Đó là lời khuyên được các chuyên gia giao thông đến từ Thụy Điển đưa ra tại hội thảo về giao thông đô thị do Đại sứ quán Thụy Điển và Tổ chức Thương mại Thụy Điển được tổ chức vào chiều 17-9.
Phương tiện xe cá nhân tăng quá nhanh gây áp lực rất lớn lên hạ tầng giao thông. Ảnh: THANH VÂN |
Đầu tư lớn cho hạ tầng giao thông
Theo bà Camilla Mellander, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, Đà Nẵng đã có sự “lột xác” đáng kinh ngạc về hạ tầng giao thông. Giao thông thành phố không những được đầu tư rất lớn để “phủ sóng” đến tất cả các khu vực trong thành phố mà còn có sự kết nối với các khu vực lân cận. Tuy nhiên, Đà Nẵng cũng như Thụy Điển trước đây hiện đang đối phó với với rất nhiều khó khăn. Đó là tình trạng ô nhiễm môi trường đô thị, vấn đề xử lý nước thải, đặc biệt là làm sao giao thông phát triển theo hướng bền vững. Về vấn đề này thì Thụy Điển sẵn sàng chia sẻ với Đà Nẵng, mà cụ thể là những kinh nghiệm từ sự phát triển giao thông ở thành phố Stockholm. Khoảng những năm 1970 về trước, thành phố Stockholm cũng phải đối phó với vấn đề nâng cao năng lực vận tải công cộng, đồng thời phải làm sao hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng các nguồn năng lượng hóa thạch. Một trong những thuận lợi ở đây là thành phố Đà Nẵng đang theo đuổi mục tiêu xây dựng “Thành phố môi trường”, mới đây đã khởi động dự án phát triển bền vững, và dĩ nhiên hạ tầng giao thông sẽ được hưởng lợi.
Để hoàn chỉnh hạ tầng giao thông, trong giai đoạn từ năm 2006 đến 2012, thành phố Đà Nẵng đã triển khai 154 dự án về hạ tầng giao thông và đã có 113 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng. Trung bình mỗi năm mức đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông từ 120-140 triệu USD. Mặc dù vậy thành phố Đà Nẵng cũng đang đối đầu với rất nhiều vấn đề về giao thông như tai nạn giao thông (TNGT), ùn tắc giao thông, tốc độ lưu thông các phương tiện chưa cao. Đặc biệt là Đà Nẵng đang lúng túng trước vấn đề phương tiện giao thông cá nhân tăng quá nhanh với tốc độ trung bình gần 12%/năm; hiện nay đã lên đến mức 583 phương tiện/1.000 dân. Trong khi đó, vận tải công cộng còn rất hạn chế, với chỉ 5 tuyến xe buýt, tần suất hoạt động khá thưa, từ 20-30 phút/chuyến. Bên cạnh đó, việc hầu hết phương tiện đều sử dụng xăng và dầu diezen cũng ảnh hưởng không ít đến môi trường không khí của thành phố.
Hoàn chỉnh hệ thống giao thông công cộng
Tăng cường hợp tác với Thụy Điển về giao thông đô thị Sáng 17-9, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết tiếp Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Camilla Mellander, nhân chuyến thăm và làm việc của bà đến Đà Nẵng. Phó Chủ tịch Phùng Tấn Viết chào mừng bà Camilla Mellander đến thăm và cảm ơn bà đã giới thiệu với thành phố nhiều doanh nghiệp lớn của Thụy Điển trong lĩnh vực giao thông đô thị. Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị bà Camilla Mellander tiếp tục hỗ trợ thành phố hợp tác về năng lượng thay thế, xử lý rác và nước thải; đồng thời giới thiệu các doanh nghiệp lớn của Thụy Điển đầu tư vào khu công nghệ cao. Hiện thành phố Đà Nẵng đã quy hoạch xong mạng lưới xe buýt và sẽ sớm đưa vào sử dụng hệ thống xe buýt nhanh nên rất cần các giải pháp giao thông thông minh, đặc biệt là các lĩnh vực mà thành phố đang cần như thu phí đường bộ, cung cấp năng lượng thay thế, xe buýt điện… Bà Camilla Mellander cho biết, các công ty như Scania, Kapsch, ABB, Volvo... là những công ty lớn của Thụy Điển về giao thông đô thị, có công nghệ tốt và chất lượng cao, có thể hợp tác hiệu quả với thành phố trong lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Bà Camilla Mellander cho rằng, hai bên cần tiếp tục thảo luận và nghiên cứu thêm các dự án cụ thể để hợp tác tốt hơn trong thời gian tới. ĐOÀN LƯƠNG |
Chia sẻ những băn khoăn này của thành phố, đại diện Công ty SCANIA chuyên hoạt động trên lĩnh vực cung cấp các giải pháp vận chuyển trọn gói, cho rằng với mục tiêu phát triển thành một “Thành phố môi trường”, Đà Nẵng phải xây dựng và phát triển hoàn chỉnh hệ thống giao thông công cộng. Trong đó phải ưu tiên các phương tiện sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, sử dụng các nguồn năng lượng xanh. Đây là vấn đề mang tính sống còn cho việc bảo đảm giao thông bền vững.
Về góc độ tài chính, Công ty TNHH Giao thông Kapsch, nhà chuyên cung cấp các hệ thống thu phí giao thông nội đô và hệ thống giao thông thu phí điện tử, cho rằng Đà Nẵng nên mạnh dạn đi theo con đường tự động hóa việc thu phí vì bảo đảm nguồn thu phí bằng hệ thống quản lý hiện đại không những chống thất thoát, bảo đảm cho hoạt động vận tải công cộng mà còn góp phần chống ùn tắc giao thông. Bởi vì nếu được trang bị một cách đồng bộ những hệ thống quản lý thông minh này thì có nhiều khả năng phát hiện các sự cố trên đường để từ đó cơ quan chức năng nhanh chóng tiếp cận giải quyết vấn đề. Còn đại diện Tập đoàn xe buýt Volvo đánh giá cao chiến lược phát triển giao thông công cộng của Đà Nẵng theo kế hoạch ngắn hạn và trung hạn là đa dạng hóa các hình thức vận chuyển như xe điện ngầm, xe buýt trên mặt đất, xe buýt trên cao, hệ thống xe buýt nhanh... Tập đoàn Volvo sẵn sàng hợp tác với thành phố phát triển hệ thống xe buýt - một trong những thế mạnh của tập đoàn, đặc biệt là xe buýt nhanh (BRT).
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết cảm ơn bà Đại sứ cũng như các chuyên gia giao thông đến từ Thụy Điển đã chỉ ra được những tồn tại mà ngành giao thông thành phố phải giải quyết. Thời gian qua, thành phố Đà Nẵng đã nhận sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ, các tổ chức trong và ngoài nước, trong đó có Chính phủ Thụy Điển trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng thành phố nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng. Với những kinh nghiệm trong việc phát triển rất thành công giao thông bền vững, hy vọng Chính phủ Thụy Điển cũng như các doanh nghiệp Thụy Điển sẽ giúp thành phố đạt được mục tiêu xây dựng “Thành phố môi trường”, với giao thông phát triển theo hướng bền vững. Đà Nẵng sẽ tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp Thụy Điển đến tìm hiểu đầu tư và hợp tác với thành phố trong việc phát triển giao thông đô thị theo hướng bền vững.
Phát triển bền vững với công nghệ Thụy Điển Sáng 17-9, Trung tâm Hợp tác công nghệ môi trường Việt Nam-Thụy Điển (CENTEC) phối hợp với UBND thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) tổ chức Hội thảo “Mô hình phát triển bền vững của Thụy Điển-Kinh doanh bền vững với công nghệ từ Thụy Điển” nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường năng lực cạnh tranh và kinh doanh bền vững trong tiến trình phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Tại hội thảo, đại diện Đại sứ quán Thụy Điển giới thiệu các công nghệ tiên tiến của Thụy Điển trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước, xử lý rác thải và phát triển năng lượng tái tạo. Trong đó, chú trọng đến “Mô hình kinh doanh bền vững của Thụy Điển về công nghệ sạch”. Hiện tại, Thụy Điển có hơn 6.000 công ty công nghệ sạch hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu về các giải pháp phát triển bền vững. Thụy Điển tự hào về 2 dự án “thành phố phát triển bền vững”, đó là Tomorrow tại Malmo và Hammarby Waterfront tại Stockholm, trong đó Malmo có thể coi là một ví dụ điển hình về “thành phố xanh”, bởi 39,9% mức tiêu thụ năng lượng là năng lượng tái tạo - biogas... Công nghệ sạch của Thụy Điển chủ yếu đầu tư vào những công ty nhỏ nhưng rất thuận lợi cho việc áp dụng quy mô hộ gia đình, quy mô doanh nghiệp vừa và nhỏ tại những nước đang phát triển như Việt Nam. |