Cổ phiếu của "gã tìm kiếm trực tuyến khổng lồ" Google đã tăng vọt 6% trong phiên giao dịch ngoài giờ đêm qua (13/10) trên thị trường chứng khoán Mỹ, nhờ lợi nhuận quý 3/2011 của hãng, đặc biệt trong lĩnh vực nền tảng mảng xã hội, tăng trưởng mạnh.
Theo công bố của hãng công nghệ có trụ sở ở Mountain View, California, lợi nhuận quý 3 của hãng đạt 2,7 tỷ USD, tương đương 8,33 USD/cổ phiếu, cao hơn nhiều so mức 2,2 tỷ USD, tương ứng 6,72 USD/cổ phiếu trong quý cùng kỳ năm trước.
Doanh thu ròng của hãng, không bao gồm chi phí chuyển giao sáp nhập đạt 7,51 tỷ USD, tăng mạnh từ mức 5,48 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Theo điều tra dư luận trước đó của Thomson Reuters, giới phân tích dự báo lợi nhuận sau điều chỉnh của Google đạt 8,74 USD/cổ phiếu, trên doanh thu 7,2 tỷ USD.
Google cũng báo cáo mức tăng 28% doanh thu từ mảng nhấp chuột quảng cáo, tức là khoản thu nhập từ số lần người sử dụng Internet nhấp chuột vào các banner quảng cáo của hãng. Trong khi, giới phân tích dự báo con số này là khoảng 18%.
Mặc dù đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ Microsoft, Google vẫn chiếm lĩnh thị trường quảng cáo trực tuyến. Thị phần quảng cáo trực tuyến của Google ở Mỹ tăng từ 64,8% trong tháng 8 lên 65,3% trong tháng 9. Trong khi, thị phần quảng cáo trực tuyến của Yahoo ở Mỹ giảm từ 16,13% xuống còn 15,5%, còn thị phần của Microsoft vẫn đứng yên ở mức 14,7%.
Bên cạnh đó, Google đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực khác, kể cả điện thoại di động. Phần mềm Android của Google đang là sự lựa chọn số một cho điện thoại thông minh cũa các công ty sản xuất điện thoại di động HTC, Samsung và Motorola.
Mặc dù chi phí trong quý của Google ở mức khá cao, 680 triệu USD, nhưng tính đến cuối quý, Google vẫn còn 42,6 tỷ USD tiền mặt. Một điểm đáng chú ý khác, trong khi nhiều công ty đang cắt giảm nhân sự, thì Google lại tuyển thêm 2.585 nhân sự, đưa tổng nhân sự của Google lên 31.353 người.
Cũng trong buổi công bố tình hình kinh doanh quý 3, hãng tìm kiếm cho biết mạng xã hội mới được vài tháng tuổi của họ đã đạt được 40 triệu thành viên. "Mọi người vẫn đang đổ xô đăng ký trên Google+. Tốc độ tăng trưởng của nó thật đáng kinh ngạc và đây mới chỉ là bắt đầu", Larry Page, Giám đốc điều hành của Google, phát biểu.
Sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận đầy bất ngờ của Google đã khiến nhiều người thắc mắc, bí quyết nào đã mang lại sự thành công cho công ty này trong thời gian từ tháng 7 - 9/2011 vừa qua. Phải chăng nguồn thu từ quảng cáo đã đóng góp phần lớn vào túi tiền căng phồng của "người khổng lồ".
Theo Forbes, bí quyết đầu tiên là ở tài lãnh đạo của ban giám đốc Google và những sáng tạo trong lĩnh vực công cụ tìm kiếm, đa phương tiện và điện thoại thông minh đang tăng trưởng với tốc độ cao. Như nhiều hãng công nghệ thành công khác, Google là công ty tập trung vào nhu cầu của khách hàng. Mọi tiến trình sáng tạo của hãng đều "quanh quẩn" bên khách hàng.
Hai đồng sáng lập Larry Page và Serget Brin đều truyền cảm hứng cho toàn bộ nhân viên Google sẵn sàng phục vụ tối đa lợi ích của người dùng, đúng với châm ngôn của Sam Walton: “Nếu bạn không lắng nghe khách hàng của mình, chắc chắn sẽ có đối thủ khác làm điều ấy”.
Vào thời điểm phát hành trái phiếu lần đầu ra công chúng năm 2004. Google đã nhiều lần khẳng định: “Hãng tin rằng người dùng cũng muốn góp phần vào sự thành công lâu dài của Google. Đó chính là cơ sở quan trọng để tạo dựng giá trị niềm tin lâu dài”.
Quảng cáo trực tuyến đóng góp một phần rất lớn vào doanh thu cũng như lợi nhuận của Google, nhưng dường như người dùng chẳng bận tâm hay cảm thấy khó chịu vì điều này. Các dịch vụ của Google vẫn hoàn toàn miễn phí, thân thiện, dễ dùng.
Google cũng sẵn sàng nói “không” với những quảng cáo chẳng ăn nhập gì với thông tin tìm kiếm của khách hàng. Đưa ra những lựa chọn tốt nhất, rẻ và tiện dụng, từ tìm kiếm thông tin, lưu trữ trực tuyến, email, lịch và mới đây nhất là mạng xã hội Google+, "người khổng lồ" luôn bám sát định hướng ban đầu là phục vụ người dùng.
Bí quyết thứ hai là tinh thần kinh doanh tập thể. Google có thể ví như một tổ chức mạng lưới, cho phép một nhóm gồm những người khác nhau như blogger, nhà quảng cáo, người tiêu dùng cùng chia sẻ rủi ro hay lợi ích thu được từ việc phát hiện và khai thác những cơ hội kinh doanh mới.
Có thể nói rằng, Google không chỉ là một nhà sáng tạo công nghệ mà còn là một nhà sáng tạo hình mẫu kinh doanh.
Ngoài ra, Google cũng đã tạo nên một môi trường làm việc được tổ chức, quản lý khoa học, hệ thống từ trên xuống dưới. Do đó, cỗ máy tìm kiếm luôn được cải tiến và đế chế Google không ngừng mở rộng ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Ở Google, các kỹ sư được dành riêng 20% thời gian lao động để tự do phóng túng với những ý tưởng sáng tạo, đeo đuổi say mê cá nhân. Mỗi tuần, các lãnh đạo của Google lại dành rất nhiều thời gian để trò chuyện, trao đổi kinh nghiệm với các kỹ sư, điều vốn dĩ không nhiều ở các công ty truyền thông.