Khan hiếm lao động có chuyên môn cao ngành du lịch

Những năm gần đây, doanh nghiệp du lịch đầu tư vào thành phố Đà Nẵng phát triển mạnh. Tuy nhiên, việc đào tạo nhân lực chưa đi liền với đầu tư xây dựng dự án và do đó, sự thiếu hụt trầm trọng về lực lượng lao động có kỹ năng cao cho thị trường cũng như sự khan hiếm lực lượng lao động, đặc biệt là cấp quản lý đang là những vấn đề nổi cộm. Những vấn đề này đã được đưa ra bàn thảo, nghiên cứu tại hội thảo “Nhân lực du lịch – thực trạng giải pháp” do Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng tổ chức vào ngày 21-6.


Tham gia Hội thảo có lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại diện các doanh nghiệp và đông đảo giảng viên, học viên đến từ các trường đại học, cao đẳng dạy nghề trên địa bàn thành phố.

Năm 2012, tổng lượt khách tham quan, du lịch đến Đà Nẵng ước đạt 2,65 triệu lượt, tăng 12% so với năm 2011; thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch đạt 6 ngàn tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2011. Mục tiêu đến năm 2015, Đà Nẵng đón 4 triệu lượt khách du lịch và 8,1 triệu lượt vào năm 2020.

Ông Ngô Quang Vinh - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại hội thảo

Theo số liệu điều tra nguồn nhân lực du lịch năm 2011, tổng số lao động du lịch trên địa bàn thành phố gần 14 ngàn người, tỷ lệ lao động được đào tạo đúng chuyên môn về du lịch chiếm 40%. Dự báo đến năm 2015, thành phố sẽ có hơn 31 ngàn lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch, số lao động được đào tạo nghiệp vụ đạt từ 60 -65% và 100% cán bộ quản lý ngành sẽ được bồi dưỡng về nghiệp vụ.

Tuy nhiên, thực tế là các cơ sở đào tạo hiện mới chỉ đáp ứng được 1/5 nhu cầu. Tỷ lệ lao động được đào tạo đúng chuyên môn còn thấp, chiếm 40,6% số lao động toàn ngành. Số lao động sau khi được tuyển dụng có thể sử dụng ngay đối với lĩnh vực lữ hành chỉ có 41,5%, khách sạn là 62,6%, thấp nhất là lĩnh vực nhà hàng, chỉ có 28,8%. Số lượng hướng dẫn viên được học đúng chuyên ngành được cấp thẻ chỉ chiếm 5% trên tổng số hướng dẫn viên hiện có. Đặc biệt, số lao động có trình độ ngoại ngữ chỉ chiếm 38% trên tống số lao động du lịch toàn thành phố. Để giải quyết bài toán về nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển của du lịch, Đà Nẵng cần phải giải quyết mâu thuẫn giữa cung và cầu nguồn nhân lực, giữa đào tạo lý thuyết và thực hành, giữa đào tạo chuyên môn và ngoại ngữ...

Khuyến khích sinh viên làm việc bán thời gian nhận thù lao tại các doanh nghiệp du lịch

Theo TS. Trương Sỹ Quý, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng, việc phát triển khá nhanh và quy mô lớn của các doanh nghiệp du lịch, đào tạo du lịch có nhiều thuận lợi nhưng chất lượng đào tạo vẫn chưa đạt được mong muốn của các doanh nghiệp, dẫn đến việc các doanh nghiệp du lịch hiện không có “niềm tin chiến lược” vào nhà trường và quá trình đào tạo của nhà trường.
Sự thiếu hụt nhân lực du lịch và hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ đang dẫn tới sự cạnh tranh thu hút, tạo sức ép chi phí lên doanh nghiệp đồng thời dẫn đến giảm sút chất lượng phục vụ du lịch. Do đó, cần phải có một chương trình quảng bá về nghề du lịch, giúp người học và gia đình người học hiểu đúng về nghề với những vinh quang và cay đắng của nghề. Đồng thời, xây dựng quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp, đưa các giảng viên đến làm việc thực tế trong các doanh nghiệp du lịch, khuyến khích sinh viên làm việc bán thời gian nhận thù lao tại các doanh nghiệp du lịch, dành thời gian thỏa đáng cho rèn luyện kỹ năng phục vụ, kỹ năng quản trị cấp tổ, nhóm người lao động.

http://techmartdanang.vn