Chỉ với tháp rau nhỏ để vừa trên ban công có diện tích 1m2 với 6 tầng chứa 48 hốc trồng, tháp giống như một khu rừng thu nhỏ hoạt động trên cơ chế tự phân hủy rác thực vật nhờ các vi sinh vật và trùn quế thành chất hữu cơ cho cây hấp thụ. Nhờ đó, đủ để đáp ứng lượng rau mỗi gia đình dùng hằng ngày.
Những loại cây trồng trên tháp rau phát triển tốt lại tiết kiệm diện tích. |
Theo anh Lê Xuân Hiển, người chuyên lắp đặt tháp rau hữu cơ tại Đà Nẵng cho biết, mô hình này có nhiều ưu điểm cho người dân đô thị có diện tích đất chật hẹp và không có thời gian chăm sóc. Bất cứ chỗ nào, chỉ cần một khoảng không 1m2 và có ánh sáng là có thể đặt một tháp rau; tiết kiệm nước, giữ nước trong tháp lâu hơn, đến 4 ngày không cần tưới nước mà cây không bị khô héo. Một tháp rau hữu cơ chứa 120kg đất trồng, bằng 6 thùng xốp thông thường.
Giá thành sau khi lắp đặt là 1.700.000 đồng với tuổi thọ tối thiểu 10 năm. Theo anh Hiển, chi phí ban đầu như vậy thì có vẻ cao, nhưng thực tế chỉ tốn trung bình 500 đồng mỗi ngày, lại không tốn công chăm sóc. Bên cạnh đó, trồng bằng thùng xốp thì sau 1 vụ rau (30-45 ngày) phải cải tạo đất 1 lần, nếu tính giá trị dài lâu theo năm và nhiều năm sẽ thấy tốn rất nhiều tiền và tốn diện tích nhà ở.
Được biết, tháp rau được chế tạo theo công nghệ của Mỹ và mới xuất hiện tại Việt Nam gần đây, sau khi được điều chỉnh và tối ưu hóa cho phù hợp với điều kiện thời tiết nước ta. Tháp rau này như một vòng tuần hoàn của tự nhiên với phần lõi ở giữa chứa rác hữu cơ, sử dụng con trùn quế làm nhiệm vụ biến đổi rác thải và di chuyển qua các hốc ra bên ngoài đất để cày xới đất và bổ sung phân trùn quế cho đất, nên người trồng không cần phải bón thêm phân và cải tạo lại đất. Dịch trà trùn (chứa nhiều chất dinh dưỡng và vi sinh vật cố định đạm, lân, kali, ức chế nấm mốc phát triển…) chảy xuống khay chứa trà trùn dưới đế tháp, được tưới ngược lên đỉnh tháp, làm giàu dinh dưỡng cho rau phát triển tốt.
Tháp có độ dày của đất (đường kính 55 cm, sâu hơn 90cm) nên giữ nước tốt, không làm đất nóng lên dưới ánh nắng mặt trời. Điều đó vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của rau, vì sức nóng của đất có thể làm hỏng các mao mạch của rễ rau khiến rau có thể chết hoặc không có khả năng hút đủ chất dinh dưỡng nên sẽ phát triển chậm. Bên cạnh đó, các khay có thể xoay để tạo thay đổi góc nhận ánh sáng, giúp cây hấp thụ được chất dinh dưỡng tốt hơn.
Sau nửa năm mô hình tháp rau hữu cơ được các hộ dân tại Đà Nẵng sử dụng đã nhận được những phản hồi tích cực. Anh Lê Văn Tiên (phường Hòa Minh, Liên Chiểu) cho hay: “Khi biết tới mô hình này, tôi đã mạnh dạn mua 3 tháp rau về trồng, đến nay số rau dùng trong bữa ăn của gia đình 4 người nhà tôi không lo thiếu. Các loại rau mồng tơi hay rau muống chỉ mất 2-3 tuần để có rau ăn, đậu bắp hay cà chua thì lâu hơn, khoảng 1- 1,5 tháng. Không chỉ mang lại nguồn thực phẩm an toàn, những tháp rau này còn là công cụ để các cháu nhỏ nhà tôi được tiếp xúc với tự nhiên, học cách làm việc nhà đơn giản như tưới rau, nhặt rau, chăm rau, bỏ rác vào ống tháp…; những điều mà trẻ em ở thành phố thời nay ít được làm”.
Ông Trần Đức Tú, chuyên viên Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) nhận định, tháp rau hữu cơ là một trong những mô hình hiệu quả cho các hộ gia đình khi không gian nhỏ hẹp vẫn tạo ra sản phẩm bảo đảm về số lượng và chất lượng. Làm từ những vật liệu tái chế và sử dụng cá thể có sẵn, so với dùng thùng xốp hay khoảng không tận dụng như các gia đình đang làm hiện nay, tháp rau này có nhiều ưu điểm nổi bật hơn hẳn, nên khuyến khích nhân rộng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong thời gian tới, mô hình tháp rau hữu cơ sẽ được lắp đặt ở một số trường mầm non để các trường có thể tự sản xuất rau quả cho các bé sử dụng. Với những ưu điểm kể trên, có thể thấy, đây là hướng đi mới, phù hợp có việc phát triển nền nông nghiệp hiện đại của thành phố hiện nay.
Trích nguồn từ Báo điện tử Đà Nẵng