Khai trương "IoT coworking space" đầu tiên tại Đà Nẵng

Cộng đồng khởi nghiệp IoT Thành phố biển quy tụ để kết nối, đồng hành và sáng tạo, sẻ chia

Lần đầu tiên, một không gian làm việc dành riêng cho các Nhóm khởi nghiệp trẻ trên nền tảng IoT tại Đà Nẵng, đã chính thức đi vào hoạt động. “Quy tụ - Kết nối – Đồng hành sáng tạo và Sẻ chia” là những gì mà các thành viên sáng lập hướng đến. Tất cả để hòa nhịp cùng trào lưu mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thôi thúc.

Đại diện Hội đồng Quản trị,Giám đốc dự án IOT Coworking Space (IOTVN), Cổng Thông tin điện tử TP, Trung tâm Thông tin Khoa học – Công nghệ Đà Nẵng và Hội Doanh Trẻ Việt Nam cắt băng khai trương IoT coworking space" đầu tiên tại Đà Nẵng.

-Ảnh: T.N.     


Khởi nghiệp theo xu thế 4.0

Không gian làm việc chung dành riêng cho mô hình IoT (IoT coworking space) chính thức được khai trương, đi vào hoạt động sáng 5/5/2018 là một phần của Không gian làm việc chung dành cho các Nhóm khởi nghiệp trẻ tại tòa nhà 63 Phan Đăng Lưu, Phường Hòa Cường Nam, Quận Hải Châu, Đà Nẵng.

“Cảm nhận đầu tiên của tôi là sự hứng thú khi Đà Nẵng chúng ta có một IoT coworking space riêng biệt. Không gian làm việc chung thì đã có dưới dạng này, dạng khác cách đây 2 năm, theo xu thế đón đầu trào lưu khởi nghiệp.

Nhưng hôm nay, cái định hình tạo nên hứng khởi khác biệt là không gian làm việc chung mà lại dành riêng cho IoT.

Điều này rất có ý nghĩa với những mô hình khởi nghiệp theo xu thế cách mạng công nghiệp 4.0 tại địa bàn Đà Nẵng” – ông Trần Đình Tuấn, Giám đốc Trung tâm Thông tin Khoa học – Công nghệ chia sẻ.

Không gian làm việc chung dành cho các Nhóm khởi nghiệp trẻ, trong đó có IoT coworking space riêng biệt do Công ty Cổ phần IoT Việt Nam (IOTVN) làm Chủ đầu tư.

IOTVN được thành lập với khát khao của các sáng lập viên và những cổ đông đầu tiên rất lớn: Đó là mang lại những giải pháp công nghệ tiên tiến nhất trong ứng dụng vào đời sống giúp cuộc sống trở nên dễ dàng hơn, hiện đại hơn và thông minh hơn.

Một phiên làm việc nhóm của một doanh nghiệp khởi nghiệp tại IOT SPACE (63 Phan Đăng Lưu, Đà Nẵng).

Ảnh: Trịnh Công Duy. 


Tòa nhà IOT SPACE tại 63 Phan Đăng Lưu, Đà Nẵng là “đại bản doanh khởi nghiệp đầu tay” của IOTVN. Đi vào hoạt động từ (tháng 01 năm 2018), đến nay, 70% tòa nhà đã được lấp đầy. Tổng số nhân sự hiện đang làm việc tại tòa nhà lên đến 150 người. Hầu hết, đều là kỹ sư, lập trình viên, chuyên viên thiết kế trong lĩnh vực IoT, Blockchain (dịch vụ công nghệ cho phép truyền tải dữ liệu một cách an toàn dựa vào hệ thống mã hoá), 3D Map, VR (Thực tế ảo), AI (Trí tuệ nhân tạo)...

Bên cạnh đó còn có một doanh nghiệp khởi nghiệp thức uống (Coffee) ngay tại đây và phục vụ trở lại cho những doanh nghiệp khởi nghiệp còn lại.

Dấu ấn mới với sản phẩm đầu tay

Là một trong các sáng lập viên của IOTVN, Thạc sỹ Trịnh Công Duy (Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Phần mềm Đại học Đà Nẵng) khẳng định rằng “Ngoài việc giới thiệu, đem lại những công nghệ (phát triển từ IoT) mới nhất,  IOTVN còn nghiên cứu, phát triển và tích hợp những công nghệ hiện đại nhất vào mọi giải pháp do IOTVN cung cấp”.

Một trong những dự án đầu tiên tiên hình thành tại ngôi nhà chung IOT SPACE là bộ bản đồ 3D của Nhóm XinkCiti (1 trong 9 doanh nghiệp khởi nghiệp đang làm việc tại đây).

Một Nhà đầu tư chuyên sâu, luôn “hướng đến cộng đồng khởi nghiệp trẻ” đã mạnh dạn định giá trị cho bộ bản đồ này là 3 triệu USD.

Một điều đáng để tự hào là từ ngôi nhà chung IOT SPACE này, chúng ta đã có sản phẩm góp phần xây dựng Thành phố Thông minh” – Thạc sỹ Trịnh Công Duy.

-Ảnh: T.N. 


Đây là một bản đồ vô cùng tiện ích vì có thể triển khai rất nhiều ứng dụng (App) trên nền dữ liệu. Có thể kể đến các ứng dụng phục vụ quản lý quy hoạch đô thị, xây dựng ; phân bổ lắp đặt đồng bộ hệ thống thiết bị quan sát (camera giao thông, an ninh – trật tự) – quan trắc (môi trường, thời tiết) để thu thập dữ liệu đúng theo thời gian thực. 

Bên cạnh đó còn có hàng loạt ứng dụng dành cho quản lý, điều tiết giao thông, đặc biệt triển khai các giải pháp ứng cứu trong mọi tình huống khẩn cấp, thiên tai,…“Bản đồ 3D XinkCiti đáp ứng nhiều đòi hỏi cao của các mô hình xây dựng Thành phố Thông minh.

“Và điều đáng tự hào là toàn bộ sản phẩm này được phát triển bởi đội ngũ kỹ sư Đà Nẵng tại ngôi nhà chung IOT SPACE” – Thạc sỹ Trịnh Công Duy tự hào nói.

Ông Bùi Ngọc Vinh – Giám đốc dự án IOT Coworking Space của IOTVN - cho biết thêm: IOTVN đã có sự chuẩn bị khá bài bản cho các Nhóm khởi nghiệp trẻ đến làm việc tại đây nói chung, cũng như Nhóm/dự án khởi nghiệp trên nền tảng IoT nói riêng.
 
Bên cạnh nhiều tiện ích và một không gian làm việc hiện đại, Ban Quản trị Coworking còn kết nối các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực như Luật – Sở hữu trí tuệ - Thương mại điện tử - Quản trị kinh doanh hiện đại, sẵn sàng tư vấn cho từng dự án. Bên cạnh đó, hỗ trợ kết nối các dự án với các Nhà đầu tư.

“Chúng tôi mong ước dần hình thành và tạo nên một Cộng đồng Khởi nghiệp IoT thực sự tại Đà Nẵng. Do vậy sẽ phải nỗ lực rất nhiều để hoàn thành trách nhiệm của “một bà đỡ mát tay”, giúp các dự án thành công.

Chúng tôi sẽ giúp đỡ từ khâu ươm mầm, tư vấn tầm nhìn – chiến lược phát triển, tuyển dụng nhân sự và trong tương lai gần, sẽ có những semimar nhỏ về sản phẩm của 9 nhóm khởi nghiệp IoT đang làm việc tại đây” - Thạc sỹ Trịnh Công Duy phân tích thêm.

Trong câu chuyện cùng ICTDANANG, ông Bùi Ngọc Vinh cũng bày tỏ những dự định trong tương lai từ mô hình Đà Nẵng: Chúng tôi đang có kế hoạch phát triển thêm những coworking về Blockchain; Outsourcing (dịch vụ thuê làm phần mềm), coworking chuyên sâu về hạ tầng viễn thông, hoặc cũng là IoT tại các địa bàn như Nha Trang, Đà Lạt. Ở những địa bàn đã và đang có sự phát triển mạnh về du lịch, nhu cầu về các lĩnh vực vừa nêu rất lớn.

Giám đốc dự án IOT Coworking Space của IOTVN, ông Bùi Ngọc Vinh.

-Ảnh:T.N


Chúng tôi – Chúng ta hãy cùng đồng hành

Phó Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Đà Nẵng ông Lâm Tùng Giang rất tâm đắc với “cách làm” của IOTVN: “Một mô hình hay, đáng nhân rộng. IOTVN cũng một dự án khởi nghiệp nhưng khởi nghiệp bằng cách hỗ trợ, chia sẻ, giúp đỡ lại cho các ý tưởng/dự án khởi nghiệp khác. Kết quả cuối cùng là tạo nên một Cộng đồng cùng nhau khởi nghiệp. Rất hay !”

Ông Lâm Tùng Giang cũng cho biết Cổng Thông tin điện tử Đà Nẵng sẵn sàng phối hợp cùng IOTVN tổ chức các seminar quy mô nhỏ để giới thiệu, lan tỏa tiện ích, quảng bá sản phẩm của các Nhóm khởi nghiệp tại đây.

“Cái khó hiện nay là sản phẩm của các Nhóm khởi nghiệp chưa đến được với đối tượng có nhu cầu. Dù về công năng, tiện ích sản phẩm ứng dụng đó rất tốt. Ở đây có nhiều yếu tố mà sắp tới cần có sự đồng hành mạnh mẽ hơn.

Chẳng hạn cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước và kể cả khối tư nhân hãy tạo điều kiện để doanh nghiệp khởi nghiệp nói chung, doanh nghiệp khởi nghiệp IoT nói riêng, trên địa bàn Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ hơn, bằng cách” “mở đường” trong tiếp cận những đơn hàng. Ở đâu có ý tưởng, có sản phẩm tốt thì quan tâm đầu tư hoặc mua về sử dụng. Có như vậy mới giúp doanh nghiệp tự khởi nghiệp có chỗ đứng” – ông Giang nói.

Cũng theo ông Giang, bản thân doanh nghiệp khởi nghiệp nói chung, doanh nghiệp khởi nghiệp trên nền tảng IoT nói riêng cũng cần phải đào sâu suy nghĩ nhiều hơn.

Phó Giám đốc Cổng Thông tin điện tử TP Đà Nẵng ông Lâm Tùng Giang  (bên trái)

và Giám đốc Trung tâm Thông tin Khoa học – Công nghệ Đà Nẵng ông Trần Đình Tuấn và lãnh đạo nhiều doanh nghiệp phần mềm, đại diện các dự án khởi nghiệp đã đến chung vui và chia sẻ cùng IOTVN.

-Ảnh: T.N. 

Nên chọn phát triển những sản phẩm mà cộng đồng thực sự đang rất cần, tính phổ dụng cao. Không nên nghĩ đến những ứng dụng cao xa, cao siêu. 

Nếu trả lời, thỏa mãn được những đòi hỏi của cuộc sống, tất yếu, doanh nghiệp đó “trụ được và phát triển bền vững”.

Có thể nói, không gian làm việc đầu tiên, dành riêng cho các Nhóm khởi nghiệp trẻ trên nền tảng IoT tại Đà Nẵng đã ra đời, khi yêu cầu cấp thiết, hướng đến phát triển bền vững của cộng đồng khoa học – công nghệ Đà Nẵng, được gói gọn trong “slogan”: Đồng hành – Kết nối – Chia sẻ - Sáng tạo – Đồng hành.

Thông điệp đồng hành, vì thế, đã được hiểu như một động tác tiếp sức kịp thời và phải có, nếu không, sẽ mong manh dần mọi tâm huyết sáng tạo.    

Ông Trần Đình Tuấn - Giám đốc Trung tâm Thông tin Khoa học – Công nghệ Đà Nẵng rất đồng tình với “những mệnh lệnh từ yêu cầu phát triển này”. Ông nhấn mạnh “Sàn Giao dịch công nghệ - Sàn Ý tưởng mà Trung tâm Thông tin Khoa học – Công nghệ Đà Nẵng được giao trách nhiệm quản lý, quản trị, sẽ sẵn sàng là bà đỡ cho mọi ý tưởng, dự án.

Thông qua 2 Sàn giao dịch này, chắc chắn mỗi ý tưởng, mỗi dự án sẽ nhận được nhiều ý kiến từ các Nhà Tư vấn hoặc Nhà Đầu tư. Có khi là của chính các Cộng đồng khởi nghiệp bè bạn”.

Trên nền tảng IoT và những gì mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo dựng nên, hãy cùng “Quy tụ - kết nối - đồng hành sáng tạo và sẻ chia” để cùng làm nên những giá trị mới cho Đà Nẵng.

Và ngày 5/5/2018, đã đánh dấu về sự quy tụ - kết nối - đồng hành sáng tạo và sẻ chia mới mẻ ấy ở Đà Nẵng qua sự kiện: Một không gian làm việc dành riêng cho các Nhóm khởi nghiệp trẻ trên nền tảng IoT tại Đà Nẵng chính thức hoạt động.

T.Ngọc

http://techmartdanang.vn