Hà Nội sản xuất gạch ngói theo công nghệ tiên tiến


Sản xuất gạch tuynen tại cụm công nghiệp Chiềng Sinh, thành phố Sơn La.
Sản xuất gạch tuynen tại cụm công nghiệp Chiềng Sinh, thành phố Sơn La.

Thời gian tới, các dự án đầu tư sản xuất gạch, ngói trên địa bàn phải phù hợp với Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương.

Theo đó, tất cả các lò gạch này phải áp dụng công nghệ, thiết bị sản xuất đạt trình độ tiên tiến, bảo đảm chất lượng sản phẩm và môi trường sinh thái, khuyến khích các chủ đầu tư lựa chọn đầu tư công nghệ sấy nung sản phẩm bằng lò tuy-nen liên hoàn với thiết bị sản xuất trong nước.

Sản phẩm gạch, ngói phải đạt chất lượng theo tiêu chuẩn đã được đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Cùng với đó, thành phố nghiêm cấm các tổ chức và cá nhân sử dụng đất sản xuất nông nghiệp, đất trong phạm vi di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng; đất nằm trong phạm vi bảo vệ hành lang các công trình giao thông, cầu, cống, thủy lợi, đê kè, vùng phân lũ, thoát lũ, chậm lũ; đường điện cao thế; đất an ninh quốc phòng để sản xuất gạch ngói.

Các hộ gia đình, cá nhân tự ý sản xuất gạch ngói nung bằng nguồn nguyên liệu tận dụng từ đất đào ao, đất hạ cốt ruộng, vườn. Thành phố cũng không cho phép đầu tư mới sản xuất gạch ngói đất sét nung vào giai đoạn 2016-2020.

Toàn thành phố có khoảng 1.450 lò gạch thủ công. Qua thực tế kiểm tra, rà soát cho thấy tình trạng sản xuất gạch ngói bằng đất sét nung còn rất nhiều bất cập, việc xóa bỏ sản xuất gạch ngói nung bằng lò thủ công gây ô nhiễm môi trường theo quy định của Bộ Xây dựng và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố chưa được các địa phương nghiêm túc thực hiện; vật liệu nung chưa phát triển, chưa đủ để thay thế toàn bộ vật liệu nung truyền thống.

Đặc biệt là sau khi mở rộng địa giới hành chính, công tác quản lý nhà nước về đầu tư, sản xuất gạch ngói nung trên địa bàn thành phố gặp nhiều khó khăn, thiếu sự thống nhất, phối hợp giữa các sở, ngành, quận huyện, thị xã.