôla hóa cũng có ý nghĩa tích cực làm cho tiết kiệm không bị suy giảm nhưng có một cái dở là hạn chê hiệu lực của chính sách tiền tệ, anh không thể kiểm soát được cung tiền vừa là phương tiện thanh toán vừa là phương tiện tích trữ nên nó rất dễ gây ra rủi ro cho hệ thống ngân hàng.
Như vậy muốn giảm được vàng hóa tỷ giá biến động vừa phải thì điều đầu tiên giữ lạm phát ở mức thấp ổn định vĩ mô.
Thứ 2 ở những nước trong đó có VN người dân đã trải nghiệm những bất ổn vĩ mô lạm phát nên nhiều nghiên cứu chỉ ra sức ì lạm phát ở VN rất dài. Cho nên để kéo được lạm phát xuống thấp và ổn định vĩ mô cần kiên định và quyết tâm cao, và cần có thông điệp rõ ràng.
- Các ông nghĩ gì về ý tưởng Nhà nước đứng ra huy động vàng trong dân? (Minh Đức, 42 tuổi, Cotatthanh@yahoo.Com.Vn)
- Ông Đỗ Minh Phú: Việc huy động vàng trong dân là việc rất nên làm, và rất cần làm. Chúng ta đều biết rằng, số vàng đang nằm "gối đầu" trong dân lên tới 400-500 tấn, tương ứng gần 30 tỷ USD. Trước đây, các tổ chức tín dụng huy động vàng chỉ để cho vay hoặc bán để chuyển sang tiền đồng phục vụ cho nhu cầu tín dụng. Vấn đề này cũng sẽ gặp những rủi ro cho chính bản thân các ngân hàng thương mại khi giá biến động cao hơn nhiều so với lãi suất cho vay.
Nếu Ngân hàng Nhà nước đứng ra huy động vàng của dân thì sẽ thực hiện được các mục tiêu: Thứ nhất, tăng dự trữ quốc gia bằng vàng, tuy vậy "cái giá" phải trả là lãi vay cho người dân. Thứ hai, một phần lượng vàng huy động trong dân có thể là tài sản bảo đảm để vay được nguồn vốn giá rẻ trên thị trường quốc tế mà nền kinh tế đang rất cần. Tiếp theo, nếu chuyển một phần số vàng này ra tiền đồng để "bơm" vốn cho thị trường là việc có lợi. Có thể vấn đề này sẽ gặp rủi ro khi giá vàng tăng cao và khi người dân rút vàng ra ở một thời điểm không thể biết trước, nhưng nếu sử dụng cân đối trên tài khoản nước ngoài (hedging) để mua lại số vàng đã chuyển đổi thì có thể kiểm soát hoàn toàn được rủi ro.
Ông Nguyễn Thanh Trúc: đó là việc làm rất tốt, lợi ích đầu tiên là cho người dân vì nếu họ cất trữ vàng trong nhà rất nguy hiểm dễ mất của và nguy hiểm đến tính mạng. Nếu gửi vàng tiết kiệm người dân còn được lãi. Nhà nước thì huy động được nguồn vốn ngoại tệ rất lớn (tối thiểu là 23 tỷ đôla) để tăng giữ trữ ngoại hối và đầu tư phát triển nền kinh tế. Bởi vì thực tế hiện nay chúng ta đang thiếu nguồn vốn ngoại tệ.
- Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW có những đề xuất gì với Chính phủ để việc kinh doanh vàng ổn định và được giao dịch bình thường như các loại hàng hóa khác theo nhu cầu của người dân nhưng cũng loại bỏ được (hoặc phần lớn) tính đầu cơ tích trữ trong dân? (Lưu Anh Sơn, 28 tuổi,Las06.Asco@gmail.Com)
- Ông Võ Trí Thành: Đề án giảm dần, giảm thiểu vàng hóa, đôla hóa đang được Ngân hàng Nhà nước đang có nghiên cứu. CIEM có nhiều kiến nghị đến ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát trong đề án này. Chúng tôi hy vọng tiếp tục có thêm trao đổi với NHNH liên quan đến điều tiết thị trường vàng. Kể cả nghị định quản lý vàng nói trên.
- Ông Thành có nói Ngân hàng Nhà nước mới đang đi những bước đầu tiên để điều tiết bình ổn thị trường vàng. Vậy theo ông những bước tiếp theo cần phải làm sẽ là gì? (Nguyễn Anh Quân, 45 tuổi, Bạch Mai, Hà Nội)
- Ông Võ Trí Thành: Cái này tôi cũng đã trả lời ở trên tức là liên quan đến 3 vấn đề mà Nhà nước phải tính toán xem xét, suy nghĩ và thực hiện. Một là hoàn thiện và phát triển thị trường vàng trong nước (cấu trúc thị trường, cạnh tranh minh bạch, công cụ giao dịch đầu tư...). Hai là: Vấn đề liên thông giữa thị trương trong nước và quốc tế: Ba là: Giám sát thị trường vàng góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.
Nhìn vào 3 vấn đề kể trên thì thấy Nhà nước còn rất nhiều vấn đề phải làm.
- Xin hỏi Ông Phú và Ông Trúc: Là giám đốc của 2 doanh nghiệp lớn, các Ông có ý định tạo dựng các sản phẩm để cùng tham gia thị trường, cạnh tranh tốt với vàng miếng SJC hay không? Nếu vẫn còn tình trạng như thế này thì người dân khó có thể có được một giá vàng hợp lý. (Nam Việt, 60 tuổi, GoldenWell@gmail.Com)
- Ông Nguyễn Thanh Trúc: Tháng 11/2004, khi Agribank Việt Nam phát hành vàng miếng AAA thay cho vàng miếng Việt GoldGem của Tổng công ty vàng bạc đá quý Việt Nam trước đây (Tháng 7/2003 sáp nhập về Agribank) là để cho người dân khách hàng có thêm một thương hiệu vàng miếng để lựa chọn và thực tế chất lượng vàng miếng AAA (tuổi vàng, trọng lượng vàng hoàn toàn giống vàng miếng SJC).
Vì vậy, với tư cách là người đứng đầu của Tổng công ty vàng Agribank Việt Nam, tôi đảm bảo với người dân, khách hàng, nhà đầu tư về chất lượng của vàng miếng AAA. Người dân, khách hàng không nên quá lệ thuộc vào vàng miếng SJC để phải chịu giá đắt hơn lên tới 1-3 triệu đồng mỗi lượng mà thay vào đó là bạn có thể chọn vàng miếng AAA.
- Ông Đỗ Minh Phú: Thị trường vàng chỉ có thể phát triển lành mạnh khi nó vận hành theo cơ chế thị trường dưới sự quản lý của Nhà nước. Đã là thị trường thì phải có sự cạnh tranh, và sự cạnh tranh này sẽ có lợi cho người tiêu dùng mà thôi. Bài học thành công về giá trên thị trường viễn thông khi phá thế độc quyền trong khi đó người tiêu dùng đang than phiền về sự độc quyền của các doanh nghiệp xăng dầu, đó là vấn đề chúng ta phải xem xét, suy tính. Một thị trường mà sản phẩm chi phối tới 95% thì rõ ràng không còn là thị trường cạnh tranh nữa mà là thị trường độc quyền.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận một cách khách quan, thương hiệu vàng miếng SJC là một sự cố gắng rất lớn, là công sức, mồ hôi nước mắt của công ty vàng bạc đá quý SJC- Sài Gòn. Thương hiệu này được người tiêu dùng tín nhiệm do chất lượng, hàm lượng vàng luôn bảo đảm, cho nên có tính thanh khoản cao nhất trên thị trường hiện nay. Việc độc quyền thương hiệu hình thành do lịch sử và yếu tố tự nhiên. Tuy nhiên, nếu kéo dài tình trạng này, sẽ đến một lúc, độc quyền thương hiệu của doanh nghiệp sẽ dẫn đến độc quyền trên thị trường và mất đi tính cạnh tranh.
- Cần có kiểm toán kiểm tra rà soát doanh nghiệp vàng như các doanh nghiệp xăng dầu không? (Luu Gu, 21 tuổi, So 1 Hoàng Diêu)
- Ông Võ Trí Thành: Yêu cầu minh bạch hóa về cơ bản là bắt buộc với mọi doanh nghiệp. Kinh doanh vàng về nguyên tắc không có ngoại lệ. Tôi nghĩ cần kiểm toán bởi đây phải chỉ là phương tiện để phát hiện sai sót mà còn giúp minh bạch hóa sản xuất, minh bạch hóa thị trường. Đằng sau đó, có thể còn là các suy nghĩ về hoàn thiện chính sách, chẳng hạn tại sao doanh nghiệp cứ lẩn tránh chính sách này, chính sách kia. Kiểm toán có thể tìm ra.
- Gửi ông Thành, nói một cách khách quan thì việc việc để NHNN quản lý vàng thì có phải là ôm rơm nặng bụng và bóp nghẹt ngành kinh doanh vàng hay không? Đã có bài toán về số học cụ thể chi tiết cho việc này chưa? (Tuấn Phương, 35 tuổi, Khương Thượng - Đ Đ - HN)
- Ông Võ Trí Thành: Vấn đề bạn hiểu quản lý ở đây là như thế nào. Tôi thì không thích dùng từ quản lý mà thích dùng từ điều tiết và giám sát nó nhẹ nhàng hơn. Nghĩa là ngay cả hoạt động giao dịch cũng phải mang tính thị trường. Thị trường vàng mang tính đặc thù bởi vì nó rất rủi ro và rất dễ gây bất ổn vĩ mô. Do vậy, vai trò giám sát của Nhà nước rất quan trọng. Như tôi đã nói thị trường nó chịu tác động bởi nhiều yếu tố bên ngoài, có cả đầu cơ... nên càng cần tăng cường giám sát. Chúng ta phải học và xem xét diễn biến thị trường, mở dần công cụ chơi đi đôi với năng lực giám sát của Nhà nước.