Không để sản phẩm nghiên cứu "xếp xó"

Tại buổi làm việc với Sở KH-CN TP.HCM vào ngày 29/5 với nội dung “thương mại hóa các sản phẩm KH-CN và chương trình phát triển KH-CN trong doanh nghiệp (DN) nhà nước”, ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ tịch UBND thành phố đã chỉ đạo: Các DN phải tự xây dựng chương trình phát triển KH-CN dưới sự hướng dẫn và đôn đốc của Sở KH-CN TP.HCM. Đồng thời, sở KH-CN TP.HCM cần đẩy mạnh hơn nữa việc thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu. 

Khuyến khích doanh nghiệp lập Quỹ Phát triển KH-CN

Tính đến ngày 23.5.2012, TP.HCM đã có 31 (có 11 doanh nghiệp nhà nước) doanh nghiệp thành lập quỹ phát triển khoa học – công nghệ (KH-CN) với hơn 138 tỷ đồng. Mục tiêu của TP.HCM đến năm 2013, tất cả các doanh nghiệp nhà nước do thành phố quản lý phải thành lập quỹ phát triển KH-CN.

Máy sản xuất cát xây dựng từ đá, dự án nghiên cứu chế tạo do Sở KH-CN TP.HCM cấp kinh phí, sản phẩm đã được thương mại hóa (Ảnh: T.Ngọc)
Việc thành lập Quỹ Phát triển KH-CN ở các DN đã được TP.HCM triển khai từ năm 2009. Đến nay, đã có 80 doanh nghiệp đến Sở KH-CN TP.HCM tìm hiểu về việc thành lập quỹ. Trong số đó, đã có 31 DN đăng ký thành lập Quỹ Phát triển KH-CN, nhưng thực tế, chỉ mới có 20 DN trích kinh phí đơn vị cho Quỹ. 
11 doanh nghiệp đã đăng ký nhưng chưa trích lập quỹ là do mới thành lập nên chưa trích lập được. Ngoài ra, còn có DN chưa lập Quỹ Phát triển KH-CN do đang làm ăn thua lỗ. 

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà, Sở KH-CN TP.HCM cần có đủ thẩm quyền để xác nhận doanh nghiệp thành lập nguồn quỹ này nhằm chi tiêu cho hoạt động nghiên cứu và phát triển KH-CN. Hiện Luật KH-CN cũng đã có quy định doanh nghiệp được trích 10% lợi nhuận trước thuế để chi cho phát triển KH-CN.  

Về phía Sở KH-CN TP.HCM, ông Phan Minh Tân, Giám đốc sở cho rằng: “Nếu thu hút được nhiều doanh nghiệp thành lập Quỹ Phát triển KH-CN thì đây sẽ là nguồn lực lớn hơn nhiều so với ngân sách thành phố đầu tư cho nghiên cứu khoa học và phát triển, đổi mới công nghệ”. 

TP.HCM đang chọn Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn làm đơn vị điểm về thành lập, vận hành Quỹ Phát triển KH-CN. Đây sẽ là mô hình để các doanh nghiệp khác học tập. 

40 sản phẩm ưu tiên thương mại hóa

Cũng tại buổi làm việc trên, Sở KH-CN TP.HCM đã trình UBND TP.HCM danh mục 40 sản phẩm nghiên cứu sẽ được thương mại hóa. Đây là những kết quả đã được nghiệm thu từ các đề tài nghiên cứu, các dự án hoàn thiện công nghệ….

Giới thiệu sản phẩm đèn LED được sản xuất tại một doanh nghiệp ở TP.HCM (Ảnh: T. Ngọc)

Trong 40 sản phẩm được Sở KH-CN TP.HCM đề xuất, có những sản phẩm được đánh giá cao như: thuốc RUVINTAT điều trị bệnh cao huyết áp, đã có thử nghiệm lâm sàng cho kết quả tốt. Đây là sản phẩm mà Sở KH-CN TP.HCM đã đầu tư 8 năm nay. Tổng số tiền mà nhà nước đầu tư vào nghiên cứu này khoảng 10 tỷ đồng và đang được chào bán cho doanh nghiệp Dược với giá khoảng 4 triệu USD. Một sản phẩm khác là Hệ thống xử lý nước thải y tế công suất nhỏ (công suất 2m3/ngày). Sản phẩm này phù hợp với các phòng khám, bệnh viện tuyến phường, xã; trong thời gian tới bắt buộc phải có hệ thống này, sản xuất phân vi sinh từ tác thải... Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Ban Kinh tế - ngân sách - Hội đồng nhân dân TP.HCM cho rằng, khá nhiều sản phẩm trong danh mục như đệm hơi và ống tuột cứu hộ, quy trình sản xuất thịt heo an toàn… là những sản phẩm mà hiện nay ở thành phố đang rất cần. 

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà đề nghị, Sở KH-CN TP.HCM nên lập hai danh mục. Một danh mục các sản phẩm đã có sẵn, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao, CNTT, môi trường, giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, cơ khí. Đây là những sản phẩm có doanh thu cao, tác động đến sự phát triển của xã hội. Bên cạnh đó, sở cũng nên lập một danh mục các sản phẩm sẽ đặt hàng. Những sản phẩm này có thể xuất phát từ nhu cầu của các đơn vị, doanh nghiệp và người dân. “Sản phẩm được thương mại hóa phải có sự lan tỏa rộng, tác động mạnh đến kinh tế, chứng minh được sức mạnh của KH-CN. Trước mắt, cần tập trung vào những sản phẩm điển hình, có trọng tâm”, ông Lê Mạnh Hà nói.

Thực hiện chỉ đạo trên, ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH-CN TP.HCM cho biết, từ năm 2011, Phòng Quản lý khoa học thuộc sở đã có bộ phận chuyên trách về thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu. Sắp tới, sở sẽ chú ý đẩy mạnh hơn nữa khâu thương mại hóa và “không thể cứ nghiệm thu xong là phủi tay và hết trách nhiệm”.