Hà Nội: Cần đột phá về tư duy CNTT

1a.jpg
Quá ít người quan tâm tới hội thảo “CNTT và tương lai phát triển Hà Nội”.

Hà Nội: Cần đột phá về tư duy CNTT

 - Hà Nội đang phải đối mặt với thực tế rớt hạng về xếp hạng CNTT. Sở TT&TT Hà Nội chỉ ra rằng, nguyên nhân không phải do thiếu các cơ chế, chính sách mà nhiều lãnh đạo không thực sự hiểu các vấn đề của CNTT.

Kết quả kém vì “truội” định hướng

Là “trái tim hồng”, trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa – xã hội của cả nước, song trong các bảng xếp hạng về CNTT thời gian qua, Hà Nội hiếm khi lọt top đầu, thậm chí còn nhiều tiêu chí xếp hạng bị rớt xuống mức trung bình.

Chẳng hạn theo Báo cáo Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT năm 2011 của khối các tỉnh, thành phố vừa được Ban Chỉ đạo Quốc gia về CNTT công bố, Hà Nội đứng thứ 7/63 tỉnh, thành phố, sau Đà Nẵng, TP.HCM, Bắc Ninh, Nghệ An, Thừa Thiên – Huế, Quảng Ninh. Đáng lưu ý về hạ tầng nhân lực, Hà Nội đang đứng ở vị trí thứ 32/63 tỉnh, thành phố, trong đó tỷ lệ cán bộ chuyên trách về CNTT chỉ đạt 0,3%, tỷ lệ cán bộ công chức biết sử dụng máy tính cũng mới chỉ đạt 67,3%.

Cần lưu ý, việc đầu tư cho CNTT ở Hà Nội không ở mức thấp. Điển hình như về hạ tầng kỹ thuật, mức đầu tư của Hà Nội chỉ đứng sau Đà Nẵng, TP.HCM. Theo thống kê của Sở TT&TT Hà Nội, 47/49 sở, ban, ngành, quận, huyện và thị xã của thành phố đã xây dựng xong và đưa vào hoạt động hệ thống mạng nội bộ (LAN), máy chủ, kết nối Internet; Thành phố đã trang bị máy trạm cho 71% cán bộ công chức, trong đó các quận, huyện, thị xã đạt gần 68% và các sở, ban, ngành đạt gần 82%.

Tại Hội thảo “CNTT và tương lai phát triển Hà Nội” diễn ra mới đây, ông Đặng Vũ Tuấn, Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội thẳng thắn thừa nhận kết quả triển khai ứng dụng CNTT hiện nay của Hà Nội rất thấp so với nguồn lực bỏ ra.

“Về lý thuyết, khi xây dựng 1 hệ thống thông tin thì phải dành 90% kinh phí đầu tư cho phần mềm, đào tạo và dịch vụ, chỉ để khoảng 10% mua phần cứng, song hiện tại thử hỏi có bao nhiêu dự án làm được như vậy? Các cơ quan chỉ lo đi mua phần cứng. Hệ quả là trong hệ thống cơ quan Nhà nước, không có chương trình nào “chạy” được khoảng 1 vạn giao dịch. Chỉ thấy những phần mềm “vui vui” một vài trăm người dùng. Vô hình trung chúng ta đang “bóp chết” thị trường CNTT”, ông Tuấn phân tích.

Chia sẻ thêm về sự phát triển của thị trường CNTT, ông Tuấn cho biết Chương trình Phát triển Công nghiệp CNTT của Thành phố Hà Nội đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 vừa được UBND Thành phố phê duyệt đã đặt mục tiêu phấn đấu đạt tổng doanh thu từ hoạt động công nghiệp CNTT năm 2015 là 5 tỷ USD và năm 2020 là 10 tỷ USD.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào bức tranh hiện trạng của các DN CNTT Hà Nội thì thấy con số 5 - 10 tỷ USD nêu trên khó có thể trở thành hiện thực nếu không có sự thay đổi đột phá.

Hiện tại, số lượng DN quy mô lớn với tổng số nhân lực tính bằng đơn vị nghìn người vẫn chỉ đếm chưa hết đầu ngón tay. Các DN lại nằm rải rác ở nhiều địa điểm khác nhau. Thậm chí có DN như FPT đã phải “rải” các bộ phận ở 4 – 5 trụ sở.

Chưa có được những khu công viên phần mềm hoặc khu công nghệ cao như Công viên Phần mềm Quang Trung, Khu công nghệ cao TP.HCM chính là một điểm yếu của Hà Nội. “Thành phố cũng đã xác định được rằng cần phải xây dựng các khu công nghiệp (KCN) CNTT tập trung để thu hút đầu tư nước ngoài. Trước đây cũng đã có tòa nhà CNTT ở số 2 Chùa Bộc, tòa nhà của Sở TT&TT, nhưng quy mô còn rất bé, chỉ quy tụ một vài DN trong tòa nhà. Gần đây đã bắt đầu rục rịch một số dự án xây dựng KCN CNTT nhưng vẫn chưa thực sự tập trung để tạo thành sức mạnh cần thiết”, ông Tuấn chia sẻ thêm. Không có KCN nên đang có câu chuyện “cười ra nước mắt” là nhiều DN lớn vẫn đang phải nằm ở Khu tiểu thủ công nghiệp Cầu Giấy.

Đi tìm nguyên nhân của việc kết quả ứng dụng CNTT còn thấp thì thấy không phải Hà Nội thiếu các cơ chế, chính sách. “Vấn đề là nhiều lãnh đạo không thực sự hiểu các vấn đề của CNTT, cuối cùng định hướng bị “truội” mất”, ông Tuấn nói.

Cần đột phá tư duy của lãnh đạo cấp cao

Tại Hội thảo “CNTT và tương lai phát triển Hà Nội”, một điểm đáng mừng là nhiều DN CNTT trong nước và nước ngoài đã bày tỏ sự quan tâm và sẵn sàng chung tay góp sức để Thủ đô Hà Nội sớm trở thành một thành phố thông minh.

Tư vấn cho Hà Nội cách thức xây dựng thành phố thông minh hiệu quả, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, Giám đốc Chiến lược Tập đoàn FPT cho rằng CNTT chắc chắn sẽ đáp ứng được các vấn đề bức xúc của nhu cầu xã hội như ách tắc giao thông, an toàn thực phẩm... Các lãnh đạo cần phải hiểu rõ các thành phần của smart city, cần biết phải xây dựng và triển khai bao nhiêu dự án, đề án CNTT để hiện thực hóa mô hình thành phố thông minh.

Ông Hòa cũng khẳng định DN sẵn sàng chia sẻ rủi ro với cơ quan Nhà nước thông qua phương thức hợp tác công tư (PPP) để triển khai các đề án, dự án CNTT. Muốn làm PPP thì cần có cơ chế phù hợp. Hy vọng Hà Nội sẽ là đơn vị đầu tiên ở Trung ương có cơ chế này. Trên thực tế, Hà Nội đang có vẻ “chậm chân” hơn TP.HCM trong mảng ứng dụng CNTT xây dựng thành phố thông minh. Chẳng hạn như để giải quyết bài toán “kẹt xe”, TP.HCM đã tiếp cận với giải pháp xe thông minh (PRT – Personal Rapid Transit) – xe không người lái, hành khách lên xe chỉ cần bấm chọn điểm đến giống như gửi email, hệ thống CNTT ứng dụng GPS sẽ “lo” việc xe đi như thế nào với tốc độ nhanh nhất và thông minh nhất.

“Hệ thống PRT đang được “chào hàng” cho TP.HCM và có thể TP.HCM sẽ làm trước Hà Nội. Tổng vốn đầu tư hệ thống PRT sẽ rẻ hơn đầu tư metro khoảng 5 lần”, ông Hòa nói.

Một hệ thống ứng dụng CNTT khác cũng đang được TP.HCM “đi trước” Hà Nội, đó là khung quản lý tích hợp cho toàn thành phố do IBM Việt Nam tư vấn triển khai. Chia sẻ về hệ thống này, bà Phạm Thị Thanh Long, Giám đốc các chương trình chính phủ, IBM Việt Nam cho biết trung tâm điều hành thành phố sẽ thu thập dữ liệu từ các bộ phận liên quan rồi tích hợp về bộ phận quản lý dữ liệu, phân tích, tối ưu hóa rồi cung cấp cho lãnh đạo thành phố để có quyết sách, phản ứng kịp thời. Chẳng hạn, lãnh đạo Thành phố có thể xác định ở thời điểm nhất định triều cường có khả năng cao ở mức nào, qua đó, công an giao thông và ngành giao thông cấp thoát nước có phương hướng làm việc cụ thể.

“Với kinh nghiệm đã làm cho TP.HCM và Đà Nẵng, chúng tôi thấy rằng ngoài chính phủ điện tử là nền tảng của các hệ thống thì Thành phố Hà Nội cần phải tập trung triển khai ứng dụng CNTT cho các mảng giao thông, điện, nước, xăng dầu… Không nên dùng chiến lược quả mít mà nên chọn trọng điểm để số hóa, tích hợp dữ liệu”, bà Long “mách nước”.

Đáng buồn là lãnh đạo cao cấp nhất của Thành phố Hà Nội đã bỏ lỡ nhiều cơ hội để trực tiếp nghe những lời tư vấn, mách nước nêu trên.

1a.jpg

Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, Giám đốc Chiến lược Tập đoàn FPT

“ICT là hạ tầng của các hạ tầng. Đó là khẩu hiệu rất quan trọng mà chúng tôi đang tìm mọi cách để tuyên truyền ở rất nhiều chỗ, kể cả sở các thành phố, cả trung ương, thậm chí cả Bộ Chính trị”.

“ICT là hạ tầng của các hạ tầng. Đó là khẩu hiệu rất quan trọng mà chúng tôi đang tìm mọi cách để tuyên truyền ở rất nhiều chỗ, kể cả sở các thành phố, cả trung ương, thậm chí cả Bộ Chính trị”.

1a.jpg

TS. Bùi Mạnh Hải, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách phát triển công nghiệp phần mềm Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ

“Thành phố Hà Nội cần phải trở thành thành phố thông minh. Để hiện thực hóa mục tiêu này, cần phải đầu tư ứng dụng CNTT, tin học hóa kết cấu hạ tầng thành phố để sử dụng tối ưu các nguồn lực theo hướng tiết kiệm năng lượng thân thiện với môi trường, phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cho cuộc sống dân cư thành phố với hạ tầng thông minh”.

1a.jpg

Bà Phạm Thị Thanh Long, Giám đốc các chương trình Chính phủ, IBM Việt Nam

“Giải pháp CNTT đã có, vấn đề là Hà Nội có sẵn sàng để trở thành thành phố thông minh hay không. Rất tiếc không có lãnh đạo cao cấp của Hà Nội lắng nghe những giải pháp CNTT của chúng tôi. Điều này thường thấy ở trong các hội nghị CNTT. Các lãnh đạo cứ nghĩ CNTT là những điều cao siêu, nói không ai hiểu. Thực ra không phải như vậy. Câu chuyện CNTT không chỉ có cách thức phân tích dữ liệu, trích rút thông tin từ những dữ liệu, phần mềm. Mà hệ thống CNTT chính là công cụ hữu hiệu giúp cho các lãnh đạo, các cơ quan Nhà nước ra quyết định một cách sáng suốt, đúng đắn để người dân được hưởng lợi hơn”.