Khát vọng đô thị kiểu mẫu

Đà Nẵng là một trong số ít những thành phố đã áp dụng các chính sách khá mới mẻ và hiệu quả.  

Chưa thể sánh được với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh về tiềm lực kinh tế và quy mô đô thị nhưng môi trường sống ở Đà Nẵng lại được đánh giá cao hơn. Mỗi khi có dịp đến thành phố miền Trung này, người Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh đều xuýt xoa, ước mong thành phố của họ cũng được như thế: không kẹt xe, không khí trong lành và không gian yên bình.

Tòa nhà Trung tâm Hành chính đang được xây dựng ở con đường trung tâm Trần Phú; theo kế hoạch, hầu hết các sở, ban, ngành của thành phố sẽ được chuyển về đây. 			Ảnh: NGỌC TRÂN
Tòa nhà Trung tâm Hành chính đang được xây dựng ở con đường trung tâm Trần Phú; theo kế hoạch, hầu hết các sở, ban, ngành của thành phố sẽ được chuyển về đây. Ảnh: NGỌC TRÂN

Mạnh dạn, quyết liệt

Mặc dù chưa được bất cứ tổ chức nào công nhận, nhưng theo ý kiến của nhiều người, Đà Nẵng là “Thành phố đáng sống nhất”. Để đạt được những thành tựu như hôm nay, ngoài những giải pháp chung giống các địa phương khác, chính quyền Đà Nẵng còn đề ra các chính sách riêng, mới mẻ; và thực hiện chúng một cách quyết liệt, mạnh dạn.

Chính quyền Đà Nẵng rất chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Khi giải phóng mặt bằng để làm đường, thường lấy vào thêm hai bên đường mới một khoảng không khoảng 25mét, sau đó quy hoạch và bán đấu giá đất. Việc này giúp tạo ra những con đường khang trang, xây dựng đồng bộ, tránh được tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo.

Bên cạnh đường sá, thành phố còn quan tâm xây dựng nhiều cầu và khu đô thị mới. Ngay từ đầu năm 2011, trong khi nhiều địa phương còn loay hoay tìm giải pháp xây nhà ở xã hội, thành phố Đà Nẵng đã hoàn thành và bàn giao một số căn hộ loại này, với giá khoảng 5,2 triệu đồng/m2. Giá bán căn hộ cho cán bộ, công chức cũng chỉ chừng đó và tại những khu vực không xa trung tâm thành phố. Hiện nay lại có thêm dự án Nest Home bán tự do, giá chỉ 8,4 triệu đồng/m2 và cũng ở một nơi cách trung tâm thành phố 5 phút xe gắn máy.

Về mặt kinh tế, Đà Nẵng đã đề ra một số chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính Trung ương, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, từng yêu cầu các ngân hàng hạ lãi suất cho vay: “Nếu các ngân hàng không hạ lãi suất theo quy định và tiếp tục hành người đi vay, tôi sẽ công khai tên, tuổi từng ngân hàng cho toàn dân biết. Đến lúc đó, người dân sẽ hiểu và chắc chắn sẽ không đem tiền đến gởi và giao dịch với ngân hàng nữa, để xem các nhà băng sống như thế nào...”. Cuối năm 2012, ông đã nêu tên các ngân hàng chưa chịu hạ lãi suất như Ngân hàng Bắc Á, Hàng hải Việt Nam và Ngân hàng Phát triển Mê Kông.

Chính quyền Đà Nẵng đã hỗ trợ doanh nghiệp cả bằng cách giảm thuế, giãn nộp thuế. Chính quyền cũng dự định xây dựng quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với 1/3 nguồn vốn từ ngân sách thành phố, 1/3 của các ngân hàng và 1/3 của các doanh nghiệp theo hình thức cổ phần. Thành phố đang tìm cách thu hồi các dự án chậm tiến độ để giao cho các doanh nghiệp có khả năng tài chính.

Không chỉ tập trung cho tăng trưởng kinh tế, Đà Nẵng còn quan tâm đến bảo vệ môi trường. Thành phố đã rút giấy phép dịch vụ bắn súng sơn tại khu du lịch của Công ty Trường Mai vì lo ngại trò chơi này có thể gây nguy hiểm cho một số loài động vật quý hiếm. Hơn nữa, việc có quá nhiều người vào rừng đặc dụng sẽ gây khó khăn cho vấn đề bảo vệ rừng.

Để mời gọi người tài, chính quyền tổ chức thi tuyển cán bộ và không tuyển người tốt nghiệp hệ tại chức. Họ cũng tìm cách thu hút người tài và kết quả là đã thu hút được hơn 1.030 người; trong đó có 13 tiến sĩ và  224 thạc sĩ. Thu hút được nhờ hỗ trợ một lần với mức tiền tương ứng với bằng cấp (đại học loại giỏi 15 triệu đồng, thạc sĩ 20 triệu đồng, tiến sĩ 60 triệu đồng), trợ cấp hằng tháng trong 5 năm, tạo môi trường làm việc hợp lý, bố trí chỗ ở.  

“Chính sách thu hút nhân tài đã giúp Đà Nẵng trẻ hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bổ sung nhân lực kịp thời, tăng nguồn nhân lực có trình độ, dám nghĩ, dám làm góp phần vào sự phát triển của thành phố”, ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng, nhận xét.

Trong lĩnh vực văn hóa - du lịch, Đà Nẵng đã xây dựng được thương hiệu thông qua thi bắn pháo hoa quốc tế, giúp thu hút hàng vài chục nghìn lượt khách đến đây mỗi khi cuộc thi này diễn ra. Sân bay Đà Nẵng cũng đã được nâng cấp và thành phố đã hỗ trợ để duy trì các đường bay quốc tế. Nhờ vậy giờ đã có hơn 10 đường bay nối Đà Nẵng với Siem Reap, Seoul, Hong Kong, Singapore, Thượng Hải...

Chính quyền thành phố còn xây dựng Chương trình “5 không”: không hộ đói, không người mù chữ, không người lang thang xin ăn, không người nghiện ma túy trong cộng đồng, không giết người cướp của và :3 có”: có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa văn minh đô thị. Và từ cuối năm 2000, Đà Nẵng đã hoàn thành mục tiêu không hộ đói. Đến năm 2002 thì hoàn thành mục tiêu xóa mù chữ; tập trung được hơn 1.500 lượt người lang thang xin ăn vào Trung tâm Bảo trợ xã hội; kiềm chế được tội phạm về ma túy. 

Đây cũng là địa phương đầu tiên tổ chức chương trình đổi mũ bảo hiểm tốt cho người dân, dẹp được nạn đua xe trái phép bằng cách tịch thu xe. Từng bị các đại biểu Quốc hội chất vấn về cách làm này nhưng nguyên Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh vẫn kiên quyết. Ông nói: “Đua xe không chỉ gây nguy hiểm cho kẻ đua mà còn gây nguy hại cho những người xung quanh nên chúng tôi sẽ tiếp tục làm mạnh tay và đến cùng”.

Một việc làm khác cũng chưa từng có tiền lệ là xây dựng Bệnh viện Ung thư và Bệnh viện Phụ nữ với tiền do các nhà hảo tâm trong và ngoài nước đóng góp.

Còn khó khăn

Bước đầu Đà Nẵng đã thành công trong việc xây dựng một thành phố đáng sống. Tuy nhiên, trong quá trình vươn lên, thành phố này đã mắc phải một số vấn đề.

Trước hết là bất động sản. Đất đai ở Đà Nẵng hẳn nhiên phải có giá nên là nguồn thu ngân sách của thành phố. Chính quyền Đà Nẵng đã bán đi các khu đất kim cương hay đất vàng, và cả các bãi biển cho các công ty xây dựng khách sạn, trung tâm thương mại, chung cư cao cấp…

Nếu các dự án thành công thì chẳng có gì để nói. Nhưng việc xây dựng ồ ạt đã khiến bất động sản du lịch, căn hộ, văn phòng cho thuê ngày càng dư thừa. Rồi các công ty không tiền, chỉ có giấy phép thì bỏ hoang những khu đất đắc địa ở trung tâm thành phố, với các hàng rào xấu xí bao quanh hết năm này sang năm khác.

Tòa tháp đôi cao nhất miền Trung - Viễn Đông Meridian Towers, chẳng hạn, đã được Công ty CP Địa ốc Viễn Đông Việt Nam làm lễ khởi công vào cuối tháng 7-2009 trên một khu đất kim cương. Tuy nhiên, nay nó vẫn chỉ là bãi đất trống, dẫu công ty đã cam kết hoàn thành Dự án vào cuối năm 2012. Đối diện với dự án đó là dự án Golden Square do Công ty Địa ốc Đông Á làm chủ đầu tư, khởi công hồi đầu năm 2008 nhưng đến nay mới chỉ xây thô được hai tầng và căn hộ mẫu.

Một khu đất kim cương khác nằm gần đó được giao cho Công ty CP Địa ốc Vũ Châu Long đầu tư xây dựng khu thương mại, khách sạn, căn hộ cao cấp cũng chẳng có động tĩnh gì từ vài năm nay, sau khi đã ép cọc làm móng xong.  

Dự án Khu đô thị lấn biển Thanh Bình 210ha do Công ty Hàn Quốc Daewon Cantavil đầu tư gần cầu Thuận Phước, với nhiều hạng mục, từ trung tâm thương mại, khách sạn cho đến biệt thự, sân golf hiện cũng chỉ mới xây xong cái hàng rào dài cả cây số và đổ được một ít đất lấn biển. Các bãi biển khác cũng đã bị bán gần hết để làm khách sạn, khu nghỉ mát, chỉ còn giữ lại được một số bãi tắm ở khu vực Sơn Trà.  

Bất kỳ người dân nào khi đi qua các khu vực nói trên đều cảm thấy tiếc nuối cho thành phố xinh đẹp của mình. Và những người con xa xứ mỗi khi trở về đều cảm thấy buồn bã trước cảnh rào chắn không mấy văn minh này.

Theo quy hoạch, Sân vận động Chi Lăng ở trung tâm thành phố cũng sẽ được di dời, dành đất xây dựng khu phức hợp thương mại và dịch vụ.

Chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, Đà Nẵng còn gặp phải những khó khăn khác. Đặc biệt, thành phố tăng trưởng cao trong những năm qua một phần lớn nhờ huy động được vốn từ việc khai thác quỹ đất (chiếm đến 1/3 thu ngân sách), song nguồn thu này đang giảm sút mạnh do các doanh nghiệp gặp khó khăn, nhiều dự án bị đình trệ.  

Cũng liên quan đến vấn đề đất đai, tại Hội thảo “Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2013 của Đà Nẵng” hôm 26-6, một cuộc khảo sát độc lập với sự tham gia của 13.000 doanh nghiệp về chỉ số năng lực cạnh tranh của Đà Nẵng năm 2013 đã được công bố. Theo khảo sát này, có đến 63% doanh nghiệp cho biết hợp đồng đất đai và các nguồn lực kinh doanh khác chủ yếu rơi vào tay các doanh nghiệp có liên quan chặt chẽ với chính quyền. Và 46,5% doanh nghiệp phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức; 48,5% doanh nghiệp gặp nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục.

Ngay sau khi nghe kết quả của cuộc khảo sát, ông Trần Thọ, lúc đó là Phó Bí thư Thường trực phụ trách Thành ủy, nay là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã thừa nhận lỗi: Các sở, ban, ngành làm việc không đến nơi đến chốn, còn yếu kém. Ông hứa sẽ chỉ đạo khắc phục tình trạng trên.

Bên cạnh các vấn đề có nguyên nhân chủ quan, các tác động khách quan từ môi trường tự nhiên cũng là mối lo của thành phố. Ông Tô Quang Toán thuộc Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, đơn vị đã xây dựng bản đồ ngập lụt Đà Nẵng, đã có báo cáo về những vấn đề liên quan đến các vấn đề về lượng mưa, mức độ ngập lụt, tình trạng nước biển dâng tại Đà Nẵng.

Theo ông, tình hình thời tiết khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp; trong tương lai, mức nước biển tại Đà Nẵng sẽ tăng từ 65 - 100cm.  

Xây nơi đáng sống

Trước đây, Đà Nẵng đã đặt ra những mục tiêu tổng quát cần đạt được cho đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XX Đảng bộ thành phố Đà Nẵng đã đề ra năm hướng đột phá chiến lược. Đó là phát triển dịch vụ; phát triển công nghệ cao, công nghệ thông tin; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và phát triển nhanh nguồn nhân lực cao.

Chính quyền thành phố đã ban hành một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Theo đó, các loại hình công nghệ được hỗ trợ bao gồm: công nghệ tạo sản phẩm mới, sản phẩm công nghệ cao; công nghệ nhằm nâng giá trị gia tăng, cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm; thực hiện cải tiến công nghệ, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động; sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng… Đối tượng được hỗ trợ là các doanh nghiệp, chú trọng doanh nghiệp nhỏ và vừa; hợp tác xã thực hiện đổi mới, cải tiến công nghệ; các tổ chức, cơ sở đào tạo, nghiên cứu và cá nhân nghiên cứu ứng dụng và triển khai, cải tiến, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp...

Thủ tục đầu tư vào khu công nghệ cao cũng được sửa theo hướng đơn giản; các thủ tục, quy trình đầu tư đều được vẽ thành sơ đồ rõ ràng, minh bạch với thời gian giải quyết cụ thể, được dịch sang tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Hàn và tiếng Hoa. Thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, làm con dấu, thủ tục giao và cho thuê đất, thủ tục hải quan đối với các doanh nghiệp đã được rút ngắn còn khoảng 5-7 ngày; riêng thời gian làm thủ tục hải quan thì tùy mặt hàng.  

Đà Nẵng đang mong muốn đạt GDP trên đầu người khoảng 3.200 USD vào năm 2015 và hết hộ nghèo. Để so sánh, GDP năm 2012 của thành phố đã lên gần 2.500 USD. Thành phố cũng muốn ưu tiên phát triển ngành dịch vụ và công nghiệp hiện đại, ít gây ô nhiễm môi trường; kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp phần mềm.

Về văn hóa, Đà Nẵng đang tập trung đầu tư xây dựng công viên văn hóa Ngũ Hành Sơn gắn với nâng tầm tổ chức Lễ hội Quán Thế Âm, triển khai cuộc thi điêu khắc đá quốc tế và nâng cao tính chuyên nghiệp trong tổ chức cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế, từng bước xây dựng thương hiệu “thành phố sự kiện”. Đồng thời, chính quyền thành phố  cho biết sẽ thúc đẩy việc hoàn thành các dự án du lịch ven biển, xúc tiến đầu tư khu phức hợp du lịch quốc tế Làng Vân.

Đà Nẵng đang phấn đấu để đến năm 2020 trở thành một “thành phố có môi trường đô thị văn minh và giàu tính nhân văn, có thiên nhiên trong lành và đời sống văn hóa cao, làm giàu bằng kinh tế tri thức; một trong những thành phố hài hòa, thân thiện, an bình; một thành phố hấp dẫn và đáng sống”, như nghị quyết trên nêu. Muốn được như thế, hẳn lãnh đạo ở đây phải cương quyết ra tay dẹp nạn “rào tôn xí đất” của một số doanh nghiệp, đừng tiếp tục lấn cấn thêm nữa.

 

http://techmartdanang.vn/