Sáng nay (17/12), Văn phòng Chủ tịch nước họp báo về Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật Viễn thông có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2010.
Khuyến khích mọi nguồn lực xã hội
Thứ trưởng thường trực Bộ Thông tin - Truyền thông Lê Nam Thắng cho biết Luật mới sẽ tạo điều kiện và mở rộng sự tham gia của các thành phần kinh tế trong kinh doanh viễn thông, đặc biệt là đối với lĩnh vực thiết lập hạ tầng mạng.
Thứ trưởng Lê Nam Thắng: Huy động, khuyến khích mọi nguồn lực xã hội tham gia phát triển hạ tầng mạng. Ảnh: VNN
"Việc huy động, khuyến khích mọi nguồn lực xã hội, kể cả thành phần kinh tế tư nhân tham gia phát triển hạ tầng là hết sức cần thiết", Thứ trưởng Lê Nam Thắng nhấn mạnh.
Ngoài ra, các quy định trong luật cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy cạnh tranh, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh viễn thông trong môi trường bình đẳng, công bằng và minh bạch.
Tuy nhiên, đi cùng với việc mở rộng này, Luật Viễn thông vẫn đảm bảo an toàn, an ninh thông tin và giữ vai trò kiểm soát, điều tiết của Nhà nước và định hướng xã hội chủ nghĩa trong hoạt động viễn thông.
Đặc biệt, Luật Viễn thông giao cho Thủ tướng quy định việc Nhà nước nắm cổ phần chi phối trong một số doanh nghiệp viễn thông chủ lực, có tầm quan trọng đặc biệt đối với toàn bộ mạng viễn thông quốc gia và ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng của đất nước.
Đấu giá tài nguyên viễn thông
Theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, để tăng cường hiệu quả sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet, ngoài hình thức phân bổ trực tiếp theo nguyên tắc "đến trước, cấp trước", Luật Viễn thông mới quy định thêm các hình thức phân bổ thi tuyển, đấu giá đối với các tài nguyên viễn thông có giá trị thương mại cao, nhu cầu vượt quá khả năng phân bổ.
Ngoài ra, luật cũng cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng tần số trong trường hợp cấp phép bằng phương thức đấu giá. Từ đó, lựa chọn các doanh nghiệp có năng lực thực sự, cung cấp dịch vụ tốt nhất, đồng thời đảm bảo minh bạch trong cấp phép các băng tần quý hiếm.
Bên cạnh việc khuyến khích cạnh tranh, Nhà nước cũng sẽ có chính sách, cơ chế nhằm đảm bảo việc cung cấp dịch vụ viễn thông thiết yếu đến mọi người dân, đặc biệt là tại vùng sâu, vùng xa vì việc kinh doanh tại các địa bàn này không đảm bảo đủ bù đắp chi phí và phát sinh lợi nhuận theo cơ chế thị trường.
Một điểm mới nữa là Luật sẽ có những cải tiến về thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý viễn thông, đảm bảo quyền, lợi ích của người sử dụng dịch vụ viễn thông, "minh bạch và công khai hóa việc cấp phép viễn thông, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm thông qua việc giảm bớt các thủ tục về đăng ký, thẩm tra dự án đầu tư".
Luật mới cũng quy định chi tiết về trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông trước khi đưa các thiết bị mạng, thiết bị đo lường tính giá cước vào hoạt động phải thực hiện kiểm định... nhằm đảm bảo quyền, lợi ích người tiêu dùng.
Cũng trong sáng nay, Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố hiệu lực của Luật Tần số vô tuyến điện. Luật mới sẽ khắc phục được những hạn chế trong văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, trong công tác quản lý để phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường và tốc độ phát triển công nghệ, dịch vụ vô tuyến điện; Thúc đẩy sự phát triển của thông tin vô tuyến điện, ứng dụng công nghệ hiện đại sử dụng hiệu quả tài nguyên tần số; Thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường dịch vụ thông tin vô tuyến... Luật sẽ có hiệu lực từ 1/7/2010. |
Nguồn: VietnamNet.