Kìm được lạm phát sẽ rất khó khăn
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kêu gọi toàn xã hội đồng lòng kiềm chế lạm phát, song cũng nhìn nhận việc kiểm soát CPI trong những tháng cuối năm không dễ dàng khi giá xăng dầu tăng.
Ngân sách không đủ bù lỗ, xuất lậu xăng dầu hoành hành và VN không thể cứ mãi bao cấp cho cả nước lân cận - đây là lý do của mỗi lần điều chỉnh giá xăng dầu. Cũng đồng tình như vậy, song giới chuyên gia cho rằng sẽ hợp lý hơn nếu việc điều chỉnh được tiến hành từng bước thay vì "gây sốc" khi đưa ra mức tăng tới 4.500 đồng cho một lần.
Người dân sẽ phải tính toán hơn cho bữa ăn của mình. Ảnh: Hoàng Hà. |
Viện phó Viện kinh tế TP HCM Đinh Sơn Hùng cho rằng việc tăng đột ngột giá xăng lên 19.000 đồng mỗi lít sẽ khiến một số mặt hàng khác sẽ "ăn theo", gây nên những biến động dây chuyền. Theo ông, lẽ ra nên có lộ trình tăng giá phù hợp, có thể tăng vài trăm đồng mỗi tháng để đến cuối năm nay, giá xăng là 19.000 hoặc 20.000 đồng theo như kế hoạch đề ra. Làm như vậy, người dân sẽ dễ chấp nhận hơn, tránh cú sốc cho nền kinh tế, đồng thời Chính phủ có thời gian để điều chỉnh thang lương, bảng lương mới cho phù hợp với lộ trình tăng giá này.
"Ở đây có sự mâu thuẫn giữa mục tiêu đề ra và cách thức điều hành nền kinh tế của các cơ quan quản lý", ông Hùng nhấn mạnh. Theo ông, mức giá xăng mới này có thể đẩy tỷ lệ lạm phát cả năm hơn 30%, lãi suất huy động sẽ tăng theo nhằm đảm bảo cơ chế lãi suất dương cho người gửi. Kéo theo đó, lãi suất cho vay tăng, khiến doanh nghiệp e ngại tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, quy mô sản xuất do đó bị thu hẹp lại, doanh thu và lợi nhuận sụt giảm, tiêu dùng cũng hạn chế.
Chuyên gia kinh tế Trần Tô Tử thì cho rằng, tăng giá xăng dầu là điều không thể tránh khỏi và ai cũng có thể đoán biết được khi giá dầu thế giới liên tục lập những kỷ lục mới. Ngoài ra, việc buôn lậu xăng dầu qua biên giới cũng đang rộ lên, khi mức giá bán ở các nước láng giềng như Campuchia cao hơn Việt Nam. Việc "bao cấp" xăng dầu cho các nước xung quanh là điều hết sức phi lý.
Tuy nhiên, ông Trần Tô Tử cũng bày tỏ quan điểm, giá xăng nên nhích dần từng bước để người dân có thời gian thích nghi và không cảm thấy hụt hẫng. Cũng là tăng giá, nhưng thực hiện có lộ trình thì sẽ mang lại những phản ứng tích cực hơn so với việc tăng đột biến.
"Mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát sẽ rất khó", chuyên gia kinh tế Trần Bá Tước khẳng định. Ông giải thích, một khi giá xăng điều chỉnh tăng, mọi thứ khác cũng sẽ vin vào cớ này để nâng giá bán, nhất là khi xăng tăng đến 19.000 đồng một lít.
Tăng giá xăng dầu vào thời điểm hiện nay là bất khả kháng vì ngân sách Nhà nước không còn đủ sức bù lỗ - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giải thích, đồng thời thừa nhận thực tế việc kiểm soát CPI trong những tháng cuối năm rất khó khăn. Tổng nguồn thu nội địa của cả nước năm 2008 dự kiến chỉ khoảng 200.000 tỷ, nếu không điều chỉnh giá xăng dầu thì VN sẽ phải trích 38% nguồn thu để bù lỗ riêng mặt hàng này.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho hay ngay từ năm ngoái, Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị chiến lược an ninh năng lượng quốc gia, trong đó có việc xây dựng hệ thống các cơ sở dự trữ xăng dầu, kể xăng dầu thô và chế biến nhằm đối phó với diễn biến xấu từ thị trường thế giới. Theo ông, năm 2008 giá dầu thô thế giới diễn biến bất thường và khó dự đoán, do vậy VN không còn cách nào khác phải chủ động nguồn hàng để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Năm 2007 cả nước nhập khẩu khoảng 13 triệu tấn xăng dầu với kim ngạch là 7,71 tỷ USD. 6 tháng đầu năm 2008 lượng xăng dầu nhập về thị trường vào khoảng 7,87 triệu tấn, tương đương với gần 7 tỷ USD. Dự báo cả năm, số lượng xăng dầu nhập về vào khoảng 15,5 triệu tấn. |
Phó Thủ tướng cho rằng nếu tiếp tục bù lỗ lớn như vậy sẽ bóp méo thị trường, doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu bị lỗ nhiều không có vốn để kinh doanh sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung. "Dù giá xăng dầu tăng nhưng việc kiềm chế lạm phát vẫn là ưu tiên số một trong hoạt động điều hành của Chính phủ và các bộ ngành từ nay tới cuối năm. Vì vậy, chúng ta phải tìm mọi biện pháp để các mặt hàng khác không tăng giá ồ ạt", ông nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng nhìn nhận 6 tháng cuối năm nhiệm vụ đặt ra cho Chính phủ và các bộ ngành còn rất nặng nề. Lần điều chỉnh giá xăng dầu này theo ước tính ban đầu có thể tác động trực tiếp đến chỉ số CPI khoảng 0,5-0,7%. Nếu không có biện pháp kiểm soát tốt, con số này có thể sẽ đội lên rất cao.
Ông cho hay nỗi lo của Chính phủ hiện nay là sự ồ ạt tăng giá của một số mặt hàng khác do tác động bởi giá xăng dầu. "Tôi yêu cầu các bộ ngành phải thực hiện triệt để 8 giải pháp mà Chính phủ đã đề ra trước đó là tăng cường kiểm soát, chồng đầu cơ tăng giá, thực hành tiết kiệm... Có sự nỗ lực, cố gắng, đồng thuận chia sẻ của tất cả xã hội, của toàn dân, của tất cả các doanh nghiệp thì chúng ta sẽ vượt qua được khó khăn", ông tin tưởng.
(theo vnexpress)