Cục trưởng Cục Quản lý Giá Bộ Tài chính - Nguyễn Tiến Thỏa cho hay ngân sách Nhà nước đã chi 2.100 tỷ đồng cho vay với lãi suất 0% để giúp doanh nghiệp bình ổn giá hàng hóa trong dịp Tết.
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, quy luật hằng năm cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của quý I thường cao hơn so với 3 quý còn lại của năm. Trong quý I năm nay, CPI của tháng 1 tăng 1,36%, tháng 2 dự báo tăng khoảng 2-2,2% và tháng 3 (sau Tết) sẽ tăng dưới 1%.
Nhu cầu mua sắm Tết dự báo tăng 20-30% trong dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Hoàng Hà. |
Để giữ được tốc độ tăng giá không cao và phấn đấu giảm hơn mức dự báo trên, ông Thỏa cho rằng các biện pháp bình ổn giá vẫn phải thực hiện rất quyết liệt như bảo đảm đủ hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng; hỗ trợ vốn từ ngân sách với lãi suất 0% cho các doanh nghiệp chủ lực kinh doanh hàng hóa tiêu dùng thiết yếu để bán hàng thấp hơn giá thị trường 5%-10%; kiểm soát chặt chẽ các phương án giá hàng hóa dịch vụ chi từ nguồn ngân sách Nhà nước; tăng cường hơn việc thực hiện đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá…
Theo ông Thỏa, danh sách các doanh nghiệp được vay vốn lãi suất 0% để kinh doanh hàng hóa phục vụ Tết sẽ được Sở Tài chính các tỉnh công bố theo các tiêu chí được lựa chọn. Các doanh nghiệp đó phải chịu sự giám sát của các Sở Tài chính về cam kết sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, có hiệu quả và phải bán hàng hóa dịch vụ với giá thấp hơn giá thị trường 5%-10% đối với các loại như lương thực, thịt, đường, bánh kẹo, rau quả…
"Chúng tôi nhận được báo cáo của 28 Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo công tác chuẩn bị đảm bảo đủ hàng hóa dịch vụ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết tăng khoảng 20%-30%", ông Thỏa nói.
Trong đó, ngân sách nhà nước chi khoảng 2.100 tỷ đồng cho các doanh nghiệp vay không lãi suất để dự trữ hàng hóa phục vụ Tết. Đồng thời áp dụng các biện pháp bình ổn giá khác như kiểm soát các phương án giá, thành lập các đoàn kiểm tra niêm yết giá…