Nhằm nhân rộng mô hình làm nông, làm vườn tại gia đình và trong cộng đồng trên địa bàn TP.HCM, khoảng đầu năm 2015, Võ Tòng Khuê cho ra đời dự án Nông Thị.
Nông Thị cung cấp hai dịch vụ chính là thi công vườn tại nhà riêng và vườn dành cho cộng đồng tại TP.HCM. Phát triển theo hướng nông nghiệp tự nhiên, nông nghiệp sinh thái nên Nông Thị không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào.
Quy trình thực hiện vườn tại nhà riêng được tiến hành theo từng bước: Nhận yêu cầu, khảo sát, thiết kế, thi công, vận hành và bảo dưỡng. Mức giá mỗi vườn từ 1 triệu đồng trở lên, tùy theo mô hình, diện tích đất trồng, nhu cầu thẩm mỹ của khách hàng. Với diện tích 10m2 đất trồng không bị che khuất, Nông Thị đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu rau sạch cho gia đình có 3 thành viên.
Từ khi bắt đầu hoạt động đến nay, Nông Thị đã thi công hiệu quả khoảng 50 vườn tại nhà riêng cho các gia đình ở các quận trung tâm thành phố. Khuê cho biết: "Giá thành hiện tại của rau hữu cơ rất đắt, trung bình từ 50.000 - 100.000 đồng/ký. Trồng rau tại nhà sẽ giúp người dùng tự chủ về lương thực, cụ thể là được dùng sản phẩm hữu cơ với giá rẻ, nếu dư dả còn có thể chia sẻ cho những người khác".
Bắt nguồn từ suy nghĩ muốn kêu gọi nhiều gia đình cùng trồng rau quả để ăn và trao đổi với nhau, Khuê nảy ra ý tưởng lập các khu vườn cộng đồng nhằm tăng cường tính kết nối mọi người thông qua các hoạt động trồng trọt, thu hoạch, trao đổi kinh nghiệm... Khuê cho biết, vườn cộng đồng dự kiến sẽ được hình thành ở những mảnh đất trống được tận dụng lại của các siêu thị, trung tâm thương mại, trường học, sân thượng hoặc khoảng sân chung ở các căn hộ cao cấp... trong thời gian ít nhất là hai năm.
Các hộ gia đình sẽ thuê khu vực đất trồng và chi trả chi phí chăm sóc, đổi lại họ sẽ có một sân chơi riêng biệt, có rau quả trồng tự nhiên theo mùa để sử dụng. Đến lúc thu hoạch, họ có thể mua bán, trao đổi với các thành viên khác hoặc những gia đình lân cận có nhu cầu sử dụng rau sạch.
Điều quan trọng là nông dân và người sử dụng sẽ cam kết với nhau về việc chấp nhận những rủi ro khi trồng rau tự nhiên theo mùa mà không dùng phân bón hóa học hay thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật. Để giảm thiểu chi phí vận chuyển và hư hao cho cả Nông Thị và khách hàng, Khuê dự kiến sẽ thực hiện những vườn cộng đồng riêng cho từng khu vực trong thành phố.
Ở giai đoạn đầu, Khuê sẽ tự tay quản lý, vận hành các khu vườn cộng đồng (theo dõi dữ liệu vườn ươm, dữ liệu khách hàng...), sau đó bàn giao lại cho các nhân viên của Nông Thị. Sau hai năm hoạt động, công việc quản lý vườn sẽ được chuyển cho những người ở ngay tại địa phương đó.
Đầu tháng 4 tới, Nông Thị sẽ triển khai hai vườn cộng đồng đầu tiên ở hai khu vực Bình Quới (Q. Bình Thạnh) và Cát Lái (Q.2). Để có đủ điều kiện hình thành và phát triển thêm nhiều mô hình vườn cộng đồng như mong muốn, Khuê đã và đang tìm kiếm những nhà đầu tư tiềm năng là những nhóm gia đình, bạn bè quan tâm đặc biệt đến vấn đề an toàn thực phẩm.
"Tôi nảy ra ý tưởng phủ xanh đô thị thông qua dự án này là vì cảm nhận được tiến trình bê tông hóa, đô thị hóa đang ngày càng tăng tốc, dẫn đến tình trạng không gian xanh bị thu hẹp, không khí trở nên ngột ngạt, đồng thời thực phẩm cũng dần mất an toàn hơn. Sau khi tham gia làm việc và học hỏi về nông nghiệp tự nhiên tại doanh nghiệp xã hội Xanh Shop, tôi vạch ra hướng đi cho dự án của mình là làm nông nghiệp tại đô thị, từ đó cái tên Nông Thị ra đời. Thay vì trồng trọt, sản xuất ở các khu vực khác, sau đó cung cấp lại cho cửa hàng, Nông Thị chọn cách nâng cao ý thức về giá trị trồng trọt rau củ quả cho người dân thành thị”, Khuê chia sẻ.