Hành lang Kinh tế Đông Tây (EWEC) đã hình thành 7 năm nhưng hiệu quả mang lại vẫn còn xa so với kỳ vọng của các nước. Thay vì đề cao vai trò hợp tác, thì mỗi nước, mỗi địa phương lại tập trung khai thác lợi thế cạnh tranh riêng.
Sản lượng hàng hóa EWEC chỉ chiếm 3% tổng sản lượng hàng hóa qua cảng Đà Nẵng mỗi năm.Ảnh: Thanh Sơn |
Đà Nẵng được xác định là điểm cuối của EWEC với lợi thế có cảng container hiện đại và lớn nhất miền Trung, nối các trục giao thông liên hoàn, giữ vị trí quan trọng trên tuyến hàng hải Đông Nam Á và Đông Bắc Á, nối Myanmar, Thái Lan, Lào với Việt Nam. Các dự án ODA của Chính phủ Nhật Bản dành cho Đà Nẵng phát triển hạ tầng giao thông, cảng biển cũng không nằm ngoài mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản tìm cơ hội đầu tư hiệu quả trên tuyến hành lang này. Thế nhưng, lượng hàng hóa trên EWEC trong những năm qua vẫn đi lẻ về các cảng địa phương Huế, Quảng Trị và Cảng Bangkok (Thái Lan). Hiện tượng địa phương nào cũng dành vị trí “điểm cuối” của EWEC đã gây lãng phí đầu tư hạ tầng và không tập trung lượng hàng qua cảng dẫn đến triệt tiêu lợi thế cạnh tranh lẫn nhau vì chi phí xuất cảng cao. Các bên liên quan cũng chưa phối hợp để thiết lập khung pháp lý cần thiết nhằm thực thi “Kiểm tra Một cửa - Một lần dừng” tại các cửa khẩu, tạo điều kiện thuận tiện nhất cho hàng hóa tự do lưu thông trên tuyến.
Báo cáo từ Sở Ngoại vụ thành phố Đà Nẵng cho hay, cơ sở hạ tầng giao thông trên EWEC đang xuống cấp nghiêm trọng, việc đầu tư cho các ngành sản xuất và dịch vụ trên EWEC còn hạn chế, chưa có dấu hiệu phát triển. Vì vậy, sản lượng hàng hóa EWEC thông qua cảng Đà Nẵng vẫn còn khiêm tốn, chiếm khoảng 3% tổng sản lượng hàng hóa qua cảng mỗi năm, chủ yếu là các mặt hàng gỗ, thuốc lá, nước giải khát… Kim ngạch xuất nhập khẩu của Đà Nẵng với các nước trên EWEC năm 2012 chỉ đạt 62 triệu USD, chủ yếu là 18 doanh nghiệp có quan hệ đối tác, trong đó có 7 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Mục tiêu đón đầu và đẩy mạnh ngành kho vận (logistics) tại Đà Nẵng vẫn chưa hình thành rõ về công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch dài hạn, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo ngoại ngữ, chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành… để phục vụ cho sự ra đời của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics tại địa phương. Sản xuất chậm phát triển, ít hàng hóa lưu thông khiến cảng Đà Nẵng không phát huy hết tiềm năng và thế mạnh.
Ông Lâm Quang Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng cho biết: “Để xúc tiến thương mại, du lịch, kêu gọi đầu tư... Thái Lan đã thành lập Viện Mekong (Mekong Institution) chuyên nghiên cứu các vấn đề liên quan đến EWEC và có quỹ hỗ trợ khai thác tiềm năng EWEC. Tuy nhiên, hoạt động của các cơ quan này chỉ phục vụ cho Chính phủ và doanh nghiệp Thái Lan, đặc biệt họ nghiên cứu cơ hội đến với thị trường Myanmar vừa mở cửa và đầy hấp dẫn. Còn phía Việt Nam thì các địa phương lại cạnh tranh lẫn nhau, không có sự tập trung một đầu mối và không hề có nhóm công tác để xúc tiến các hoạt động đầu tư, thương mại, du lịch trên tuyến hành lang này”.
Savan Vegas Hotel & Casino là khách sạn và khu giải trí 5 sao duy nhất tại Savannakhet (Lào) để đón khách du lịch Việt Nam, Thái Lan... |
Du lịch được xem là thế mạnh của các nước trên EWEC, kể cả đường bộ và đường hàng không. Nhưng theo đánh giá của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, hoạt động liên kết khai thác du lịch của các doanh nghiệp 3 nước Việt Nam, Thái Lan và Lào còn rất rời rạc. Hệ thống nhà hàng, khách sạn, trạm dừng chân, trung tâm mua sắm... chất lượng còn thấp, sản phẩm du lịch chưa phong phú, đa dạng và độc đáo nên chưa phát huy được thế mạnh của từng địa phương. Công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch đa phần theo kiểu mạnh ai nấy làm, chưa phát huy được sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp và các hiệp hội.
Mặc dù đến nay chưa có tổng kết nào về hiệu quả mang lại của EWEC, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia xúc tiến đầu tư, sự chú ý của giới đầu tư xuyên quốc gia đối với EWEC đang phai nhạt dần vì các khu kinh tế chưa phát triển tập trung. Về lâu dài, việc độc lập tổ chức khai thác lợi thế cạnh tranh của mỗi nước, mỗi địa phương trên EWEC chắc chắn sẽ tiếp tục làm mất đi lợi thế cạnh tranh của vùng.
Năm 2006, Hành lang Kinh tế Đông Tây (EWEC) chính thức thông tuyến, có chiều dài 1.450km, đi qua 13 tỉnh của 4 nước Việt Nam, Lào, Thái Lan và Myanmar, bắt đầu từ thành phố cảng Mawlamyine (bang Mon) của Myanmar và kết thúc tại thành phố Đà Nẵng của Việt Nam. Hàng loạt chính sách cấp Chính phủ đã được triển khai ở 3 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan về xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, vận tải hàng quá cảnh, hải quan cửa khẩu, giao thông tay lái nghịch, chính sách cư dân vùng biên giới... Thậm chí nhiều khu kinh tế cửa khẩu với các chính sách thông thoáng nhất được hình thành trên tuyến hành lang kinh tế này như Khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo (Việt Nam), Đen Savẳn (Lào), khu công nghiệp nhỏ và vừa Khonken; các tỉnh vùng đông bắc Thái Lan còn được hưởng nhiều chính sách hết sức cởi mở... để EWEC trở thành mô hình kinh tế kiểu mẫu của tiểu vùng sông Mêkông. |
http://techmartdanang.vn/