Festival Huế 2010: 2 năm dồn lại 9 ngày

Festival Huế 2010: 2 năm dồn lại 9 ngày

     Sau chín ngày đêm hội hè tưng bừng, huy động một lượng lớn nhân lực và tiền bạc, Festival Huế 2010 đã khép lại với nhiều cảm xúc còn đầy ắp trong lòng người chơi hội lẫn người làm hội.

 

Rất đông du khách và công chúng xem Lê Cát Trọng Lý biểu diễn tại cung Trường Sanh tối 12-6.

Những nghệ sĩ trẻ này góp phần làm Festival Huế 2010 trẻ trung và tươi mới hơn

Huế sẽ trở lại nhịp sống bình lặng của mình để suy ngẫm về những được mất từ cuộc chơi lớn này, nhằm tiếp tục hành trình tiến đến một “festival city” - thành phố lễ hội của Việt Nam.

Mới hơn và trẻ hơn

Festival Huế 2010 là một Huế trẻ trung trên nền cổ kính, một Huế năng động hội nhập với thời cuộc; để cho công chúng và du khách tiếp cận Huế một cách gần gũi chứ không chỉ là một sự hoài niệm. Đó là mục tiêu mà ban tổ chức đặt ra từ đầu cho Festival Huế 2010. Và đến lúc này, theo ông Nguyễn Duy Hiền - phó thường trực ban tổ chức, mục tiêu đó “đã đạt được một phần so với mong muốn” khi Festival Huế 2010 trở nên “thân thiện hơn, trẻ hơn và mới hơn”.

Thật vậy, các đoàn trong và ngoài nước đã chọn chương trình mới để đưa đến Huế; ngay cả các nghệ sĩ từng đến Huế qua các festival trước cũng tự làm mới mình. Vẫn ca Huế, quan họ, ca trù, nhưng được trình diễn bằng giọng ca của những nghệ sĩ trẻ. Các nghệ sĩ quốc tế cũng hầu hết trẻ trung.

Tạo sản phẩm mới cho du lịch Huế

Một số chương trình của Festival Huế 2010 nên tiếp tục duy trì để tạo sản phẩm mới cho du lịch Huế. Du khách tham quan cảnh đêm ở hồ Tịnh Tâm, vườn ngự uyển của vua Nguyễn một thời, sau đó xem “Hơi thở của nước” - một câu chuyện tình kể bằng ca Huế, quan họ, ca trù trên sân khấu chìm dưới mặt nước sẽ là một tuyến du lịch hấp dẫn.

Chợ quê ngày hội ở làng Thanh Thủy Chánh sau bốn kỳ festival vẫn hấp dẫn du khách, nên duy trì mỗi tháng một phiên, nhưng phải có sự trợ giúp tư vấn của các chuyên gia văn hóa, du lịch để hạn chế mặt trái của nó. Phố đi bộ bên bờ nam sông Hương tiếp tục chứng minh sự cần thiết của nó, nếu giao cho doanh nghiệp và người dân thực hiện, trước mắt nên hoạt động mỗi cuối tuần.

Tour du lịch nhà vườn “Khám phá nghệ thuật sống” của người Huế rất đông khách từ Festival Huế 2002 nhưng đã bị bỏ quên sau đó, đáng được đầu tư để duy trì.

Kiến trúc sư trẻ Hồ Huy đến từ Quảng Trị tỏ ra ấn tượng đặc biệt với hai gương mặt trẻ của âm nhạc đương đại Việt, đó là Phó An My với Tiếng thốt trên cây đàn piano mang âm điệu tuồng cổ và Lê Cát Trọng Lý với những đêm hát đầy ngẫu hứng. Anh nói: “Vừa rời khỏi vườn Cơ Hạ với giai điệu Trịnh Công Sơn trong không gian huyền ảo, đã bắt gặp âm thanh sôi động của nghệ sĩ Paco Renteria. Tay guitar người Mexico này đã làm cho đêm hè xứ Huế náo nhiệt và tràn trề sức sống”.

Có thể nói đây là lần đầu tiên văn hóa của năm châu lục có mặt cùng lúc ở Việt Nam. Huế cũng phát tiết nhiều giá trị, vẻ đẹp của mình để đón khách. Hơn 50 chương trình nghệ thuật của hàng trăm nghệ sĩ chuyên nghiệp, 15 lễ hội lớn nhỏ, hơn 40 cuộc triển lãm và hàng chục hoạt động hưởng ứng của các họa sĩ, sinh viên, nghệ nhân, dân chúng đã diễn ra khắp phố thị đến làng quê.

Một đại tiệc văn hóa đầy ắp “của ngon vật lạ” hấp dẫn du khách, đặc biệt là giới hoạt động văn hóa nghệ thuật trong cả nước dường như đều tề tựu. Với khán giả, có những “bữa tiệc nghệ thuật” mà họ chỉ có dịp thưởng thức khi đến Festival Huế, đó cũng chính là lý do mà ông Trần Thế Dũng - phó giám đốc Công ty du lịch Thế Hệ Trẻ (TP.HCM) - cho biết du khách của ông rất thích đến dự festival.

Vẫn là một “bữa tiệc buffet”

Trả lời câu hỏi “Gặt hái được gì từ festival?”, ở góc độ du lịch ông Phan Tiến Dũng, giám đốc Sở VH-TT&DL Thừa Thiên - Huế, cho biết tính đến ngày 12-6 đã có hơn 120.000 khách đến dự Festival Huế 2010, trong đó hơn 91.000 khách nội địa và gần 29.000 khách quốc tế, tăng khoảng 30% so với festival 2008.

Tuy nhiên, đó chỉ là hiệu quả tức thời, mà một hoạt động lớn như festival Huế thì không thể tính đến sự gặt hái nhanh như vậy. Theo ông Dũng, cái được lớn nhất là quảng bá một cách hiệu quả hình ảnh của Huế với du khách trong nước và quốc tế.

Nỗ lực làm mới festival Huế của ban tổ chức đã được nhìn thấy từ các chương trình và các nghệ sĩ đến Huế. Nhưng cách tổ chức Festival Huế 2010 vẫn không khác gì các mùa hội trước. Vẫn là một “bữa tiệc buffet” hàng trăm món tràn ngập trong khoảng thời gian chín ngày đêm, hàng chục món dọn ra cùng lúc khiến thực khách chưa ăn đã thấy no, chọn món này thì mất món kia. Cũng vì vậy, có một số món ngon nhưng ít người dùng, rất đáng tiếc. Truyền thông cũng nhanh chóng bão hòa thông tin, rất lãng phí về mặt thông tin và dĩ nhiên hiệu quả quảng bá cũng bị ảnh hưởng. Có vẻ như Huế phải dành dụm suốt hai năm để dồn lại chín ngày festival.

Nhiều ý kiến cho rằng festival Huế nên tổ chức rải ra suốt năm, mỗi tháng vài ngày, một lần vài món, mùa nào thức đó, với những món đặc sản của Huế và bạn bè các nơi mang đến. Chẳng hạn, tháng 2 (dương lịch) làm festival Nguyên đán, tháng 3 là festival của giới trẻ, tháng 5 festival Phật giáo (nhằm ngày Phật đản), tháng 6 festival đầm phá Tam Giang, tháng 7 festival biển, tháng 11 festival mưa Huế, tháng 12 festival Giáng sinh...

Và festival di tích, festival nhà vườn, festival ca Huế... Như thế thì quanh năm suốt tháng đều có hội hè, hấp dẫn du khách, người Huế mới thật sự làm du lịch chuyên nghiệp. Và như thế Huế mới thật sự là TP festival.

Người dân phải là chủ thể của festival

 

Chương trình Hơi thở của nước (diễn ra các đêm 6, 9 và 11-6) do Công ty Vẻ Đẹp Việt bỏ kinh phí thực hiện, được đánh giá là một trong những chương trình đặc sắc nhất của Festival Huế 2010

Trong những ngày festival, chúng tôi đã nghe nhiều công chức, nghệ sĩ và người dân Huế nói rằng họ cần biết những khoản thu chi của festival. Theo họ, để tổ chức một lúc hàng loạt hoạt động lớn thì khoản chi cho Festival Huế chắc hẳn rất lớn và đều từ nguồn tiền đóng thuế của dân. Theo thông tin riêng của chúng tôi, chỉ riêng bốn lễ hội - thao diễn thủy binh, hành trình mở cõi, khai mạc và bế mạc - đã tiêu tốn hơn 15 tỉ đồng - đó là một con số không nhỏ.

Mặc dù ông Nguyễn Duy Hiền cho biết ở Festival Huế 2010 việc xã hội hóa đã được mở rộng, người dân vẫn mong muốn festival Huế phải thoát khỏi cơ chế bao cấp. Nhà nước chỉ chi tiền để trả lương cho bộ máy quản lý festival, mọi việc còn lại hãy giao cho doanh nghiệp và người dân thực hiện. Chỉ khi người dân bỏ công sức tiền của ra để làm họ mới thật sự là chủ thể của festival Huế và lễ hội mới thật sự có sức sống