Theo Tiền Phong
Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn Đà Nẵng đã hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo vì môi trường, cải thiện hệ thống xử lý rác thải rắn, thúc đẩy tiêu dùng bền vững, tiêu dùng xanh trong cộng đồng tại khu vực miền Trung”.
Những “hạt mầm” dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp… theo đuổi mô hình kinh tế bền vững với triết lý tạo tác động tích cực cho xã hội đang được Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn Đà Nẵng ươm tạo, hỗ trợ đặt những viên gạch đầu tiên cho hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn tiên phong ở miền Trung.
Biến rác thành… tiền
Sinh ra ở mảnh đất Thanh Hóa với những vùng trồng dứa bạt ngàn, Đỗ Xuân Tiến (SN 1987, đồng sáng lập start-up Fuwa Biotech) luôn mong mỏi làm một điều gì đó cho quê hương. Năm 2016, trong chuyến về quê, Tiến trao đổi với những người bạn của mình và tình cờ biết được thông tin về một tiến sĩ ở Thái Lan 30 năm nghiên cứu về phương pháp ủ thủ công và lên men vỏ trái cây tạo ra chế phẩm sinh học hữu ích.
“Trái dứa vốn có tính axit cao, khi dùng dao gỉ gọt, con dao sạch sẽ hơn. Khi ăn dứa, enzyme Bromelain trong dứa hoạt động mạnh mẽ, tiêu diệt protein bề mặt khiến ta cảm giác rát lưỡi. Bởi vậy, các bạn của tôi đã nghiên cứu rất kỹ quá trình lên men tự nhiên để tạo ra các chế phẩm sinh học dùng để tẩy rửa từ vỏ dứa”, anh Tiến kể.
Năm 2017, sau thời gian nghiên cứu và thử nghiệm, những chế phẩm nước rửa chén sinh học đầu tiên được sản xuất. Khách hàng đầu tiên của Fuwa chính là các thành viên sáng lập, gia đình, bạn bè, người thân… Các thành viên trong nhóm vừa sử dụng, vừa nghiên cứu để tiếp tục cải tiến chất lượng sản phẩm, công thức để đa dạng hóa sản phẩm. Hai năm sau, Công ty Fuwa Biotech được thành lập và đưa ra thị trường những dòng sản phẩm tẩy rửa gia đình có nguồn gốc hoàn toàn từ tự nhiên, an toàn với người sử dụng.
Đến nay, Fuwa có hơn 425 đại lý ở 32 tỉnh, thành trên cả nước, đầu tư xây dựng một nhà máy 3.000m2 tại Thanh Hóa để mở rộng sản xuất, nhân lên giá trị cho những cánh đồng dứa quê hương. Sản phẩm của Fuwa được công nhận OCOP 4 sao (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) cấp tỉnh, đại diện cho Việt Nam tham gia Hội nghị ASEAN Summit on Spin-off Technologies năm 2021 cho mảng nông nghiệp…
“Là doanh nghiệp, dĩ nhiên chúng tôi quan tâm đến lợi nhuận. Nhưng trên tất cả, chúng tôi mong muốn tạo ra những giá trị, tác động tích cực đến xã hội và môi trường. Triết lý mà chúng tôi theo đuổi là sự bình đẳng. Bình đẳng không chỉ giữa doanh nghiệp với nhân viên, với khách hàng mà còn cả với môi trường”, anh Tiến nói.
Biến rác thành tiền là ý tưởng được nhiều bạn trẻ miền Trung thực hiện thành công. Chị Trịnh Thị Hồng ở Đà Nẵng khởi nghiệp với các chế phẩm sinh học tẩy rửa lên men từ rác thải hữu cơ. Chị Hoàng Thị Mỹ Tuyến (Đắk Lắk) với start-up VietArt Craft, tái chế gỗ vụn bỏ đi thành các sản phẩm thương mại như đồ dùng nhà bếp, đồ trang trí… Hay câu chuyện về hai vợ chồng Jan Zellmann với dự án Reform ở Hội An (Quảng Nam) giúp kéo dài mãi những vòng đời của rác thải nhựa phế phẩm.
Ðặt nền móng hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn
Năm 2020, Accelerator Lab Việt Nam, trực thuộc mạng lưới 90 Accelerator Lab toàn cầu của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp với Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) để hỗ trợ những dự án, doanh nghiệp theo đuổi mô hình kinh doanh bền vững ở Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung, lan tỏa nhận thức và tạo tác động trong cộng đồng. Từ đây, Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn Đà Nẵng ra đời với tầm nhìn xây dựng hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn tiên phong và đầu tiên ở Đà Nẵng cũng như khu vực miền Trung.
Trở lại câu chuyện của Fuwa, là một trong những thành viên của “Biệt đội xanh” - chương trình ươm “mầm” đầu tiên do Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn Đà Nẵng triển khai sau khi ra mắt, Đỗ Xuân Tiến được kết nối với những dự án, start-up có cùng chung định hướng phát triển. Ở đó, Tiến hiểu rõ hơn về mô hình kinh tế tuần hoàn, định hình rõ hơn về cách áp dụng nó trong doanh nghiệp.
Hiện, Fuwa đồng hành cùng Mạng lưới Kinh tế Tuần hoàn triển khai chương trình nhân rộng các điểm refill (đổ đầy) với mục tiêu lan tỏa lối sống xanh, sản xuất và tiêu dùng có trách nhiệm với môi trường.
Bên cạnh Fuwa Refill Station, Mạng lưới cũng hỗ trợ nhiều các đơn vị, doanh nghiệp và dự án thực hành theo hướng kinh tế tuần hoàn như: Green Run Series - Giải chạy không rác thải đầu tiên trên thế giới, VietArt - Sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường từ gỗ thải, Green Building - Thu gom, phân loại, tái chế rác tại các tòa nhà chung cư, Green University DUE - Xây dựng lối sống xanh bền vững cho người trẻ ở Đà Nẵng, Green Hero - Nâng cao nhận thức cộng đồng, vận động và hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh cà phê giảm thiểu sử dụng đồ nhựa một lần...
Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn cũng đã “vẽ” bản đồ hệ sinh thái dòng chảy rác thải. Đó là bức tranh toàn cảnh về hoạt động của các nhóm dự án, đơn vị có hoạt động đóng góp vào hệ sinh thái giảm thiểu rác thải trên địa bàn TP Đà Nẵng và khu vực miền Trung. Trong giai đoạn hiện nay, Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn Đà Nẵng phối hợp cùng Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Việt Nam, UNDP, DNES, Đại học Ngoại thương tập trung vào các chương trình đào tạo chuyên gia, giảng viên nguồn về kinh tế tuần hoàn, cũng như huấn luyện doanh nghiệp trong khu vực về thực hành kinh tế tuần hoàn.
“Hai năm qua, Mạng lưới đã hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo vì môi trường, cải thiện hệ thống xử lý rác thải rắn, thúc đẩy tiêu dùng bền vững, tiêu dùng xanh trong cộng đồng tại khu vực miền Trung”. lan tỏa khái niệm về kinh tế tuần hoàn cũng như lối sống xanh, tiêu dùng xanh đến các bạn trẻ, các dự án cộng đồng địa phương… Mạng lưới đã hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo vì môi trường, cải thiện hệ thống xử lý rác thải rắn, thúc đẩy tiêu dùng bền vững, tiêu dùng xanh trong cộng đồng tại khu vực miền Trung”. Chị Lương Thu Thanh, Quản lý Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn Đà Nẵng.