Giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Đông Nam Á: nhìn từ góc độ lịch sử xã hội và nhân học

Đó là chủ đề của Hội thảo khoa học quốc tế do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Viện Havard Yenching (Đại học Havard, Mỹ) và Đại học Trung Quốc (Hồng Kông) đồng tổ chức từ 15 đến 17.5.2012. Tham dự Hội thảo có gần 70 đại biểu đến từ 10 quốc gia. Có 21 báo cáo khoa học đã được trình bày tại Hội thảo, tập trung vào các nội dung: Nhận thức mới về men sứ Huế triều Nguyễn; Nhận thức và tư duy hướng biển của Lê Quý Đôn; Giao lưu học thuật Việt Nam - Trung Quốc thế kỷ XVIII: nghiên cứu trường hợp chuyến đi sứ của Lê Quý Đôn (1760-1762); Nghề làm ngọc trai ở Châu thổ sông Hồng; Nhóm Minh hương ở Việt Nam; Nhà cộng đồng người Kinh ở Quảng Tây thế kỷ XIX; Sự dịch chuyển văn hóa phi vật thể: trường hợp lễ hội Hát ở biên giới Việt - Trung; Về nguồn gốc của Lý Công Uẩn…

Phát biểu bế mạc Hội thảo, PGS.TS Phạm Quang Minh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nhấn mạnh, những thành tựu khoa học lớn đạt được trong 3 ngày thông qua sự thảo luận sôi nổi của các học giả sẽ góp phần nâng cao sự hiểu biết về văn hóa Việt Nam cũng như tăng cường giao lưu văn hóa giữa Việt Nam với các nước trong khu vực. Ông cũng khẳng định, trong thời gian tới Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn sẽ tiếp tục phối hợp với Viện Havard Yenching, Đại học Trung Quốc tổ chức các hoạt động khoa học tương tự nhằm tăng cường hiểu biết và trao đổi học thuật giữa các nhà khoa học Việt Nam với các nhà khoa học quốc tế trên nhiều lĩnh vực của Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Nam Á.