DỰ KIẾN ÁP THUẾ MÔI TRƯỜNG VÀO 5 LOẠI HÀNG HÓA

DỰ KIẾN ÁP THUẾ MÔI TRƯỜNG VÀO 5 LOẠI HÀNG HÓA

Góp ý vào dự thảo Luật thuế môi trường, các đại biểu thống nhất về việc cần thiết ban hành Luật, song có nhiều ý kiến khác nhau về một số vấn đề như thuế đánh vào người sản xuất hay người tiêu dùng, sự khác nhau giữa thuế môi trường và phí môi trường..

    Chiều 15/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật thuế môi trường. Quá trình phát triển nền kinh tế đã làm phát sinh những yếu tố tác động tiêu cực đến môi trường, dẫn đến ô nhiễm nghiêm trọng, sự phát triển bền vững đang bị đe dọa.

Thuế đánh vào sản phẩm gây ô nhiễm khi sử dụng

Theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trình bày, việc ban hành và thực thi chính sách về bảo vệ môi trường ở nước ta còn nhiều bất cập, các quy định về phí môi trường hiện hành (phí đối với nước thải, chất thải rắn, khai thác khoáng sản, phí xăng dầu), mới chỉ dừng lại ở mục tiêu huy động đóng góp một phần của những đối tượng xả thải hỗ trợ làm sạch thêm môi trường.

Trong các sắc thuế có liên quan như Thuế tiêu thụ đặc biệt, Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thuế xuất nhập khẩu, mục tiêu bảo vệ môi trường chỉ là mục tiêu lồng ghép, không phải là yêu cầu chính.

Vẫn theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, việc ban hành Luật này sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, khuyến khích phát triển kinh tế đi liền với giảm ô nhiễm môi trường; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của toàn xã hội, góp phần thay đổi nhận thức của nhân dân trong sản xuất và tiêu dùng; tăng cường quản lý Nhà nước và thực hiện cam kết của Chính phủ với cộng đồng quốc tế và động viên hợp lý đóng góp của xã hội với vấn đề môi trường hiện nay.

Việc thu thuế phải tính đến sự hài hòa với phát triển kinh tế, đảm bảo năng lực cạnh tranh và xuất khẩu của hàng hóa; đồng thời phân biệt rõ thuế môi trường đánh vào sản phẩm gây ô nhiễm khi sử dụng và phí bảo vệ môi trường đánh vào nguồn gây ô nhiễm khi sản xuất.

Theo đó, dự kiến các sản phẩm và hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế môi trường gồm: xăng dầu các loại, than, môi chất làm sạch chứa dung dịch hydro-clo-flo-carbon (HCFC – một tác nhân chính làm thủng tầng ozon), túi nhựa xốp (túi nilon), thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng.

Dự thảo Luật cũng đưa ra một số hàng hóa, sản phẩm không chịu thuế môi trường  như hàng hóa vận chuyển quá cảnh hoặc chuyển khẩu qua biên giới Việt Nam; hàng tạm nhập tái xuất trong thời hạn theo quy định; hàng hóa do cơ sở sản xuất trực tiếp xuất khẩu hoặc ủy thác cho cơ sở kinh doanh xuất khẩu để xuất khẩu.

Rạch ròi giữa “thuế và phí”

Góp ý cho dự thảo Luật, GS. Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội phân tích: Cần làm rõ nội hàm khái niệm thuế đánh vào sản phẩm, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường hay thuế đánh vào quy trình sản xuất gây ô nhiễm môi trường.

Cũng như vậy, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, cần phân biệt rõ ràng, thuế đánh vào nhà sản xuất hay tiêu dùng. Cụ thể, như xăng dầu các loại là đánh vào người tiêu dùng chứ không phải người sản xuất, như vậy có làm tăng giá xăng dầu trong nước và thành gánh nặng cho người tiêu dùng hay không?

 “Tôi cho rằng, nếu đã thu thuế môi trường rồi thì không thu phí nữa”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền kiến nghị.

Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Tài chính Ngân sách nhận xét, có sự khác nhau về tính chất giữa thuế môi trường và phí môi trường. Nếu thuế được thu vào sản phẩm gây tác động xấu về môi trường khi sử dụng thì phí đánh vào nguồn gây ô nhiễm khi sản xuất. Vì vậy, vẫn phải áp dụng cả phí môi trường và thuế môi trường ở những công đoạn khác nhau, đối tượng khác nhau.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cũng cho rằng, dự thảo Luật đã quy định rõ ràng, phí đánh vào người sản xuất, thuế đánh vào người sử dụng.

Dự kiến, dự thảo Luật này sẽ được các đại biểu Quốc hội thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khóa XII tới đây.

Biểu khung thuế môi trường dự kiến

(Nguồn: Dự thảo Luật thuế môi trường)

STT

Hàng hoá

Đơn vị

Mức thuế (đồng/1 đơn vị hàng hoá)

I

Xăng dầu

Lít

 

1

Xăng các loại

Lít

1.000 – 4.000

2

Nhiên liệu bay

Lít

1.000 – 3.000

3

Dầu diesel

Lít

500 – 2.000

4

Dầu hoả

Lít

300 – 2.000

5

Dầu mazut

Lít

300 – 2.000

II

Than

Tấn

6.000 – 30.000

III

Dung dịch HCFC

Kg

1.000 – 5.000

IV

Túi nhựa xốp

Kg

20.000 – 30.000

V

Thuốc bảo vệ thực vật hạn chế sử dụng

Kg

 

1

Thuốc sử dụng trong nông nghiệp

Kg

500 – 5.000

2

Thuốc trừ mối

Kg

1.000 – 5.000

3

Thuốc bảo quản lâm sản

Kg

1.000 – 5.000

4

Thuốc khử trùng kho

Kg

1.000 – 5.000