Giá gạo thế giới tăng liên tục

Giá gạo thế giới đã tăng liên tục trong gần một tuần qua, nhu cầu về gạo trên thế giới cũng đang ở mức cao kỷ lục. Bên cạnh đó, một số nước xuất khẩu gạo lớn đã quyết định hạn chế xuất khẩu nhằm đảm bảo nhu cầu trong nước và bình ổn giá.

Trước tình hình này, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ suy dinh dưỡng đối với người châu Á.

Trên các sàn giao dịch điện tử ở Ủy ban Thương mại Chicago (Mỹ), giá gạo tăng 5,1% trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần qua. Giá gạo hạt dài của Mỹ (được dùng làm giá chuẩn trên thế giới) đã tăng khoảng 70% kể từ đầu năm tới nay.

Giá gạo Thái Lan và Ấn Độ cũng tăng tương tự. Thêm vào đó, giá các mặt hàng lương thực khác như lúa mì, ngô và đậu tương cũng tăng mạnh do nhu cầu ngày càng lớn trên thế giới. Là nước sản xuất gạo lớn thứ sáu thế giới, nhưng Myanmar đang phải khắc phục hậu quả nặng nề của "siêu bão" Nargis...

Thực tế này đã khiến nhiều nước đẩy nhanh tìm kiếm nguồn cung gạo. Các nhà phân tích cho rằng việc Malaysia ngày 8/5 thông báo mua 500.000 tấn gạo từ Thái Lan đã đẩy giá gạo thế giới lên cao thêm.

Chuyên gia John Casey thuộc "Founders Commodities" ở Chicago nhận xét rằng thị trường gạo thế giới đang phải đối phó với những vấn đề rất nghiêm trọng. Vì vậy, ADB cảnh báo rằng một tỷ người tại châu Á có nguy cơ suy dinh dưỡng.

Hội đồng các nước buôn bán gạo có thể họp trong vòng 2-3 tháng tới

Phóng viên tại Băng Cốc dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Noppadon Pattama cho biết, Hội đồng Các nước buôn bán gạo (CRTC), gồm Thái Lan, Việt Nam, Banglades, Trung Quốc và Ấn Độ có thể sẽ nhóm họp trong vòng 2-3 tháng tới nhằm thảo luận việc sản xuất và buôn bán gạo, trong bối cảnh thế giới ngày càng lo ngại về một cuộc khủng khoảng lương thực.

Bộ trưởng Noppadon cũng tái khẳng định rằng CRTC sẽ không hoạt động giống như Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC). Các nước thành viên của CRTC sẽ trao đổi thông tin, kinh nghiệm của mỗi quốc gia trong sản xuất gạo, sự trợ giúp và hợp tác lẫn nhau giữa các nước sản xuất mặt hàng này.

Theo ông Noppadon, những hoạt động của CRTC là trái ngược với sự chỉ trích của một số quốc gia; Các nước sản xuất gạo không muốn làm cho cuộc khủng hoảng lương thực thêm trầm trọng mà chỉ mong muốn giải quyết cuộc khủng hoảng này.                        

                                                               (  theo 24h.com.vn)