"Theo kế hoạch, Trung tâm vũ trụ sẽ xây dựng cuối năm nay, dự kiến đến năm 2018 hoàn thành với sự giúp đỡ của Nhật Bản", tiến sĩ Doãn Minh Chung, viện trưởng Viện Công nghệ vũ trụ Việt Nam nói tại Lễ kỷ niệm 5 năm thành lập viện hôm qua.
Khi đi vào hoạt động, Trung tâm vũ trụ Việt Nam là nơi nghiên cứu và sản xuất vệ tinh nhỏ phục vụ nhu cầu dự báo thời tiết, thăm dò, quan trắc trái đất, thu phát sóng truyền thanh - truyền hình, phục vụ an ninh quốc phòng như quan trắc tàu biển ra vào, tàu nước ngoài xâm nhập lãnh thổ Việt Nam.
Trung tâm vũ trụ Việt Nam có diện tích 9 ha, được xây dựng tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội. Dự án xây dựng trung tâm này được Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện với sự hỗ trợ thiết kế, xây dựng của Nhật Bản.
Năm 2009, Viện Công nghệ vũ trụ đã thực hiện dự án vệ tinh nhỏ VNREDSat- 1- vệ tinh viễn thám quang học đầu tiên của Việt Nam với sự hỗ trợ của Pháp, có thể quan sát trái đất ở độ cao gần 700 km. Vệ tinh này sẽ được phóng lên vào năm 2014.
Tiếp theo dự án VNREDSat- 1, Viện Công nghệ vũ trụ tiếp tục tham gia dự án VNREDSat- B1 hợp tác với công ty SpaceBel của Bỉ.
"Nếu có vệ tinh riêng, Việt Nam sẽ chủ động được nguồn tư liệu ảnh vệ tinh, chủ động vị trí, tọa độ cần chụp ảnh, theo dõi hiện trạng mặt đất, biển Đông, hải đảo, không phụ thuộc vào nước ngoài", tiến sĩ Chung nhấn mạnh.
Tiến sĩ Chung nói thêm: "Đến năm 2020, Việt Nam sẽ làm chủ vệ tinh quan sát trái đất, năm 2030, tiến tới tự lắp ráp và điều khiển vệ tinh trên quỹ đạo, đưa công nghệ vũ trụ trở thành ngành công nghiệp quan trọng của nước nhà".a