CPH MobiFone: chờ thời điểm có lợi để công bố
Thứ trưởng Trần Đức Lai khẳng định không có chuyện mạng di động triệt tiêu mạng cố định. Ảnh: VTC |
Về vấn đề cổ phần hoá (CPH) doanh nghiệp, Thứ trưởng Trần Đức Lai cho biết, hiện nay, trong ngành viễn thông còn 3 doanh nghiệp là Viettel, MobiFone và VinaPhone chưa CPH hoá được. “Chúng tôi cũng nhận lỗi là chỉ đạo của các Bộ chưa quyết liệt; các doanh nghiệp hoặc cơ quản chủ quản của doanh nghiệp chưa quyết liệt. Đó là lý do chủ quan.
Lý do khách quan lớn là đây là những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nên khi xác định tài sản doanh nghiệp khác hoàn toàn với việc xác định giá trị doanh nghiệp của các đơn vị sản xuất. Đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, ngoài tài sản hữu hình là hệ thống nhà trạm còn tài sản vô hình là thương hiệu, là tiềm năng, khả năng phát triển của dịch vụ. Đặc biệt trong lĩnh vực di động, đã có giai đoạn viễn thông phát triển ngoài dự báo. Việc xác định giá trị doanh nghiệp trong các doanh nghiệp viễn thông rất phức tạp, rất khó không phải chỉ ở VN mà các nước trên thế giới cũng vậy. Khi tiến hành CPH phải rất khẩn trương nhưng không vội vã để đảm bảo bảo tồn và phát huy vốn của doanh nghiệp.
Ví dụ với MobiFone, tôi là Trưởng ban chỉ đạo CPH doanh nghiệp này, chúng tôi đang chỉ đạo rất quyết liệt để làm sao đảm bảo tiến độ và độ chính xác của giá trị doanh nghiệp. Việc định giá MobiFone đã được thuê tư vấn nước ngoài, đã tiến hành bài bản, khoa học. Nhưng khi đã xong việc đánh giá, đúng lúc đương đầu với khủng hoảng kinh tế toàn cầu, chúng tôi đã báo cáo với Thủ tướng chính phủ về việc cân nhắc thời điểm công bố để có lợi cho nhất VN”.
Theo thứ trưởng Trần Đức Lai, DN Việt Nam muốn vươn ra tầm quốc tế ngoài cơ chế chính sách của nhà nước, sự tự lực của doanh nghiệp là vấn đề rất quan trọng và quyết định. Doanh nghiệp phải có chiến lược nâng cao chất lượng và số lượng nguồn lực con người, KHCN, kỹ thuật, kinh tế, thị trường, quản lý.
Thứ trưởng cho rằng đến nay đã có một vài doanh nghiệp VT-CNTT của Việt Nam có bước khởi đầu vươn ra quốc tế, nhưng nếu khẳng định là DN VT-CNTT VN đã có chỗ đứng trên thế giới thì e rằng hơi sớm quá và muốn có chỗ đứng trên thế giới thì DN phải cố gắng nhiều nữa.
Không có chuyện mạng di động triệt tiêu mạng cố định
Độc giả Thuỳ Liên, Hà Nội băn khoăn: Bộ sẽ khuyến khích phát triển điện thoại cố định vì đây là nền tảng của mạng băng rộng trong tương lai nhưng thực tế chỉ có VNPT đầu tư mạnh, doanh nghiệp khác đầu tư hạn chế hoặc được cấp phép nhưng không đầu tư. Bộ có biện pháp gì để duy trì mạng điện thoại cố định và mạng di động có tiêu diệt mạng cố định hay không?
Thứ trưởng Trần Đức Lai khẳng định: Đúng là ở VN, có sự chênh lệch, không đồng bộ giữa tăng trưởng điện thoại cố định và di động. Nguyên nhân thứ nhất do công nghệ vô tuyến phát triển nhanh và cũng đáp ứng được 1 số yêu cầu như mạng cố định; ngoài ra, do đặc điểm địa lý, ở VN phát triển thông tin vô tuyến nhanh hơn, dễ hơn triển khai mạng cố định.
Bộ đã hoan nghênh các DN ứng dụng công nghệ mới nhưng cũng nhiều lần cảnh báo và nhắc nhở DN phải cân bằng với phát triển mạng cố định. Về lâu dài, mạng cố định có chất lượng tốt hơn, băng thông rộng hơn. Trước chủ yếu VN dùng cáp đồng, nay cơ bản dùng cáp quang và sau này đa dạng hoá dịch vụ, trên 1 đường dây thuê bao, không chỉ có điện thoại mà có Internet, truyền hình, giải trí, đào tạo từ xa, y tế từ xa… và lâu dài chỉ có mạng cố định mới đảm bảo chất lượng các dịch vụ trên.
Bộ đã có chỉ thị yêu cầu các DN đã được cấp phép mạng cố định phải triển khai và với dịch vụ này chính sách cũng sẽ có sự điều chỉnh linh hoạt hơn để làm sao thu hút người dân sử dụng. Cước kết nối giữa cố định với di động và ngược lại sẽ phải có điều chỉnh để làm sao đảm bảo bù lỗ cho mạng cố định. Ở các nước, không có chuyện mạng di động tiêu diệt mạng cố định.
Quỹ dịch vụ viễn thông công ích đưa mật độ điện thoại tăng hơn 3 lần
Thứ trưởng Trần Đức Lai cho biết: VN là một trong rất ít các nước thành lập Quỹ dịch vụ viễn thông công ích rất sớm (năm 2005). Ngân sách nhà nước chỉ đóng góp phần rất nhỏ là vốn điều lệ của Quỹ, còn lại hàng năm do doanh nghiệp đóng góp để phát triển dịch vụ tại vùng sâu, vùng xa.
Đầu năm 2010, Bộ TT&TT sẽ có báo cáo Thủ tướng tình hình hoạt động của Quỹ và xây dựng chương trình tiếp theo. Nhưng theo kết quả hiện nay, hoạt động của Quỹ rất hiệu quả trong việc nâng cao khả năng hiểu biết về CNTT-VT cho người dân thông qua các con số đã đạt được.
Hiện Quỹ đang duy trì hỗ trợ cho hơn 4.500 xã của 191 huyện trên toàn quốc. Khi Quỹ mới thành lập, mật độ điện thoại của các xã này đều dưới 2,5 máy điện thoại/100 dân. Đến nay, (chỉ còn hơn 20 xã) còn lại tất cả các huyện đã đạt trên 10 máy điện thoại/100 dân. Đó là tốc độ tăng trưởng tốt.
Bộ TT&TT sẽ “định nghĩa” SIM số đẹp
Thứ trưởng cho rằng, gọi kho số điện thoại là tài nguyên thì hơi “to lớn” quá. Nói chính xác ra, đây là một loại dịch vụ để duy trì và phát triển hệ thống liên lạc.
Trả lời câu hỏi của độc giả về tình trạng mua bán “tài nguyên kho số”, thậm chí có nhà mạng rao bán SIM số đẹp trên website, Thứ trưởng Trần Đức Lai cho biết cho hiện tại chưa có một văn bản pháp luật nào quản lý số điện thoại đẹp và cũng chưa có định nghĩa như thế nào là số đẹp. Thứ trưởng cho rằng đưa vấn đề số điện thoại đẹp vào luật là rất khó vì nó phụ thuộc vào quan niệm của thị trường, xã hội, người dùng về về “thế nào là đẹp?”.
Tuy nhiên, Bộ TT&TT sẽ phải nghiên cứu để định nghĩa được số đẹp sau đó sẽ đấu thầu để đảm bảo công bằng hơn cho cả xã hội, có lợi hơn cho cả nhà nước, Thứ trưởng nói.
DN phải tự chuyển đổi khi không phù hợp nhu cầu thị trường
Một vấn đề nữa được đặt ra là liệu con số 7 mạng di động có phải là quá nhiều hay không? Thứ trưởng nói: Vào thời điểm hiện tại một thị trường với dân số khoảng 85 triệu người có 7 mạng di động đang hoạt động “là nhiều”.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng đó là sự phát triển tất yếu trong lịch sử phát triển ngành viễn thông mà nhiều nước đã trải qua, gồm hai giai đoạn: từ độc quyền cho đến mở cửa, cạnh tranh quyết liệt. Trong quá trình chuyển từ hoàn toàn độc quyền sang cạnh tranh, để thúc đẩy cạnh tranh, giai đoạn đầu có nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động. Ngay cả Trung Quốc, trước đây có hàng chục mạng di động và nay được gom lại còn ba mạng di động.
Tại Việt Nam, Thứ trưởng Trần Đức Lai cho biết, cạnh tranh đem lại những điểm tốt: người dân có sự lựa chọn; doanh nghiệp có cạnh tranh nhưng đều lớn lên, quy mô thị trường tăng lên, doanh nghiệp nào cũng tăng trưởng. Năm nay, có sự tăng trưởng đột biến của các DN như Viettel và VNPT; nhà nước cũng có lợi khi DN phát triển.
Tuy nhiên, Bộ TT&TT cũng đã tham mưu cho Chính phủ các chính sách để làm sao thị trường viễn thông phát triển nhanh, bền vững và không có quá nhiều doanh nghiệp (việc cấp phép 3G là một ví dụ).
Bên cạnh sự quản lý của nhà nước còn có sự điều tiết của thị trường, nếu trong quá trình phát triển, DN nào không đáp ứng được yêu cầu phát triển của thị trường thì tự khắc DN phải tìm cách sáp nhập hoặc chuyển đổi, Thứ trưởng nói.
Nguồn: VietnamNet