Ngày 27/9, tại TP Đà Nẵng đã diễn ra hội thảo “Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của Liên minh Châu Âu (EU)- cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam” do Bộ Ngoại giao phối hợp với Phái đoàn EU tại Việt Nam tổ chức thông qua dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của Châu Âu (EU- MUTRAP).
Hội thảo do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và ông Franz Jessen- Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam đồng chủ trì. Tham dự hội thảo có các đại biểu đến từ các sở, ban, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp các tỉnh miền Trung Việt Nam.
Hội thảo "Quy chế GSP mới của EU- cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam" |
GSP là quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập đơn phương của EU dành ưu đãi về thuế nhập khẩu cho hàng hóa có xuất xứ từ các nước đang phát triển xuất khẩu vào EU. Với sự hỗ trợ của GSP của EU, trong những thập kỷ qua, nhiều nước đang phát triển đã vươn lên trở thành những đối tác có tính cạnh tranh cao trong khuôn khổ toàn cầu và đã hội nhập thành công vào hệ thống thương mại quốc tế. GSP đã giúp tăng lợi thế cạnh tranh của các nước đang phát triển.
Với Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, năm 2012, tổng giá trị trao đổi hàng hóa giữa Việt Nam và EU đạt 29,09 tỷ USD tăng 19,8% so với năm 2011 và chiếm 12,7% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 20,3 tỷ USD tăng 22,7% (tương ứng tăng 3,76 tỷ USD) so với năm 2011 và chiếm 17,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước ra thị trường thế giới, đưa EU vượt Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất Việt Nam. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2013, tốc độ tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam và EU tăng 26,5%, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt trên 11,6 tỷ USD. EU hiện là thị trường chính cho nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như giày, dép, may mặc, thủy sản, đồ gỗ, điện tử, hàng tiêu dùng và các mặt hàng khác.
Đại sứ Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam Franz Jessen cho rằng: “Sự tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu Việt Nam vào thị trường EU một phần là do các sản phẩm của Việt Nam được hưởng lợi từ GSP. Chẳng hạn khoảng 49% doanh thu từ việc xuất khẩu mặt hàng giày da vào thị trường EU đã được hưởng ưu đãi thuế quan thông qua GSP. Từ năm 2014 trở đi, một số mặt hàng xuất khẩu, trong đó có cả các sản phẩm giày da, còn được hưởng ưu đãi thuế quan nhiều hơn thông qua GSP mới, thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam trong các lĩnh vực truyền thống. Do đó, điều cốt yếu là Chính Phủ và các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần hiểu thật rõ những cơ hội mà GSP mới của EU mang lại”.
Đại sứ Phái đoàn Liên minh Châu Âu, ông Franz Jessen: "EU là một đối tác chủ chốt trên trường quốc tế và là một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam..." |
Tại hội thảo, các diễn giả của Việt Nam và EU đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích về GSP cũng như giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp. Các chuyên gia của Bộ Công thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã đánh giá về GSP từ góc độ của Việt Nam và chia sẻ những kinh nghiệm vận dụng GSP trong thực tiễn để tăng cường xuất khẩu vào EU trong thời gian tới.
“Hội thảo lần này là hội thảo lần thứ 2 về quy chế GSP mới, sau hội thảo tại TPHCM vừa diễn ra vào tháng 7/2013 và nằm trong khuôn khổ 3 Hội thảo được Bộ Ngoại giao phối hợp với Phái đoàn EU tổ chức trong cả nước nhằm giới thiệu với các doanh nghiệp, các hiệp hội và các nhà xuất khẩu Việt Nam về những ưu đãi, thuận lợi cũng như các thách thức của Quy chế GSP mới của EU. Ngày 12-13/11/2013 sắp tới, Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu kiêm Ủy viên phụ trách công nghiệp và doanh nghiệp Antonio Tajani sẽ dẫn đầu đoàn 50 doanh nghiệp Châu Âu đến Việt Nam. Đây là tín hiệu cho thấy các doanh nghiệp EU rất quan tâm và mong muốn mở rộng hợp tác kinh doanh với Việt Nam”- Thứ Trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết thêm.
Ngày 31/10/2012, EU đã thông qua quy chế GSP mới có hiệu lực 10 năm, áp dụng kể từ ngày 1/1/2014. So với trước đây, quy chế này giảm số lượng các nước được hưởng ưu đãi GSP từ 176 nước xuống còn 89 nước. Ngày 17/12/2012, Ủy ban Châu Âu thông qua danh sách các lĩnh vực trưởng thành cho giai đoạn 2014- 2016, theo đó Việt Nam được hưởng GSP đối với tất cả các mặt hàng, kể cả những mặt hàng trước đã từng bị xếp loại vào nhóm đã trưởng thành. Vì vậy, quy chế GSP mới sẽ có những tác động quan trọng đối với Việt Nam. Nếu biết tận dụng, GSP sẽ giúp Việt Nam gia tăng sản xuất và xuất khẩu vào EU. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, quy chế GSP mới cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đòi hỏi các doanh nghiệp phải có tầm nhìn và chiến lược kinh doanh lâu dài để có thể phát triển bền vững. |