KH&CN Thái Bình: Cần tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực

Thái Bình là một tỉnh nông nghiệp, có diện tích 1.570 km2, dân số 1,8 triệu người. Xác định KH&CN là đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, tỉnh đã triển khai 183 chương trình, đề tài/dự án KH&CN trọng điểm, trong đó có hơn 90% kết quả đề tài/dự án đã được ứng dụng vào sản xuất đạt hiệu quả cao. Một số kết quả tiêu biểu có thể kể đến là, trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn: đã khảo nghiệm được 436 giống lúa, 282 giống cây màu các loại, tuyển chọn được nhiều giống có năng suất, chất lượng bổ sung vào cơ cấu giống cây trồng của tỉnh, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận là giống quốc gia (các giống lúa CNR36, TBR1, BC15, TBR36, Thái Xuyên 111; giống lạc TB25). Trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ: đã hỗ trợ cho 65 doanh nghiệp với tổng kinh phí gần 9 tỷ đông nghiên cứu đổi mới công nghệ và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và quảng bá thương hiệu; có hơn 200 sản phẩm, hàng hoá đã được bảo hộ nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp; 7.600 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất; xây dựng được bản đồ kỹ thuật số về an toàn bức xạ, phóng xạ môi trường… Theo số liệu thống kê của Ban KH&CN địa phương, giai đoạn 2006-2010, trong khi nhiều tỉnh ở khu vực Đồng bằng sông Hồng và trong cả nước, tỷ lệ tăng trưởng ở các khu vực nông nghiệp, công nghiệp đều giảm thì Thái Bình luôn đạt tốc độ dương tương ứng là 1,6 và 1,7 lần. Đây là kết quả rất ấn tượng của địa phương nhờ xác định đúng trọng tâm, trọng điểm trong phát triển kinh tế - xã hội.

Với mục tiêu thúc đẩy hơn nữa hoạt động KH&CN tại địa phương, ngày 14.3.2012, đoàn cán bộ Bộ KH&CN do Bộ trưởng Nguyễn Quân dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Thái Bình. Tham dự buổi làm việc có Lãnh đạo tỉnh Thái Bình và các

 sở, ban ngành của tỉnh. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Quân đã đánh giá cao quyết tâm của Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Bình trong việc xác định phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KH&CN. Bộ trưởng cho biết, trong nhiệm kỳ này, Chính phủ đã chủ trương tập trung hỗ trợ phát triển KH&CN cho 5 tỉnh/thành phố gồm: Quảng Ninh, Trà Vinh, Ninh Bình, Đà Nẵng và Thái Bình. Đây là những địa phương tiêu biểu có nhiều thành tích trong ứng dụng kết quả KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Trong thời gian qua, Bộ KH&CN đã hỗ trợ Thái Bình một số nhiệm vụ cụ thể thông qua các Chương trình nông thôn, miền núi, Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, tuy nhiên, theo Bộ trưởng các hỗ trợ đó chưa đủ mạnh để đưa Thái Bình bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Bộ trưởng đề nghị, Thái Bình cần lựa chọn, đề xuất, tập trung phát triển những sản phẩm chủ lực của địa phương, thông qua đó Bộ KH&CN sẽ có những hỗ trợ cụ thể. Bộ trưởng cũng đề nghị một số vấn đề gồm: 1) Các đơn vị chức năng của Bộ cần cụ thể hoá các chương trình hỗ trợ cho Thái Bình một cách chi tiết, tập trung ưu tiên cho Thái Bình cũng như 4 tỉnh/thành phố nêu trên nhằm giúp các tỉnh trở thành các địa phương kiểu mẫu về phát triển KH&CN trong cả nước; 2) Tạo được sự liên kết giữa trung ương và địa phương thông qua việc huy động được các trường đại học, viện nghiên cứu ở Trung ương chuyển giao các công nghệ thích hợp cho Thái Bình, giúp nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá; 3) Bộ KH&CN cam kết tập trung lực lượng, trí tuệ thực hiện tốt chương trình phối hợp giữa Bộ và tỉnh nhằm đạt được kết quả tốt nhất; 4) Về phía địa phương, đề nghị Lãnh đạo tỉnh có sự chỉ đạo quyết liệt các sở, ban, ngành phối hợp chặt chẽ với Sở KH&CN trong việc ưu tiên đầu tư tương xứng cho KH&CN.