Khuyến khích phát triển kinh tế đi liền với giảm ô nhiễm môi trường Luật thuế bảo vệ môi trường nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững, khuyến khích phát triển kinh tế đi liền giảm ô nhiễm môi trường.
Họp phiên toàn thể tại Hội trường hôm nay (31/5), Quốc hội đã nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về dự án Luật thuế bảo vệ môi trường. Trong Tờ trình do Bộ trưởng Bộ tài chính Vũ Văn Ninh trình bày, việc nghiên cứu và ban hành Luật thuế bảo vệ môi trường nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững, khuyến khích phát triển kinh tế đi liền giảm ô nhiễm môi trường, phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay và những năm tới. 5 đối tượng chịu thuế Mục tiêu của dự án Luật thế bảo vệ môi trường là nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của toàn xã hội, từ đó góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của tổ chức, cá nhân trong sản xuất và tiêu dùng nhằm giảm phát thải ô nhiễm tại nguồn. Dự thảo Luật thuế bảo vệ môi trường gồm 4 Chương, 14 Điều với các quy định cụ thể xác định rõ phạm vi điều chỉnh, đối tượng chịu thuế, đối tượng không thuộc diện chịu thuế, người nộp thuế bảo vệ môi trường; quy định các căn cứ tính thuế, xác định thuế, khai, tính thuế... Về đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, Chính phủ dự kiến đưa 5 nhóm hàng hoá vào diện chịu thuế bảo vệ môi trường gồm xăng dầu (xăng các loại, nhiên liệu bay, diesel, dầu hoả, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn); than; môi chất làm lạnh chứa hydro-clo-flo-carbon (dung dịch HCFC được sử dụng trong một số lĩnh vực công nghiệp như: làm lạnh, điều hoà không khí); túi nhựa xốp (túi ni lông) và thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng. Đối tượng không chịu thuế gồm hàng hoá vận chuyển quá cảnh hoặc chuyển khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam, hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu trong thời hạn theo qui định của pháp luật; hàng hóa do cơ sở sản xuất trực tiếp xuất khẩu hoặc ủy thác cho cơ sở kinh doanh xuất khẩu để xuất khẩu, trừ trường hợp tổ chức, cá nhân mua hàng hoá thuộc diện chịu thuế bảo vệ môi trường để xuất khẩu. Nhiều ý kiến xung quanh đối tượng chịu thuế và không chịu thuế Báo cáo thẩm tra dự án Luật thuế bảo vệ môi trường do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển trình bày cho rằng, dự thảo Luật đã quy định nhiều vấn đề mới, điều chỉnh cơ bản những hoạt động có tác động tới môi trường, quy định về đối tượng chịu thuế, mức thuế, phương pháp tính thuế… Tuy nhiên, đối chiếu với mục tiêu ban hành luật thì còn một số nội dung cần tiếp tục hoàn thiện. Chẳng hạn, về đối tượng chịu thuế (Điều 3), theo ông Phùng Quốc Hiển, để bảo đảm tính thuyết phục của dự án Luật, đề nghị Chính phủ lý giải cụ thể căn cứ quy định đối tượng chịu thuế, đối tượng gây ô nhiễm môi trường nhưng chưa thuộc diện chịu thuế. Có ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung vào đối tượng chịu thuế một số mặt hàng như chất tẩy rửa, hạt nic... Về đối tượng không chịu thuế (Điều 4), có ý kiến cho rằng, quy định như trong dự án Luật chưa hợp lý vì Luật thuế bảo vệ môi trường không chỉ cần xác định trách nhiệm bảo vệ môi trường ở Việt Nam mà phải bảo vệ môi trường chung trên trái đất, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa. Vì vậy, đề nghị quy định nghĩa vụ nộp thuế bảo vệ môi trường đối với cả hàng hóa xuất khẩu gây ô nhiễm môi trường. Về khung thuế (Điều 8) và căn cứ xác định khung thuế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, việc xác định mức thuế bảo vệ môi trường là vấn đề cốt lõi và phức tạp, phải được dựa trên những luận cứ khoa học chặt chẽ, căn cứ thực tiễn xác đáng. Tuy nhiên, các tiêu chí để xây dựng khung thuế đối với một số đối tượng chịu thuế là chưa rõ ràng, chưa đủ căn cứ thực tiễn nên tính thuyết phục chưa cao. Giữa một số mặt hàng, tiêu chí để xác định mức thuế chưa thống nhất (ví dụ, mức trần của khung thuế suất đối với xăng là 25% tính trên giá bán nhưng than lại bằng 1% tính trên giá bán, trong khi đó túi nhựa xốp lên tới 100% giá bán...). Vì vậy, Ủy ban đề nghị làm rõ căn cứ tính thuế, dựa trên đánh giá tác động về kinh tế - xã hội, mức độ gây ô nhiễm môi trường, có số liệu chứng minh cụ thể, tránh quy định thuế suất chủ quan, khó bảo đảm công bằng trong áp dụng chính sách. Chiều nay (31/5), các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật này. Cũng trong ngày làm việc hôm nay, Quốc hội nghe Tờ trình về dự án Luật thanh tra (sửa đổi) và dự án Luật khoáng sản (sửa đổi). |
Bao bì và giấy (306) Cao su, Nhựa, Hóa chất (793) Công cụ, dụng cụ (3708) Công nghệ sinh học (-1) Cơ khí - Chế tạo máy (2048) Dịch vụ kinh doanh (1373) Dụng cụ đo lường và phân tích (1535) Hành lý, Túi và Vali (45) Linh kiện điện tử (271)
Lĩnh vực khác (40) Máy móc thiết bị (2848) Môi trường (562) Nhựa và Cao su (363) Nông nghiệp (516) Năng Lượng (213) Năng lượng, Khoáng sản, kim loại và nguyên vật liệu (301) Phần mềm và phần cứng máy tính (680) Quà tặng và đồ thủ công (-1)