Để hạn chế tối đa tình trạng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu bị nhiễm vi sinh khi vào Việt Nam, từ ngày 20/8, doanh nghiệp (DN) bắt buộc phải lưu hàng tại cảng để cơ quan thú y lấy mẫu kiểm nghiệm.
Đây là biện pháp được cơ quan thú y đưa ra sau khi có hàng loạt DN nhập khẩu thực phẩm đông lạnh trong nước bị phát hiện hàng bị nhiễm vi sinh.
Hàng có bị nhiễm vi sinh hay không , DN đều lao đao vì phí lưu kho quá cao. (Ảnh: Ca Hảo) |
Tuy nhiên, đại diện của Công ty Intimex Bình Dương cho biết, giải pháp này không khả thi, bởi chi phí lưu kho mỗi lô hàng tại cảng là 150 USD/ngày, trong khi đó để hoàn tất thủ tục thông quan và có kết quả của cơ quan thú y, DN phải mất ngót một tuần.
Nếu suôn sẻ, chi phí cho khoản lưu kho khoảng 20 triệu đồng, còn trong trường hợp xấu nhất, hàng bị nhiễm vi sinh, buộc phải tái xuất, thời gian sẽ được kéo ra gần 1 tháng. Như thế, DN sẽ bị mất cả trăm triệu đồng cho mỗi lô hàng, đó là chưa kể đến khả năng hàng bị hao hụt vì hư hỏng.
Với hàng ướp lạnh ở nhiệt độ âm 1 - 20C, chi phí còn cao hơn. Theo DN tư nhân Hảo, hàng ướp lạnh được vận chuyển bằng đường hàng không, trong khi đó sân bay Tân Sân Nhất lại không có kho lạnh chuyên dùng cho loại hàng này. Do đó, việc bảo quản rất khó khăn.
Tuy nhiên, DN này cho rằng, nếu có kho chuyên dùng, DN cũng không dám thuê, bởi hiện chi phí lưu hàng ở ngoài đã ngốn gần 1 triệu đồng/giờ. Nếu để vài ngày tại Tân Sân Nhất chờ cơ quan thú y lấy mẫu đi kiểm nghiệm, e là không DN nào chịu nổi.
Trong trường hợp hàng bị nhiễm vi sinh, DN phải tái xuất hàng về nước xuất khẩu, chuyển đổi mục đích ử dụng hoặc tiêu hủy và tự chịu chi phí. Với quy định này, DN sẽ không được phép chiếu xạ những lô hàng bị nhiễm vi sinh như trước đây.
Theo ông Kelvin Thơ, Giám đốc một DN trong lĩnh vực môi giới xuất nhập khẩu hàng nông sản, nếu không cho phép chiếu xạ hàng nhiễm vi sinh, có nghĩa là cơ quan thú y “đẩy” DN vào thế khó. Bởi, hàng từ Brazil và Mỹ khi đã xuất thì không có cơ hội quay trở lại.
Ông Kelvin cho biết thêm, tất cả hàng thực phẩm đông lạnh của những nước này khi xuất khẩu đều có kèm các loại giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.
“Nếu không cho chiếu xạ, DN sẽ không còn đường sống, bởi khi nhập hàng về, phía đối tác buộc ta phải ứng trước 20% giá trị mỗi lô hàng. Nếu trả hàng lại, DN sẽ mất đứt khoản tiền này.”, ông Kelvin nói.
Ông Kelvin cho biết, hiện khoảng 100 container của các DN đang trên đường về Việt Nam, nhưng trước việc cơ quan thú y bắt DN phải lưu hàng tại cảng để chờ kiểm dịch, những DN này đều muốn… mất 20% ứng trước, còn hơn mất thêm cả tỷ đồng cho mỗi lô hàng vì phí lưu kho.
Theo quy định, hàng bị nhiễm vi sinh sẽ không được chiếu xạ mà phải chuyển đổi mục đích sử dụng, thành thức ăn gia súc. Tuy nhiên, ông Kelvin cho rằng, hiện ở Việt Nam chưa có công nghệ chế biến thức ăn gia súc từ hàng thực phẩm đông lạnh.
“Như vậy, khả năng tái xuất hàng về nước xuất khẩu thất bại đến 90%. Có nghĩa là hàng nhập khẩu bị nhiễm vi sinh chỉ còn cách cho cá sấu ăn, nếu không được chiếu xạ!?” - ông Kelvin nói.
-
Ca Hảo